Chuyện chưa kể về tác giả tấm thiệp cưới 'gây bão' ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Mới đây, cư dân mạng xã hội 'truyền tay' nhau tấm thiệp cưới độc đáo của một cặp đôi ở huyện Thanh Chương. Tuy vậy, ít ai biết về câu chuyện của tác giả tấm thiệp... 

Tấm thiệp cưới độc đáo gây
Tấm thiệp cưới độc đáo gây "sốt" trên internet là sản phẩm từ ý tưởng và công sức của anh trai cô dâu - anh Nguyễn Việt Anh.

Thời hoa niên sóng gió

Việt Anh sinh ra trong một gia đình gia giáo ở xóm 7 xã Thanh Ngọc (nay là khối 14 Thị trấn Thanh Chương), mẹ là giáo viên, bố là bộ đội phục viên, nhà còn có 2 người em gái.

Thời kỳ học THPT, Việt Anh nhanh chóng bị cuốn vào những chuyện xích mích, những vụ gây gổ đánh nhau giữa các nhóm học sinh các xã, các cụm xã. Dần dần, cậu trở thành “đại ca”, thường xuyên cầm đầu những học sinh “đầu gấu” tham gia nhiều vụ ẩu đả trong và ngoài trường. 

Nguyễn Việt Anh - anh trai của cô dâu Nguyễn Thùy Vân, tác giả của tấm thiệp cưới độc đáo.
Nguyễn Việt Anh - anh trai của cô dâu Nguyễn Thùy Vân, tác giả của tấm thiệp cưới độc đáo.

Thậm chí, Việt Anh còn dính vào cờ bạc. Chiếc xe đạp mà bố mẹ dành dụm tiền mua cho, cậu đem bán đi lấy tiền đánh bạc. Hết tiền, cậu mượn xe của bạn đem đi “cắm”, ai không cho mượn thì đánh. Những thành tích “bất hảo” đó khiến cái tên “Việt Anh Thanh Ngọc” trở nên nổi tiếng trong vùng, hầu hết bạn bè trong trường, trong xóm đều sợ và xa lánh cậu. Hậu quả là cuối học kỳ 1 năm lớp 10, Việt Anh bị trường cảnh cáo, đình chỉ học 1 năm.

Tháng 1/2000, Việt Anh bắt xe khách vào Đắk Lắk, xin vào làm cuốc cỏ cà phê cho một chủ trang trại cà phê người Hà Tĩnh mà sau này cậu mới biết là tay buôn gỗ lậu, đồng thời là một trùm xã hội đen, được trả công 900 nghìn đồng/tháng. Cuốc có được mấy bữa, cậu được giao nhiệm vụ mới là đi áp tải gỗ.

Trong chuyến đi áp tải gỗ đầu tiên, cậu được phát một chiếc mã tấu sắc lẹm kèm theo mệnh lệnh “ai đụng đến xe gỗ nhà mình thì không được nương tay”. Rồi sau đó, cậu trải qua 3 tháng liên tục vào rừng, tham gia những trận “giao tranh” nảy lửa với những “cánh” buôn gỗ khác bằng mã tấu, bằng súng tự chế. Cùng với đó là những trận sốt rét kinh hoàng, hành hạ cơ thể gầy gò của cậu bé 16 tuổi.

Đêm xuống, sau khi cơn sốt qua đi, Việt Anh nằm suy nghĩ về những gì mình đã trải qua. “Cứ thế này thì chắc mình không còn giữ được mạng sống để về học tiếp. Không bị chém chết thì cũng chém người để rồi tù tội mà thôi”. Rồi nước mắt cậu chảy dài vì nhớ bố mẹ, nhớ các em, hối hận vì không chịu học hành, rời bỏ gia đình. Rồi cậu quyết tâm trở về làm lại từ đầu.

Trong một lần cùng xe chở gỗ ra đường cái, nhân lúc không ai chú ý, cậu nhảy xuống xe trốn đi. Sang đến Gia Lai thì hết tiền, cậu tình cờ cặp được một gia đình gốc Bắc làm nghề mộc, có con trai bằng tuổi từng làm ghề áp tải gỗ bị bắn chết. Nghe chuyện, đồng cảm với những gì Việt Anh đã trải qua, gia đình đó đã nhận Việt Anh vào làm thợ mộc trong nhà, đồng thời cũng bảo ban cho cậu nhiều điều về cuộc sống.

"Vượt vũ môn"

Cuối tháng 8/2000, khi năm học mới sắp bắt đầu, Việt Anh xin về quê. Ngoài tiền công mấy tháng, vợ chồng người thợ mộc tốt bụng đó còn cho cậu thêm ít tiền. Về nhà, cậu dùng số tiền đó mua một chiếc xe đạp mini và sách vở để học lại lớp 10. Do nghỉ học lâu mất gốc nên Việt Anh phải “cày” lại khá vất vả. Nhưng với sự yêu thương, chăm sóc, động viên của bố mẹ, Việt Anh cũng dần bắt kịp với các bạn trong lớp. Nhưng gia đình cũng chỉ mong cậu học hết cấp 3 rồi xin cho đi làm công nhân chứ không nghĩ đến thi đại học.

Trong một lần ở nhà, buồn chán vì không có ai đưa đi chơi, cậu đem giấy ra vẽ. Tình cờ bác gái nhìn thấy, khen vẽ đẹp và gợi ý cậu thi vào Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Sau đó, bác đưa đến nhà một người bạn có con trai đang học ở trường, và sau vài lần trò chuyện cùng anh này, Việt Anh quyết tâm ở lại Hà Nội ôn luyện để thi vào trường. Và nỗ lực của cậu đã được đền đáp xứng đáng.

Đầu tháng 8/ 2004, cầm trên tay tờ giấy báo đỗ vào hệ chính quy, chuyên ngành thiết kế kiểu dáng sản phẩm Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội.

Nguyễn Việt Anh cùng bố và 2 em gái Thùy Dương, Thùy Vân trong lần cả gia đình ra Hà Nội lúc anh đang học năm thứ 2 đại học. Đây cũng là lần cuối cùng anh được gặp bố.
Nguyễn Việt Anh cùng bố và 2 em gái Thùy Dương, Thùy Vân trong lần cả gia đình ra Hà Nội lúc anh đang học năm thứ 2 đại học. Đây cũng là lần cuối cùng anh được gặp bố. 

Tốt nghiệp đại học loại giỏi (2009), Việt Anh không mấy khó khăn để xin vào làm ở Công ty cổ phần truyền thông dầu khí. Sau 4 tháng, thấy Công ty cổ phần đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global) tuyển nhân viên thiết kế làm việc ở Campuchia, anh nộp đơn và trúng tuyển. Trong 3 năm làm việc ở Viettel Campuchia từ 2009-2012, nhờ chăm chỉ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ và có nhiều sáng kiến, Việt Anh đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen Tập đoàn, của Tổng công ty và  vinh dự được kết nạp đảng trên đất nước bạn.

Cuối năm 2012, Viện nghiên cứu và phát triển Viettel được thành lập, Việt Anh về nước làm việc ở đây với vai trò chuyên viên thiết kế kiểu dáng công nghiệp.

Tiếp tục chứng tỏ được năng lực và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, năm 2015, Việt Anh được bầu chọn là một trong 27 nhân viên xuất sắc nhất trong số hơn 30.000 nhân viên của Tập đoàn Viettel, được nhận hỗ trợ phúc lợi vay tiền mua nhà với lãi suất 0% của tập đoàn.

Việt Anh hiện đang là nhân viên thiết kế kiểu dáng công nghiệp của Viện
Việt Anh (áo tím) hiện đang là nhân viên thiết kế kiểu dáng công nghiệp của Viện nghiên cứu và phát triển Viettel.

Gia đình là quan trọng nhất

Không những thành công tron công việc, Việt Anh cũng có một gia đình hạnh phúc với một người vợ cũng là một nhân viên của Viettel cùng một bé gái 2 tuổi rưỡi xinh xắn. Từ khi anh ra trường đi làm, người mẹ cũng chuyển ra Hà Nội ở cùng con trai.

Hai người em gái Thùy Dương, Thùy Vân dưới sự giúp đỡ của anh trai, đều tốt nghiệp đại học, trở thành cán bộ xã và đều đã lập gia đình. Mới nhất là cô em Thúy Vân – nhân vật của câu chuyện “tấm thiệp độc đáo”, vừa tổ chức đám cưới vào ngày 10/4 vừa qua.

Ông bố trẻ Việt Anh và con gái 2 tuổi rưỡi.
Ông bố trẻ Việt Anh và con gái 2 tuổi rưỡi.

Việt Anh thổ lộ: “Trước 1 tháng khi đám cưới cô em Nguyễn Thị Thùy Vân, mẹ có nói em thiết kế thiệp cưới thật đẹp để mẹ đưa về quê khoe với bà con, láng giềng. Với chuyên ngành của em thì việc này không mấy khó khăn, và em đã thiết kế một tấm thiệp phong cách truyền thống theo ý mẹ.

Em gọi về nhà cho em gái để nói về ý tưởng và Thùy Vân tỏ ra rất thích thú. Vậy là em tranh thủ giờ nghỉ trưa để thiết kế ra tấm thiệp. Tấm thiệp có 2 mặt, mặt ngoài khi gập lại thì không khác mấy so với các kiểu thiệp cưới truyền thống. Nhưng điều thú vị ẩn chứa ở mặt trong, khi mở ra người được mời sẽ được thấy một trang báo “Tuổi trẻ trâu - cơ quan ngôn luận của hội chống FA…” với những cái tít mang phong cách xì teen đầy sinh động như mọi người đã thấy". 

Trước khi kết thúc câu chuyện, Việt Anh tâm sự: "Từ những trải nghiệm trong cuộc sống của mình, em muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường, còn phụ thuộc vào gia đình thì hãy nghĩ đến gia đình, đến bố mẹ đang vất vả kiếm tiền, từ đó suy nghĩ nghiêm túc về việc học tập, về định hướng nghề nghiệp cho tương lai. Gia đình luôn là điều quan trọng nhất".

Minh Quân

TIN LIÊN QUAN

Tin mới