Chuyện “đời lâm nghiệp”…

Khi đưa bài viết “Thực hiện Thông tư số 09/2005/TT-BNV ở Vườn Quốc gia Pù Mát: Cần đảm bảo đúng, đủ” lên facebook cá nhân, tôi bất ngờ được làm quen với Nguyễn Nam Nhất, chủ tài khoản facebook Nhất Samco. Từng là viên chức kiểm lâm của Vườn Quốc gia Pù Mát, Nhất Samco vào facebook xem bài, rồi đăng bức ảnh cá nhân chụp trong sắc áo cán bộ bảo vệ rừng kèm bình luận: “Đây là chuyến đi rừng cuối cùng sau 15 năm gắn bó ở Vườn quốc gia Pù Mát của em”. Kết nối, đề nghị cho gặp hỏi về nguyên nhân rời khỏi Vườn Quốc gia Pù Mát, Nhất trả lời: “Em sẵn sàng…”.

Chúng tôi hẹn gặp nhau tại trụ sở Chi nhánh Samco Nghệ An, nơi Nhất đang làm việc. “Em thích, chọn theo nghề kiểm lâm vì bố của em cũng làm nghề này…”, Nhất bắt đầu câu chuyện.

Nhất sinh năm 1981, có bố là cán bộ kiểm lâm, bị ốm rồi qua đời năm 2002 khi còn đang công tác tại Hạt Kiểm lâm Nam Đàn. Nhất tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kinh tế Nghệ An năm 2002; đến năm 2004, được Chi cục Kiểm lâm nhận vào làm việc tại Vườn Quốc gia Pù Mát. Từ đó cho đến thời điểm nghỉ việc (đầu năm 2019), Nhất lần lượt kinh qua các trạm bảo vệ rừng Khe Thơi – Cao Vều – Phà Lài – Đội Kiểm lâm cơ động – Phà Lài – Lục Dạ – Làng Yên – Cò Phạt.

Theo Nhất, các trạm bảo vệ rừng của Vườn Quốc gia Pù Mát đều rất vất vả. Vì bình quân mỗi cán bộ kiểm lâm đều có trách nhiệm bảo vệ rừng tận gốc 2 tiểu khu, tương đương 2.000 ha rừng. Nhưng nơi khiến Nhất nhận thấy không còn đủ sức để tiếp tục công việc là khi làm việc tại Trạm bảo vệ rừng Cò Phạt. Khu vực này, là vùng lõi của Vườn Quốc gia Pù Mát, nhưng có người dân đồng bào Đan Lai sinh sống. Cuộc sống của đồng bào, dù có sự hỗ trợ của Nhà nước nhưng hết sức khó khăn, thường có những tác động vào rừng, khiến công tác bảo vệ rừng của công chức, viên chức kiểm lâm trạm Cò Phạt nặng nề, áp lực thêm.

“Nếu không nếm trải, em tin rằng ít người có thể hình dung ra công việc của cán bộ bảo vệ rừng vất vả, lại phải vừa đối diện với hiểm nguy đến mức độ nào. Em nhớ mãi chuyến đi cuối cùng của mình với lực lượng biên phòng Môn Sơn. Các anh biên phòng lên kế hoạch phối hợp với cán bộ trạm đi tuần rừng, tìm mốc biên giới trong thời gian 7 ngày. Khi đi có 2 người dân bản địa thành thục địa bàn, có máy định vị và những vật dụng cần thiết. Nhưng trèo núi, di chuyển liên tục trong rừng sang đến ngày thứ 8 mà công việc không thể xong. 8 ngày liên tục trong sương rừng mù mịt, máy định vị không sử dụng được, 2 người dân bản địa cũng mất phương hướng, 6 ngày không được tắm, lại chỉ ăn cơm với muối… Em đã kiệt sức, phải nói với mọi người để nghỉ giữa chừng, tìm đường trở ra bản…”, Nhất kể về chuyến đi tuần rừng cuối cùng.

Sau chuyến đi này, Nhất đã suy nghĩ rất nhiều. Công tác vất vả, sức khỏe bản thân sút giảm, áp lực của nghề thì ngày một tăng cao, trong khi thu nhập hàng tháng nào có ăn thua gì. Trừ chi phí, tằn tiện lắm thì cũng gửi về cho gia đình 3 – 4 triệu đồng/tháng, để chi tiêu cho gia đình có hai con nhỏ thì không thể đảm bảo. Hơn nữa, chính sách cho viên chức kiểm lâm thay đổi, vừa hạn chế về chức năng nhiệm vụ, vừa thiệt thòi về quyền lợi nên sẽ không có tương lai nếu cứ mãi theo đuổi nghề này… Thế rồi Nhất quyết định sẽ xin nghỉ để tìm công việc mới.

Khi nói ra suy nghĩ của mình, rằng không thể tiếp tục đảm đương được công việc, cần phải nghỉ để tìm công việc mới thì cả mẹ và vợ của Nhất đều không đồng ý. Theo mẹ Nhất, dù có vất vả nhưng dù sao cũng là công việc ổn định, hơn nữa, lại là nghề được trao truyền từ bố, có những ân nghĩa từ ngành kiểm lâm. Vợ Nhất cũng vậy, đã kiên quyết phản đối. Để thuyết phục “những người quan trọng trong gia đình”, Nhất đã phải đưa vợ vào Cò Phạt. Để tận mắt thấy được cảnh sống, thấy được công tác của kiểm lâm viên giữa lõi rừng nguyên sinh Pù Mát thực tế như thế nào. “Từ Cò Phạt trở ra, vợ em đã không còn phản đối, mà ngược lại, ủng hộ quyết định của em…”, Nhất nói.

“Trái tim Pù Mát” là tên gọi mà những người bảo vệ rừng Pù Mát dành tặng cho vùng rừng núi Khe Choăng. Với diện tích gần 18.000 ha, giáp biên giới Việt – Lào, thuộc xã Châu Khê, huyện Con Cuông, vùng rừng Khe Choăng trở thành “Trái tim Pù Mát” bởi đây là vùng rừng giàu, có độ che phủ lớn, và vì là nơi Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam chọn làm điểm thả về rừng nhiều loại động vật hoang dã đã được cứu hộ. Tự hào là vậy. Nhưng những cán bộ bảo vệ Trạm bảo vệ rừng Khe Choăng chồng chất những nỗi niềm.

Để vào Trạm bảo vệ rừng Khe Choăng, từ Quốc lộ 7, phải đi trên quãng đường gần 40km với thời gian 2 tiếng đồng hồ, qua các địa danh Châu Định, Bủng Xát, Diềm, Khe Bu, Khe Nà, Khe Nóng…

Để quản lý 18.000 ha rừng, trạm được bố trí 6 cán bộ, nhưng mới có một người xin chuyển sang đơn vị khác từ ngày 1/8/2021, thành thử chỉ còn 5, gồm: Phan Văn Chung – Trạm trưởng, Phạm Viết Chương, Tô Viết Sơn, Nguyễn Quang Huy, Hoàng Bình Dương – Trạm phó. Trong đó, người lớn tuổi nhất là anh Phạm Viết Chương, sinh năm 1973; người trẻ nhất là Nguyễn Quang Huy, sinh năm 1989.

Nằm trong lõi rừng, cách biên giới chừng 19km, nhưng cơ sở vật chất của trạm khá ổn. Được xây cất chắc chắn, có đầy đủ hệ thống phòng nghỉ, phòng làm việc, khu vực bếp núc, vệ sinh… Nước sinh hoạt ở đây được kéo về từ khe núi; dù không có điện lưới nhưng có điện cù (loại thủy điện mini lắp trên khe suối) cũng đảm bảo điện thắp sáng, quạt và ti vi. Các cán bộ trạm cũng tổ chức đào ao thả cá, làm vườn để tự cải thiện thêm thực phẩm, rau xanh. Nhưng nơi này không có sóng điện thoại, cách xa vùng dân cư, và quãng đường về với gia đình quá xa ngái nên thiếu thốn thông tin, tình cảm.

“Ở đây, khi cần gọi điện về cho gia đình thì phải đi ra bản Nà, khoảng chừng 17km …”, Trạm trưởng Phan Văn Chung cho biết. Nhà Chung ở Hưng Nguyên. Vợ anh từng theo học nghề dược. Nhờ người thân, cạy cục mãi mới xin được vào làm tại Bệnh viện Thái Thượng Hoàng. Thế nhưng vì chồng gắn bó với nghề bảo vệ rừng nên đi làm được ít năm thì phải xin nghỉ. Chung kể: “Em phải bàn đi tính lại mãi mới thuyết phục được vợ xin nghỉ làm ở bệnh viện. Thực lòng, em biết làm như thế thì thiệt thòi cho vợ, vì cô ấy đã mất bao công sức mới học được nghề dược. Nhưng nghĩ cảnh mình thì đi biền biệt, mỗi tháng chỉ được 6 ngày nghỉ, đường về thì xa, trở đi trở lại chỉ còn 4 ngày ở với vợ con. Nhưng nếu vợ cũng dành hết thời gian cho công việc ở bệnh viện thì làm sao chăm sóc, quản lý con cái…”.

Với Tô Viết Sơn (gia đình ở Yên Thành) cho biết dù gắn bó với công tác hơn 10 năm nhưng đã cảm thấy mệt mỏi, mong tìm được công việc phù hợp hơn để chuyển. Sơn nói: “Em trước đây đi rừng rất khỏe. Nhưng từ đợt truy quét lâm tặc trong Cò Phạt bị đứt gân chân phải thì chân yếu hẳn, đi rừng rất khó khăn. Dù được anh em chia sẻ, nhưng em thấy buồn nản. Yêu nghề, yêu rừng nhưng nghĩ cho cùng thì dù làm công việc gì cũng phải đảm bảo được cuộc sống cho bản thân, cho gia đình. Chính sách cho lực lượng bảo vệ rừng bây giờ có những thay đổi theo chiều hướng sút giảm. Mai này sức khỏe yếu, trở thành gánh nặng cho vợ con thì thật sự không đành…”. Những anh em khác ở trạm có suy nghĩ như Sơn không? “Đấy không phải chỉ là suy nghĩ của riêng em mà của cả mọi người. Có điều vì ngại nên ít ai dám bộc bạch…”, Sơn khẳng định.

Nói những điều Tô Viết Sơn đã thổ lộ, Trạm trưởng Phan Văn Chung cho biết, bình quân mỗi cán bộ trạm có nhiệm vụ bảo vệ gần 3.000 ha rừng; nay chỉ còn 5 nên mỗi người phải quản lý trên 3.500 ha. Trạm đã đề nghị bổ sung nhưng đơn vị đang thiếu nhân lực nên chưa biết khi nào mới có. Về việc tuần rừng, dù đã khoảng 7 – 8 năm vùng rừng Khe Choăng không xảy ra một vụ vi phạm lâm luật nào, nhưng các cán bộ vẫn “đi rừng đều” từ 7 – 15 ngày/tháng.

“Quy định là như vậy. Rừng ở đây tuyệt đối không có sự xâm phạm, nhưng không đi tuần thì không thể yên tâm. Tuần rừng thì không thể đi một người. Trạm phải chia ca, cắt cử người trực chốt, trực trạm để bố trí lực lượng tuần tra rừng. Vì vậy, việc anh em thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng dài ngày là điều không thể tránh khỏi. Lực lượng mỏng, anh em phải làm việc quá sức, trong khi chính sách thì thay đổi, chế độ hỗ trợ thấp, thời gian dành cho gia đình quá ít nên có những băn khoăn…”, Chung nói.

Trung tuần tháng 7/2021, trong ngày lên Vườn Quốc gia Pù Mát hỏi về việc thực hiện Thông tư số 09/2005/TT-BNV, anh Đặng Đình Xuân, Chủ tịch Công đoàn Vườn nói với tôi: “Không tính những năm trước, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm nay, có 4 người đã rời đơn vị. Họ đều là công chức, viên chức kiểm lâm làm việc tại các trạm bảo vệ rừng. 1 người chuyển đến Hội nông dân, một người chuyển đến bưu điện huyện, còn 2 người nghỉ việc về đi giao hàng cho vợ…”. Lần này, khi từ Trạm bảo vệ rừng Khe Choăng trở ra, thông tin nhận được là đã có thêm một người nghỉ và một người đang nộp đơn xin nghỉ việc.

Được xem những tờ đơn A4 mỏng mảnh của cán bộ, nhân viên Vườn Quốc gia Pù Mát viết ra nội dung xin nghỉ việc, thấy trĩu nặng. Bởi thể hiện trên đó, dù là công chức, hay viên chức; dù công tác tại trạm bảo vệ rừng, hay công tác tại văn phòng, thì lý do xin nghỉ việc của họ, cơ bản giống nhau, đều vì “nhận thấy tính chất công việc chưa phù hợp với bản thân nên xin thôi việc để tìm công việc mới”.

Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát, ông Trần Xuân Cường nói với tôi chiều muộn ngày 6/8/2021, dù rằng việc vào ngành, hay rời ngành đều là quyết định của mỗi cá nhân, nhưng là người làm công tác quản lý khi cán bộ, nhân viên có tâm tư và rời đi thì rất buồn.

Ông Trần Xuân Cường trao đổi: “Vườn mới tổ chức đối thoại để anh em được giãi bày tâm tư nguyện vọng. Có 21 lượt phát biểu, kiến nghị nhưng tập trung vào việc đề nghị cấp thẩm quyền xem xét, thực hiện chính sách Thông tư số 09/2005/TT-BNV; việc thiếu nhân lực khiến công tác đã vất vả lại càng vất vả hơn; đánh giá lại đặc thù ngành để đảm bảo thời gian nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật và các dịp lễ Tết, để anh em không thiệt thòi so với các ngành nghề khác; kiến nghị xem xét điều chỉnh Nghị định 01/2019/NĐ-CP của Chính phủ vì có những thay đổi chính sách của lực lượng kiểm lâm Vườn, dẫn đến thu nhập đã thấp lại tiếp tục bị sút giảm và không còn các chế độ thương binh, liệt sỹ như công chức kiểm lâm… Những kiến nghị của anh em đều chính đáng.

Vì vậy, tôi đã đề nghị Công đoàn Vườn tập hợp để tiếp tục báo cáo lên Công đoàn cấp trên. Mặt khác, lãnh đạo Vườn cũng sẽ có báo cáo kiến nghị xem xét điều chỉnh chính sách và có hướng dẫn chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc…”.

Nói ra những điều đã nghe, đã thấy ở Vườn Quốc gia Pù Mát với ông Phú Văn Lĩnh – Chủ tịch Công đoàn ngành NN&PTNT. Ông Lĩnh trao đổi rằng, lực lượng bảo vệ rừng nói chung trong thời gian qua đang có những khó khăn nhưng chưa được tháo gỡ.

Riêng với các kiến nghị từ Vườn Quốc gia Pù Mát, Công đoàn ngành NN&PTNT cũng đã nhận được, và đã tổng hợp thành báo cáo kiến nghị chung của toàn ngành để chuyển lên cấp trên.

“Tôi đã kinh qua nhiều vị trí công tác gắn với nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng nên rất hiểu vì sao cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng có những tâm tư, vì sao có người xin nghỉ việc. Khó khăn của nghề rừng là một thực tế, tồn tại đã nhiều năm. Như kiến nghị điều chỉnh một số quy định tại Nghị định 01/2019/NĐ-CP cũng là chính đáng, cần thiết. Công đoàn ngành đã tổng hợp báo cáo lên LĐLĐ tỉnh, lên Ban Thường vụ Đảng ủy Sở NN&PTNT; đã thông tin, trao đổi ở một số cuộc họp, diễn đàn. Công tác bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian qua được quan tâm đẩy mạnh. Nhưng để duy trì tốt nhiệm vụ này, cần phải quan tâm cải thiện đời sống, tinh thần của những người đang ngày, đêm trực tiếp bảo vệ rừng…”.