Chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả các hoạt động tình nguyện

(Baonghean.vn) - Nhận thức được tầm quan trọng của việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình triển khai, thực hiện các chương trình tình nguyện, thời gian qua Đoàn Khối các cơ quan tỉnh đã có nhiều cách làm sáng tạo và hiệu quả.

Hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản

Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid - 19, việc tiêu thụ nông sản của bà con nông dân trong, ngoài gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, chương trình “Kết nối nông sản - San sẻ yêu thương - Chung tay vượt qua đại dịch” đã được các cấp bộ đoàn triển khai đồng bộ trên toàn tỉnh. Trong đó, Đoàn Khối các cơ quan tỉnh đã mạnh dạn đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả các hoạt động tình nguyện của mình.

Là đơn vị dẫn đầu trong Khối các cơ quan trong chương trình kết nối, hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã trở thành đầu mối tiêu thụ gần 112 tấn vải cho bà con Bắc Giang.

Ngoài kênh bán lẻ tại cơ quan, Cục còn tiến hành kết nối với nhiều cơ quan, doanh nghiệp trong ngoài tỉnh để mở rộng quy mô, số lượng tiêu thụ nông sản. Trong đó, đoàn thanh niên là lực lượng xung kích, được cơ quan ghi nhận vì đã có nhiều sáng tạo trong triển khai nhiệm vụ đã đề ra.

Ảnh: Đoàn Khối
Cục Quản lý thị trường Nghệ An tiếp nhận, hỗ trợ tiêu thụ vải cho bà con Bắc Giang. 

Chia sẻ về quá trình này, đồng chí Bí thư Chi đoàn Cục Quản lý thị trường Trần Thị Bảo Giang cho biết, ngay từ những ngày đầu đón nhận thông tin về việc bà con trồng vải ở Bắc Giang gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiêu thụ nông sản, toàn cơ quan đã thống nhất đứng ra kêu gọi, giúp đỡ cho bà con vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tuy nhiên, làm thế nào để lên đơn, tổng hợp đơn và chia đơn hàng theo vùng một cách khoa học thì lại vô cùng khó. 

Nắm bắt được điều đó, Ban Thường vụ Đoàn khối đã xây dựng, cho ra mắt và hướng dẫn chi đoàn sử dụng phần mềm hỗ trợ tiêu thụ nông sản thông qua hai Website: ketnoinongsan.vn và  nongsanthanhnien.nghean.vn. Từ đây, các số liệu được phần mềm tự động cập nhật và  tổng hợp rõ ràng, khoa học, giúp cho quá trình nhập hàng và tiêu thụ hàng hóa được diễn ra một cách thuận lợi. Cùng đó, địa bàn tiêu thụ cũng được mở rộng nhiều lần so với cách thức triển khai truyền thống.

Nhờ vậy, chỉ trong chưa tới 10 ngày kể từ khi phát động chương trình, cơ quan đã ghi nhận hàng nghìn lượt người đăng ký thu mua. Số lượng vải được tiêu thụ tăng nhanh và chạm ngưỡng gần 112 tấn. Với giá bán 25 nghìn đồng mỗi kg, trừ chi phí phát sinh trong quá trình vận chuyển, số tiền hỗ trợ bán vải đã góp phần hỗ trợ bà con vượt qua những khó khăn trong thời gian đối mặt với dịch Covid – 19.

Ảnh: Thanh Quỳnh
Chỉ trong một thời gian ngắn, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã hỗ trợ tiêu thụ gần 112 tấn vải cho bà con Bắc Giang.

Nhìn ra toàn tỉnh, thời gian qua cùng với việc ứng dụng chuyển đổi số trong quá trình hỗ trợ bà con tiêu thụ nông sản, hoạt động kết nối, tiêu thụ nông sản đã được triển khai hiệu quả trong các đơn vị cơ sở thuộc Đoàn Khối các cơ quan tỉnh. Tổng số lượng nông sản các loại đã hỗ trợ bà con tiêu thụ là  hơn 150 tấn.

Tạo chìa khóa an toàn cho các hoạt động vì cộng đồng

Ngày 26/6 vừa qua, chương trình “Hành trình đỏ - Giữ nhịp đập trái tim” do Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp cùng Đoàn Khối Các cơ quan tỉnh, Công đoàn Viên chức Nghệ An và Trung tâm Huyết học và Truyền máu Nghệ An đã tạo được sức lan tỏa lớn. Hoạt động này trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết khi nguồn máu dự trữ đang trong tình trạng khan hiếm.

Đồng chí Chu Bá Long - Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh tham gia hiến máu. Ảnh: Minh Công
Đồng chí Chu Bá Long - Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh tham gia hiến máu. Ảnh: Minh Công

Tại chương trình, Bác sỹ Nguyễn Đình Khuê - Giám đốc Trung tâm Huyết học và Truyền máu Nghệ An cho biết, lượng máu dự trữ, phục vụ công tác điều trị tại trung tâm đang thiếu trầm trọng do lượng người hiến quá ít vì nhiều nguyên nhân như: người dân ngoài khu vực thành phố Vinh không đến hiến được vì thành phố đang cách ly xã hội; các thành viên ngân hàng máu sống - đa phần là sinh viên thì đang nghỉ hè; nhiều người dân ở thành phố Vinh do lo ngại dịch bệnh nên cũng không đi hiến máu.

Ảnh: Thanh Quỳnh
Các tình nguyện viên có thể đăng ký hiến máu dưới hình thức online và tiến hành hiến theo từng đợt dưới 10 người mỗi lần để đảm bảo an toàn cho việc hiến máu trước đại dịch Covid - 19.

Để giải quyết nỗi lo về dịch bệnh, Ban Thường vụ Đoàn Khối đã chủ động đặt vấn đề, đề xuất với Trung tâm huyết học – truyền máu tỉnh xây dựng phương án đăng ký hiến máu trực tuyến dưới hình thức online, thông qua việc quét mã QR trên các hình ảnh truyền thông hoặc trực tiếp tại Website: https://hienmau.tthhtmnghean.vn/. Với cách làm này những tình nguyện viên không cần đến đăng ký trực tiếp mà thực hiện tại nhà, từ thông tin đăng ký đó, Trung tâm Huyết học và Truyền máu tỉnh sẽ tiến hành thực hiện theo 10 người mỗi giờ. Với việc đảm bảo tốt các nguyên tắc phòng, chống dịch, việc hiến máu sẽ đảm bảo an toàn gần như tuyệt đối cho các tình nguyện viên trong quá trình hiến máu.

Cán bộ, phóng viên Báo Nghệ An tham gia hiến máu. Ảnh: Phương Thu
Cán bộ, phóng viên Báo Nghệ An tham gia hiến máu. Ảnh: Phương Thu

Nhờ phương pháp này, trong ngày đầu triển khai, chương trình đã nhận được 40 lượt tình nguyện viên đăng ký. Từ thời điểm phát động chương tình, tính đến nay đã thu về 125 đơn vị máu. Một số cán bộ của các đơn vị như Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh, Báo Nghệ An, Hội Chữ thập đỏ tỉnh... đã tích cực tham gia hiến máu.

Đề cập đến các hoạt động tình nguyện trong Chiến dịch Kỳ nghỉ hồng năm nay, đồng chí Nguyễn Công Minh – Bí thư Đoàn Khối các cơ quan tỉnh cho biết: “Nhận thức được tầm quan trọng của công cuộc chuyển đổi số trong các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, đặc biệt trước những diễn biến ngày càng phức tạp của đại dịch Covid – 19, Ban Thường vụ Đoàn Khối các cơ quan đã xác định việc tham mưu, tiên phong trong việc đổi mới các hoạt động theo hướng tích cực ứng dụng CNTT vào các chương trình tình nguyện là nhiệm vụ then chốt”. 

Ảnh: Thanh Quỳnh
Mô hình Chibi khai báo thông tin qua mã QR nhằm kiểm soát người ra, vào trụ sở các cơ quan, đơn vị.

Từ mục tiêu đó, thời gian qua các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn, sáng tạo, phối hợp các tổ chức, cá nhân đưa ra các sản phẩm, công trình ứng dụng CNTT trong các hoạt động như: Mô hình khai báo thông tin qua mã QR nhằm kiểm soát người ra, vào trụ sở các cơ quan, đơn vị hoặc quản lý nhân sự tham gia các cuộc họp, hội nghị; Hướng dẫn sinh hoạt Chi đoàn bằng video dàn dựng thay vì văn bản như trước đây; Tuyên truyền, hỗ trợ người dân sử dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” là ứng dụng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trên nền tảng thiết bị di động; phát động mô hình “Gửi máy tính cũ - trao tri thức mới” nhằm hỗ trợ các trẻ em vùng miền núi, khó khăn đến gần hơn với công nghệ…

Tất cả những hoạt động trên đều được hưởng ứng tích cực, tạo đước sức lan tỏa sâu rộng trong đoàn viên, thanh niên và mang lại những kết quả tích cực. Đây là động lực để Tuổi trẻ Khối các cơ quan tỉnh sẽ tiếp tục góp phần đắc lực trong phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và ứng dụng công nghệ trong công tác Đảng, Đoàn thể.

Tin mới