Chuyển đổi cây trồng vụ hè thu: Giải pháp cấp thiết đối phó với hạn hán

(Baonghean) - Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng El-Nino, mùa khô sẽ kéo dài đến hết tháng 8/2016, tình trạng hạn hán, thiếu nước khả năng xảy ra trên diện rộng và kéo dài đến hết vụ hè thu năm 2016. Bên cạnh đó, trong điều kiện sản xuất vụ xuân 2016 trên nhiều trà lúa xuân thời gian sinh trưởng kéo dài 10-25 ngày do rét đậm, rét hại trong thời gian đầu vụ đã ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất hè thu.

Trước tình hình đó, để giảm thiểu nguy cơ nhiều diện tích hè thu không gieo cấy được, diện tích sản xuất bố trí không hợp lý, sản xuất thiếu an toàn và kém hiệu quả. Việc rà soát, đánh giá lại điều kiện sản xuất của từng vùng để có phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng là việc làm rất cần thiết.
Đập Nghi Văn (Nghi Lộc) khô cạn. Ảnh: Quang An
Đập Nghi Văn (Nghi Lộc) khô cạn. Ảnh: Quang An
Ngay từ đầu vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương rà soát lại toàn bộ diện tích có nguy cơ hạn thiếu nước không gieo cấy được vụ hè thu, mùa 2016 và có khả năng phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, tổng diện tích lúa trên toàn tỉnh dự kiến phải chuyển đổi khoảng 4.500 ha, trong đó chuyển sang ngô 2.600 ha, rau các loại 1.000 ha, còn lại là các cây trồng khác.
Đối với các diện tích hè thu không tổ chức gieo cấy được hoặc gieo cấy không an toàn, Sở NN & PTNT chỉ đạo các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế để bố trí chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp.
Các giải pháp cụ thể đưa ra là: Đối với chân đất cao, vùng đồi vệ thiếu nước để sản xuất lúa hè thu cần triển khai sang gieo trồng các cây trồng cạn có nhu cầu nước ít hơn, cụ thể như: Liên doanh liên kết để tổ chức sản xuất ngô để cung cấp sản phẩm thô xanh cho các cơ sở chăn nuôi bò, bò sữa trong và ngoài tỉnh (Vinamilk, TH true milk, các doanh nghiệp nuôi bò Úc vỗ béo...).
Đối với diện tích không phù hợp để sản xuất ngô, bà con nên mạnh dạn triển khai sản xuất bằng các giống đậu xanh. Bởi cây đậu xanh là cây trồng cạn có khả năng chịu hạn tốt, đầu tư ít và kỹ thuật canh tác đơn giản, có thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ khoảng 60 - 70 ngày; đồng thời thu hoạch kéo dài 3- 5 lứa, tùy thuộc vào giống nên tăng hệ số an toàn trong sản xuất khi gặp điều kiện bất thuận của thời tiết. Trồng đậu xanh có ưu điểm tiết kiệm được nguồn nước nên phù hợp với những vùng có nguy cơ bị hạn. Ngoài ra, trồng đậu xanh còn giúp cải tạo tăng độ phì cho đất.
Đậu xanh tuy dễ trồng (giống VN7, ĐX 14, năng suất 1,6 - 2 tấn/ha) song để có năng suất, hiệu quả cao cần tổ chức sản xuất trên chân đất tơi xốp; và do không chịu được ngập úng nên làm đất phải lên luống và tạo rãnh thoát nước. 
Song song với công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì Sở NN & PTNT cũng chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp chống hạn như:
Trên chân đất 2 lúa, ngay từ phương án sản xuất hè thu - mùa, Sở NN&PTNT có chủ trương thu hoạch lúa xuân đến đâu khẩn trương bố trí sản xuất vụ hè ngay đến đó để tận dụng nước và kịp thời vụ. Cơ cấu giống ngắn ngày, cực ngắn ngày được triển khai và được các địa phương và bà con nông dân nghiêm túc thực hiện.
Sản xuất vừng đen trên đất lúa ở Anh Sơn
Sản xuất vừng đen trên đất lúa ở Anh Sơn. Ảnh Huyền Trang
Đến nay, diện tích lúa hè thu, mùa toàn tỉnh đã gieo cấy được 19.950/94.000 ha KH.
Bên cạnh yếu tố thời vụ và cơ cấu giống, vụ hè thu 2016, các địa phương cần tập trung triển khai nạo vét các kênh mương, bờ vùng, bờ thửa; gia cố các bờ đập bơm tát, tiến hành kiểm tra và sửa chữa, tu bổ công trình; tổ chức quản lý chặt chẽ nguồn nước, vận hành hợp lý các công trình, điều tiết nước theo từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu cây trồng. Một số diện tích hè thu không chủ động nước có thể xem xét bố trí chuyển sang sản xuất lúa mùa trên cơ sở thực tế của từng địa phương (diện tích hè thu chuyển lúa mùa cần bố trí ở các chân đất không bị ngập lụt sâu, kéo dài). 
Đối với nhiều cây trồng cạn khác như: cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm; cây nguyên liệu như: chè, mía,... các địa phương và bà con cần triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giữ ẩm, tưới tiết kiệm để đối phó với hạn hán và nâng cao năng suất chất lượng của cây trồng, và là tiền đề mở rộng ứng dụng cho những năm tiếp theo. 
Hiện nay, công tác chuyển đổi ruộng đất đã được triển khai rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, kết quả ngoài tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất lớn, ứng dụng cơ giới hóa, vấn đề bờ vùng, bờ thửa đã được chỉnh trang sửa chữa. Như vậy, đối với các chân đất sau sản xuất lúa xuân không tổ chức sản xuất lúa hè thu an toàn cũng như bố trí cây trồng khác do thấp trũng (hạn nhưng lại bị ngập khi có mưa lớn) các địa phương cần căn cứ thực tế chỉ đạo bà con liên kết theo nhóm, thôn, xóm hoặc theo làng để gia cố hệ thống bờ vùng bờ thửa giữ nước khi có mưa để tổ chức sản xuất cá vụ 3 (kéo dài thời gian sản xuất cá vụ 3 để tăng hiệu quả kinh tế).
Để công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, các địa phương cần bố trí ngân sách (huyện, thành, thị và UBND các xã, phường, thị trấn cần vận dụng nội tại và các nguồn khác như nông thôn mới,... để hỗ trợ bà con chuyển đổi theo quy hoạch, có hiệu quả trên quy mô lớn.
Lạc trên đất cao cưỡng ở Nghi Lộc
Lạc trên đất cao cưỡng ở Nghi Lộc. Ảnh P.V
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cần ưu tiên triển khai các mô hình tưới tiết kiệm như: sản xuất lúa ứng dụng SRI, mô hình tưới tiết kiệm cho cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả lâu năm và các mô hình giữ ẩm cho các cây trồng cạn khác tuyên truyền để bà con ứng dụng vào diện rộng trong sản xuất.
Trương Minh Châu
( Sở NN & PTNT)

Tin mới