Chuyện 'đo mưa, đếm gió' trên quần đảo Trường Sa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Bất kể ngày đêm, nắng gắt hay mưa giông, các nhân viên của Trạm Khí tượng hải văn trên quần đảo Trường Sa vẫn cần mẫn thu thập số liệu về nắng, gió, nhiệt độ, sóng biển... để có những bản tin dự báo thời tiết kịp thời phục vụ đời sống nhân dân, quân và dân trên đảo.

Miệt mài bên những con số

Nơi đầu sóng của Tổ quốc, đảo Song Tử Tây hiện lên với vẻ đẹp xanh mát, hiền hòa. Trên đảo có đầy đủ các công trình phục vụ cho cuộc sống, lao động, rèn luyện của quân và dân trên đảo. Đặc biệt, trên đảo Song Tử Tây có Trạm Khí tượng hải văn được thành lập từ năm 1988, nằm cạnh Bia chủ quyền cũ, xung quanh được bao phủ bởi thảm xanh của cây phong ba, bàng vuông, cây tra…

Đảo Song Tử Tây nhìn từ xa. Ảnh: Q.A

Đảo Song Tử Tây nhìn từ xa. Ảnh: Q.A

Mặc dù chỉ nằm khiêm tốn ở một góc nhỏ trên đảo Song Tử Tây, tuy nhiên, Trạm Khí tượng hải văn này đóng vai trò rất quan trọng trong việc đo đạc, quan trắc các thông tin phục vụ dự báo thời tiết vùng biển, đảo gửi về đất liền.

Chúng tôi được gặp gỡ Trạm trưởng Hoàng Văn Minh, một người con gốc Đô Lương, Nghệ An đã làm công việc quan trắc hơn chục năm trên quần đảo Trường Sa. Biết chúng tôi là những phóng viên đến từ xứ Nghệ, anh Minh cười rạng rỡ khi gặp được đồng hương giữa biển trời bao la. Sau những lời thăm hỏi thân tình, bên ly trà nóng, những anh em tại trạm đã chia sẻ những câu chuyện thú vị về công việc đặc thù này.

Theo đó, nhiệm vụ của các nhân viên tại trạm là quan trắc, đo đạc, ghi chép, cập nhật các thông số khí tượng hải văn để thu thập số liệu phục vụ dự báo trong nước và quốc tế với các chỉ số cụ thể về: Nhiệt độ, khí áp, lượng mưa, tốc độ gió, bức xạ, độ mặn nước biển, nhiệt độ nước biển, mực nước biển, sóng biển… Sau đó, những dữ liệu này sẽ được truyền về Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ để gửi về Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, tạo tiền đề cho các thông tin dự báo thời tiết được phát sóng hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nhân viên Trạm Khí tượng hải văn Song Tử Tây đo đạc các số liệu về thời tiết. Ảnh: Tiến Đông

Nhân viên Trạm Khí tượng hải văn Song Tử Tây đo đạc các số liệu về thời tiết. Ảnh: Tiến Đông

Trạm Khí tượng hải văn Song Tử Tây có 4 người, bao gồm 1 trạm trưởng và 3 quan trắc viên. Các anh em đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước và đều là những thanh niên trẻ, nhiệt huyết, được đào tạo chuyên môn bài bản từ các trường chuyên ngành. Trung bình mỗi ngày, anh em được phân công đi lấy số liệu, đo đạc khoảng 8 lần. Tuy nhiên, nếu thời tiết xấu, tần suất lấy số liệu từ 24 - 48 lần/ngày, hầu như không có thời gian nghỉ ngơi.

Trạm được xây dựng trên hòn đảo tiền tiêu phía Bắc của quần đảo Trường Sa, nên tất cả các yếu tố về thời tiết bất thường, trạm đều tiếp nhận đầu tiên, đặc biệt là những đợt xuất hiện áp thấp nhiệt đới hay hình thành các cơn bão ngoài Biển Đông. Những ngày như thế, các quan trắc viên làm việc 24/24 giờ, liên tục cập nhật số liệu cảnh báo về cho đất liền để thông tin rộng rãi về thời tiết vùng biển cho nhân dân cả nước, song song với đó, trạm cũng chia sẻ thông tin đến quân và dân trên đảo, ngư dân đang đánh bắt tại các ngư trường sẵn sàng các phương án ứng phó, đặc biệt là trong mùa mưa bão.

“Những số liệu phục vụ dự báo thời tiết sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất của nhiều người trên đất liền cũng như ngoài biển khơi, do đó, đòi hỏi số liệu phải được đo đếm thật chính xác. Nếu như trong quá trình quan trắc gặp thiếu sót, dẫn đến việc dự báo thời tiết bị sai lệch sẽ gây hậu quả khôn lường, các anh em luôn tâm niệm khi làm nghề phải thật chỉn chu, tỉ mỉ, không để xảy ra sai sót nào, dù là nhỏ nhất…” - anh Minh nhấn mạnh.

Các dữ liệu về nắng, gió, nhiệt độ, sóng biển... được báo về các thiết bị tại trạm. Ảnh: Q.A

Các dữ liệu về nắng, gió, nhiệt độ, sóng biển... được báo về các thiết bị tại trạm. Ảnh: Q.A

Hiện nay, ở quần đảo Trường Sa có 2 trạm khí tượng hải văn tại đảo Trường Sa Lớn và đảo Song Tử Tây. Cán bộ, nhân viên khí tượng hải văn ra công tác Trường Sa thường là 3 năm thì trở về đất liền hoặc đến những hòn đảo khác để nhận nhiệm vụ mới. Cứ thế, công việc “đo mưa, đếm gió” cứ tiếp diễn hàng ngày để đưa những thông tin về thời tiết phục vụ nhân dân trên đất liền, quân và dân trên đảo và ngư dân ngoài khơi.

Nỗ lực vượt khó

Công việc quan trắc vốn đã vất vả thì việc quan trắc trên hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc còn gian nan bội phần. Đặc biệt là trong mùa mưa bão, nơi đây là điểm tiếp nhận đầu tiên các cơn bão trên Biển Đông; những ngày như thế, trong khi người người, nhà nhà tìm các phương án trú ngụ an toàn thì các quan trắc viên lại đội mưa, đội gió, tiếp tục làm công việc ghi chép số liệu để phục vụ thông tin cho cả nước.

Anh Hoàng Văn Minh nhớ lại, vào cuối năm 2021, Biển Đông xuất hiện siêu bão, trạm khí tượng chúng tôi đã quan trắc được sức gió bão mạnh cấp 14, giật cấp 17, được xem là kỷ lục của ngành quan trắc từ trước đến nay, khi sức gió đến cấp 17 thì 2 cột đo gió tại đơn vị đã bị bẻ gãy dẫn đến việc quan trắc bị gián đoạn, các nhân viên phải quan sát thực tế chuyển động của lá cây để ước lượng sức gió. Thời điểm đó, bão đã càn quét vào đảo Song Tử Tây khiến 90% cây xanh bị gãy đổ, các công trình hư hỏng, tuy nhiên, do đã nắm được số liệu, chúng tôi đã chia sẻ các thông tin đến quân và dân trên đảo để chủ động các phương án ứng phó nên không gây thiệt hại về người. Tàu thuyền sau khi nhận được tín hiệu cũng đã trở về âu tàu trú ngụ đảm bảo an toàn.

Các số liệu sau khi thu thập đều được anh Minh ghi chép đầy đủ, tỉ mỉ, kịp thời gửi về đất liền. Ảnh: Q.A

Các số liệu sau khi thu thập đều được anh Minh ghi chép đầy đủ, tỉ mỉ, kịp thời gửi về đất liền. Ảnh: Q.A

Tại Trường Sa, quanh năm bao phủ bởi muối và nước biển nóng rát, các máy móc phục vụ quan trắc cũng bị bào mòn nên chất lượng xuống cấp liên tục. Đây cũng là điều mà các cán bộ, nhân viên lo lắng nhất, bởi khi máy móc bị hư hỏng sẽ không thể thực hiện nhiệm vụ. Do đó, anh em phải thường xuyên lau chùi, bảo dưỡng các thiết bị liên tục. Nếu số liệu đo đếm không đạt, dự báo thiếu chính xác sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người.

Do khoảng cách xa xôi như những thiết bị quan trắc trên đảo không thể hiện đại như trên đất liền, chưa kể nguồn điện cũng có thời điểm chập chờn, làm gián đoạn công việc đo đạc, gửi số liệu. Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, tuy nhiên các nhân viên tại trạm vẫn động viên nhau vượt qua, đoàn kết để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hàng chục năm qua, đều đặn mỗi ngày, các số liệu đều được chuyển về đất liền đều đặn, giúp công tác phòng chống thiên tai trên đất liền, biển đảo được diễn ra nhanh chóng, kịp thời, giảm thiểu thiệt hại khi mưa bão đổ bộ.

Phóng viên Báo Nghệ An trao đổi với nhân viên Trạm Khí tượng hải văn Song Tử Tây. Ảnh: Tiến Đông

Phóng viên Báo Nghệ An trao đổi với nhân viên Trạm Khí tượng hải văn Song Tử Tây. Ảnh: Tiến Đông

Cùng với các chiến sĩ, nhân dân trên các hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc, những năm qua, các nhân viên Trạm Khí tượng hải văn luôn tâm niệm được làm việc nơi đầu sóng, ngọn gió là một vinh dự rất lớn, đó là được góp sức mình vào việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, của biển đảo quê hương.

Tin mới