Chuyện Đại học và trường Đại học

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Thời gian gần đây, trên mạng xã hội và cả trên báo chí, câu chuyện “Trường Đại học” và “Đại học” được bàn luận sôi nổi. Hầu hết ý kiến trên mạng và các chuyên gia Ngôn ngữ, Văn học cho rằng việc sử dụng 2 khái niệm này để phân biệt cấp độ là không hợp lý.

Về lịch sử của việc phân biệt “Trường Đại học” và “Đại học” ở Việt Nam thì xuất hiện từ hồi có 2 Đại học Quốc gia là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; rồi việc thành lập một số “Đại học vùng” như Đại học Thái Nguyên, Đại học Đà Nẵng. Sau đó, việc sử dụng 2 từ này đã được “luật hóa” bằng điều 4 “Giải thích từ ngữ” của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học 2018, cụ thể như sau:

“2. Trường đại học, học viện (sau đây gọi chung là trường đại học) là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này.

3. Đại học là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này; các đơn vị cấu thành đại học cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung”.

GS Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học, Đại học Quốc gia Hà Nội đã lên tiếng về chuyện này: “Trường đại học không phải là đại học. Đại học không phải là trường đại học.

Đây có phải chỉ là vấn đề của Đại học Bách khoa Hà Nội đâu!

Là vấn đề của Luật Giáo dục đại học.

Của Hội đồng quốc gia giáo dục.

Của Quốc hội.

Của thói quen chẻ chữ, hữu danh vô thực, cứ nhăm nhăm vào cái danh hiệu, chức tước, góc chiếu sân đình mà không bao giờ tự làm cho mình sáng tỏ: Mô hình đại học thì phải như thế nào? Trường đại học thì phải ra sao?

Thế giới người ta ở đâu rồi mà mình vẫn lẩn quẩn với chuyện chẻ chữ, càng chẻ càng rối”.

Đồ họa: Diệp Thanh

Đồ họa: Diệp Thanh

PGS. Nguyễn Hồng Cổn - Nguyên Trưởng khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, trên facebook khi tranh luận với TS Lê Viết Khuyến về bài trả lời trên báo của TS Khuyến bênh vực sự phân biệt “Trường Đại học” và “Đại học” như sau:

“Xin thưa với TS. Lê Viết Khuyến, về cơ bản tôi cũng hiểu như TS (Đại học đào tạo đa lĩnh vực, đa ngành và Trường Đại học đào tạo đơn lĩnh vực, đơn ngành) và tôi tin nếu được giải thích thì người khác cũng sẽ phân biệt được nội hàm khái niệm của 2 cơ sở giáo dục đại học này theo quy định của Luật Giáo dục đại học. Nhưng câu chuyện ở đây không liên quan đến khái niệm mà liên quan đến từ ngữ biểu thị khái niệm, tức là 2 cái tên gọi "đại học" và "trường đại học". 2 cái tên gọi na ná này sẽ làm khó người ta khi hiểu và dùng trong tiếng Việt hoặc dịch sang tiếng Anh.

Trong tiếng Việt hàng ngày, 2 tên gọi này về cơ bản không khác biệt về ý nghĩa và cách dùng. Ví dụ, khi trả lời câu hỏi "Em học trường nào?", thay vì trả lời " Em học Đại học Quốc gia Hà Nội", sinh viên A có thể trả lời "Em học Trường Đại học Quốc gia Hà Nội" cũng không sai, bởi vì "Đại học Quốc gia" cũng chỉ là một cái trường thôi. Trong văn bản luật và văn bản hành chính mà dùng 2 từ có hình thức và ý nghĩa gần nhau làm thuật ngữ cho 2 khái niệm khác nhau là thất sách”.

TS Ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ - biên tập viên Đài Tiếng nói Việt Nam, cố vấn chương trình Vua tiếng Việt trên VTV thì viết status trên facebook: “Tóm lại, Trường Đại học Bách khoa hay Đại học Bách khoa thì vẫn là tên gọi để chỉ một đối tượng không thay đổi về vị trí địa lý, tuy là nay đã có sự mở rộng về cấp độ/ hệ thống. Nhưng dù có thay đổi về cấp độ thì đó vẫn là một ngôi trường. Người ta có thêm chữ “trường” vào hay bớt chữ “trường” đi thì vẫn không thể thay đổi cái ngữ cảm của một người Việt thông thường về một cơ sở đào tạo ở bậc đại học, được gọi bằng một danh từ chung quen thuộc là: trường. Thay vì là một ngôi trường bao gồm các đơn vị bên trong là những khoa/ ngành, thì nay ngôi trường ấy được phép xây dựng các đơn vị trực thuộc là những trường đại học thành viên.

Điều vô lý nằm ở chỗ, về mặt hình thức ngôn ngữ, tên mới bớt hẳn đi một từ so với tên cũ mà lại bắt người nghe, người đọc, bắt nhân dân cả nước phải hiểu rằng tên gọi mới đã được mở rộng về nội hàm gấp nhiều lần so với tên gọi ban đầu. Đó là một sự phi logic, thiếu thuyết phục về mặt khái niệm, dẫn đến cảm giác tréo ngoe và rất hài hước”.

Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: PLO

Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: PLO

Tôi cũng đọc những ý kiến trả lời báo chí của các vị Thứ trưởng, nguyên Vụ trưởng… giải thích về sự phân biệt “Trường Đại học” và “Đại học”, và tôi thông cảm với những giải thích không sai về ý tưởng, về phân cấp, về sự cần thiết phải hợp với xu thế phát triển của giáo dục đại học thế giới, nhưng tiếc thay, thực tế lại “không phù hợp” khi chọn khái niệm để chuyển tải sự phân cấp này.

Bản thân tôi là một người làm công việc liên quan trực tiếp đến tiếng Việt hàng ngày, tức là dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, nên cái gì cũng phải rõ ràng. Không rõ là người nước ngoài không hiểu. Đúng như TS Ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ và nhiều người khác đã nhận định “Trường Đại học Bách khoa hay Đại học Bách khoa thì vẫn là tên gọi để chỉ một đối tượng không thay đổi về vị trí địa lý, tuy là nay đã có sự mở rộng về cấp độ/ hệ thống”.

Trong “ngữ cảm” của người Việt, “Đại học” chỉ là cách nói tắt của “Trường Đại học”. Từ điển Tiếng Việt (cố GS Hoàng Phê chủ biên) bản năm 2020, trang 462, ở mục từ “đại học” vẫn ghi: bậc học trên trung học trong hệ thống giáo dục, vd: giảng đường đại học, tốt nghiệp đại học. Từ điển không có mục từ “trường đại học” mà có ví dụ ở mục từ “trường”, trang 1679: trường học [nhưng thường dùng với nghĩa cụ thể], vd: học sinh đến trường, trường viết văn, trường dạy nghề, trường đại học.

Về tiếng Việt thì “trường đại học” là một “danh ngữ”, trong đó, "trường" là danh từ đơn vị, “đại học” là định tố của “trường”, làm rõ nghĩa thêm cho “trường”. Trong khẩu ngữ, người Việt vẫn nói: Trường Bách khoa, Trường Tổng hợp, Trường Nhân văn… là cách nói tắt mang tính khẩu ngữ. Còn khi người Việt dùng “Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội” thì lại là cách nói tắt của cách nói đầy đủ: Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Như vậy, trong giao tiếp tiếng Việt, Trường Đại học là một “danh ngữ” mà khi dùng “Đại học” thì người Việt sẽ cảm nhận nó vẫn là danh ngữ đó và đã lược bớt danh từ đơn vị “trường” mà thôi. Về mặt giao tiếp, tri nhận về tiếng Việt của người Việt nói chung thì “Trường Đại học” và “Đại học” chỉ là một.

Điều này làm ta có thể liên tưởng đến trường hợp nhóm từ chỉ hướng vận động trong tiếng Việt: ví dụ cách dùng “Chị ấy đi ra ngoài rồi” và “Chị ấy ra ngoài rồi”. Khi nói “Chị ấy đi ra ngoài rồi” thì “đi” là động từ chuyển động, còn “ra” biểu thị hướng (đến một nơi rộng/to hơn). Khi nói “Chị ấy ra ngoài rồi” thì đây là cách nói tắt và “ra” vừa mang chức năng của động từ, vừa chỉ hướng. 2 câu này cũng chỉ là một mà thôi.

Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến tâm huyết, thuyết phục, hay mọi nhẽ của PGS.TS. Đoàn Lê Giang - Nguyên Trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ, nguyên Trưởng khoa Việt Nam học, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, một người có sở học cổ kim rằng, cần thay “Đại học” bằng “Viện Đại học” và “Viện Đại học” thì bao gồm các “Trường Đại học”. Cách làm này chỉ cần thay cụm từ “Đại học Quốc gia Hà Nội” thành “Viện Đại học Quốc gia Hà Nội”, “Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh” thành “Viện Đại học Quốc gia Thành Phố Hồ Chí Minh”.

Trường Đại học Sư Phạm thuộc Viện Đại học Huế. Tòa nhà này thời Pháp là Khách sạn Morin Frères (Grand Hôtel de Hué, chữ còn lờ mờ ở trên mặt tiền). Nguồn ảnh tư liệu : ManhHai/flickr.com

Trường Đại học Sư Phạm thuộc Viện Đại học Huế. Tòa nhà này thời Pháp là Khách sạn Morin Frères (Grand Hôtel de Hué, chữ còn lờ mờ ở trên mặt tiền). Nguồn ảnh tư liệu : ManhHai/flickr.com

PGS.TS Đoàn Lê Giang đã viết cụ thể như sau: “Tôi đề nghị: dùng từ Viện Đại học thay cho Đại học, còn các "trường đại học" hay các "đại học" không còn phân biệt nữa. Từ “Viện Đại học” ra đời khi thành lập Viện Đại học Đông Dương năm 1906, sau đó được dùng rộng rãi trong nền giáo dục đại học Sài Gòn từ năm 1954 đến năm 1975. Ví dụ:

- Viện Đại học Sài Gòn có nhiều phân khoa, hay cũng gọi là trường đại học như: Khoa học Đại học đường, Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, Trường Đại học Y khoa Sài Gòn, Trường Đại học Kiến trúc Sài Gòn… Các phân khoa/ trường thành viên có đầy đủ quyền như một trường đại học.

- Viện Đại học Huế có nhiều phân khoa, tức là các trường đại học, như: Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Y khoa, Trường Đại học Luật khoa…

Nếu thay đổi như thế, chúng ta sẽ trả từ “Đại học”, “Trường Đại học” đúng nghĩa của nó là một cấp học hay/ và một cơ sở đào tạo đại học. Trường Đại học Y khoa hay Đại học Y khoa, Trường Đại học Bách khoa và Đại học Bách khoa… là như nhau. Như vậy, chỉ có mấy đại học mới ra đời cần phải đổi tên thôi, như: Đại học Quốc gia Hà Nội thành Viện Đại học Quốc gia Hà Nội, tương tự: Viện Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Viện Đại học Huế, Viện Đại học Đà Nẵng... Còn Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội có muốn thành Viện Đại học Bách khoa Hà Nội hay không thì tùy. Như thế sẽ không còn chuyện khôi hài: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội nữa”.

Tôi nghĩ rằng, luật cũng có thể có điều chưa được hợp lý, qua thời gian, qua sự sàng lọc và phản biện của cuộc sống, những điều chưa được hợp lý đó sẽ cần phải được thay đổi, điều chỉnh cho hợp lý. Chính vì vậy, mới có “Luật chỉnh sửa…”. Tôi nghĩ điều này cũng bình thường.

Hy vọng trong tương lai sẽ có sự điều chỉnh hai khái niệm này, để người Việt không phải khổ sở khi tìm hiểu về sự khác nhau giữa “Trường Đại học” và “Đại học” nữa. Đồng thời, mỗi khi hình thành một khái niệm mới thì cần phải có một hội đồng chuyên môn với những người am hiểu về tiếng Việt tham gia quyết định.

Tin mới