Chuyện cựu chiến binh tìm người thân cho liệt sỹ

(Baonghean) - Ông nói, đã là người lính, chứng kiến sự vào sinh ra tử nơi chiến trường thì cái tình người, tình đồng chí, đồng đội với nhau “nặng nợ” lắm.

Hơn nữa, ở phía quê nhà, có biết bao người mẹ ngóng con, người vợ ngóng chồng, chỉ cần một dòng tin tức về người thân cũng là nguồn vui cả quãng đời còn lại, vậy nên “cuộc hành trình” của ông đã và sẽ còn tiếp tục...

Ông Đặng Quang Huynh giới thiệu những bức ảnh ghi lại buổi gặp gỡ giữa ông và thân nhân liệt sỹ
Ông Đặng Quang Huynh giới thiệu những bức ảnh ghi lại buổi gặp gỡ giữa ông và thân nhân liệt sỹ.

2 cuộc hành trình và 700 bức ảnh

Ngôi nhà ông Đặng Quang Huynh (SN 1958) ở xóm 4, xã Diễn Thọ (Diễn Châu) có một bàn thờ nơi góc phòng, không phải là nơi thờ tổ tiên hay người ruột thịt, họ hàng. Ông nói, khi chúng tôi tò mò hỏi chuyện: “Đây là chỗ tôi dành riêng để thờ những chiến sỹ quê Nghệ An ngã xuống ở “đất lửa” Quảng Trị. Ngày rằm, lễ, tết, tôi đều có nén hương dâng lên hương hồn những người lính chưa có dịp trở về với gia đình, quê hương”.

Rồi câu chuyện giữa chúng tôi bắt đầu từ những tháng năm xưa ấy, khi chàng thanh niên đất Diễn Thọ Đặng Quang Huynh vào quân ngũ đầu năm 1975. Ngày đại thắng, Đặng Quang Huynh cùng đơn vị được lệnh vào miền Nam để truy quét tàn quân và xây dựng cơ sở. Điều ấy giúp ông Huynh cảm nhận được phần nào sự khốc liệt của cuộc chiến và những tổn thất, mất mát của quân và dân ta. Trong số những người ngã xuống, có  cậu ruột của ông, đến thời điểm ấy vẫn chưa tìm thấy mộ. Năm 1993, sau khi rời quân ngũ, ông dành dụm  tiền và quyết định vào Quảng Trị tìm mộ cậu, để thỏa nguyện niềm mong ước của ông bà ngoại lúc còn sống.

Chiếc ba lô trên vai với vài bộ quần áo, mấy gói mỳ tôm và chiếc máy ảnh cơ, ông Huynh đã hai lần vào đất Quảng Trị trong những ngày hè nắng gay gắt như đổ lửa. Đi hết nghĩa trang này đến nghĩa trang khác, tính ra phải đến 25 địa điểm nhưng vẫn không thấy một tấm bia nào khắc tên người cậu.

Từ Trường Sơn, Cam Lộ, Đường 9 đến Hải Lăng, Vĩnh Linh rồi Khe Sanh, Hải Trường... không thể kể hết những nỗi gian nan, vất vả, nhọc nhằn trên hành trình ấy, khi phải đối mặt với đói và khát, phải cuốc bộ hàng mấy cây số trên con đường đèo dốc cheo leo. Đến đâu, ông cũng thấy tên tuổi liệt sỹ quê Nghệ An và ông bắt đầu có ý tưởng chụp lại những tấm bia mộ ấy để về quê, có cơ hội sẽ tìm đến nhà báo cho thân nhân những người đang nằm lại nơi mảnh đất này. Vậy là, ông có khoảng 700 bức ảnh sau 2 cuộc hành trình, trong khi đó mộ người thân vẫn bặt vô âm tín.

Ông Đặng Quang Huynh ân nhân liệt sỹ
Ông Đặng Quang Huynh bên những bức ảnh, tập thư của thân nhân liệt sỹ mà ông đang lưu giữ.

Trở về nhà, Đặng Quang Huynh in tất cả những tấm ảnh đã chụp được, tính ra tiền phim và tiền in tráng 700 bức ảnh là một khoản không nhỏ đối với gia đình một bệnh binh. “Nhưng đã là người lính phải luôn đặt nghĩa tình lên trên hết, không thể so đo, tính toán thiệt hơn, bởi những người ngã xuống để cho mình được sống”. Với suy nghĩ ấy, ông Huynh quyết định lần theo địa chỉ được ghi trong những tấm bia mộ để tìm đến thân nhân các liệt sỹ, báo cho người nhà biết địa điểm con em, người thân của họ đang yên nghỉ. Ông bắt đầu một hành trình mới, không kém phần vất vả, mệt nhọc với những: Đô Lương, Thanh Chương, Nghi Lộc...

Nếu bận rộn hay ở quá xa, ông viết thư và gửi theo địa chỉ trên bia mộ. Biết bao nhiêu khó khăn, vất vả trong cuộc hành trình ấy, nhưng ông quyết không bỏ cuộc, vì mình có mệt nhọc nhưng đem đến niềm vui, khỏa lấp nỗi đợi chờ, khắc khoải của một gia đình cũng là niềm hạnh phúc. Nghĩ như thế, ông thầm lặng và bền bỉ với công việc của mình, cho dù số tiền trợ cấp bệnh binh ít ỏi, phải dè xẻn để nuôi 5 đứa con đang ở tuổi ăn, tuổi lớn. Cũng có lúc vợ tỏ ý than phiền, nhưng ông kiên trì thuyết phục, ông nói đến tình người, tình đời và tấm lòng nhân ái, vị tha nên người vợ hiểu và ra sức ủng hộ.

Nhịp cầu ân nghĩa

 “... Vô cùng biết ơn anh Đặng Quang Huynh, cựu chiến binh có lòng nhân hậu giúp đỡ gia đình chúng tôi với tất cả sự vô tư. Và tôi được biết nhiều gia đình được anh Huynh giúp đỡ như gia đình chúng tôi. Nếu có nhiều tấm gương như anh Huynh sẽ giúp bao gia đình tìm được người thân nhanh chóng. Bố tôi trước lúc qua đời có ước nguyện duy nhất là tìm được hài cốt anh Thư. Bây giờ chắc bố tôi đã được yên lòng nơi chín suối. Xin ghi ơn tấm lòng nhân hậu!”. Đây là những dòng tâm tình của ông Nguyễn Văn Quảng ở Quỳnh Xuân (Quỳnh Lưu), em trai liệt sỹ Nguyễn Văn Thư gửi cảm ơn ông Đặng Quang Huynh. Và đây cũng chỉ là 1 trong số hằng trăm bức tâm thư mà thân nhân liệt sỹ khắp mọi miền đã gửi tri ân ông.

Một bức thư cảm ơn ông Đặng Quang Huynh d
Một bức thư của thân nhân liệt sỹ gửi cảm ơn ông Đặng Quang Huynh. 

Cũng có những gia đình tìm về Diễn Thọ để gặp trực tiếp và nói lời cảm tạ, để được tận mắt chứng kiến cuộc sống của người cựu chiến binh giàu lòng nhân ái ấy. Hầu hết gia đình liệt sỹ đều gặp hoàn cảnh khó khăn nên những thức quà mang theo đều dân dã như mớ rau vườn, bó chè xanh, sang hơn thì chục quả cam hay trứng gà. Có người đến rồi không đủ tiền về quê, ông Huynh chở ra tận Quốc  lộ 1A đón xe và biếu một ít tiền làm lộ phí.

Danh sách liệt sỹ Nghệ An tại các nghĩa trang ở Quảng Trị anh Đặng Quang Huynh sưu tầm, tìm kiếm được
Danh sách liệt sỹ Nghệ An tại các nghĩa trang ở Quảng Trị mà ông Đặng Quang Huynh đã ghi chép và lưu lại.

Trên hành trình vất vả và mệt nhọc ấy, ông Huynh có không ít những kỷ niệm vui, buồn và cả sự bất ngờ. Ông nhớ nhất là lần cầm bức ảnh mộ chí, tìm đến gia đình liệt sỹ khắc trên bia. Đến nhà, sau một lúc trò chuyện mới ngỡ ra rằng “liệt sỹ” vẫn còn sống, từ chiến trường trở về và đang tiếp chuyện với ông. Nói đến chiến tranh là nói đến sự khốc liệt, gian khổ và hy sinh nhưng có lúc cũng lóe lên sự diệu kỳ. Trên đường hành quân, “liệt sỹ” ấy bị pháo của địch làm mất một cánh tay, đồng đội nhặt cánh tay và chôn rồi ghi tên lên mộ chí. Về sau, đội quy tập thấy ngôi mộ có tên tuổi, quê quán nên cất vào nghĩa trang. Cho đến một ngày ông Huynh chụp được tấm ảnh và tìm đến... Hai người lính ôm chầm lấy nhau, nụ cười xen lẫn dòng nước mắt.

Cho đến hôm nay, sau hơn 10 năm, trực tiếp tìm đến nhà, qua thư từ, nhắn tin truyền hình và bạn bè thân quen, ông Đặng Quang Huynh đã chuyển được khoảng 450 bức ảnh. Điều ấy đồng nghĩa với việc chừng ấy gia đình thân nhân nhận được thông tin về nơi yên nghỉ con em, người nhà của mình. Nói cách khác, ông đã làm nhịp cầu nối đôi bờ yêu thương, nối cuộc sống thực tại và tâm linh, mang lại niềm vui cho bao người.

Công Kiên 

TIN LIÊN QUAN

Tin mới