Chuyện đưa cây quý từ Nghệ An trồng tại Lăng Bác

(Baonghean.vn) - Trong hai hàng “tiêu binh xanh” gồm 18 cây vạn tuế đứng phía trước Lăng canh giấc ngủ của Người, có 9 cây được tuyển chọn từ huyện Đô Lương mang ra.
Nghe tôi nhắc chuyện mùa Thu năm 1974, cánh lính trẻ đoàn viên, thanh niên chúng tôi thuộc cơ quan Bộ Tư lệnh pháo binh (đóng tại dốc Đội Cấn, Hà Nội) được tham gia lao động tại công trình xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ cựu kiểm lâm tuổi ngoài bát tuần bảo: 
- Nhà báo biết không, trong hai hàng “tiêu binh xanh” gồm 18 cây vạn tuế đứng phía trước Lăng canh giấc ngủ của Người, có 9 cây được tuyển chọn từ huyện Đô Lương mang ra đó.
- Dạ... Lần đầu em mới được nghe thông tin này!
- Bây giờ chỉ có ông Võ Văn Vỹ, kỹ sư lâm sinh, người được Ty Lâm nghiệp Nghệ An lúc bấy giờ giao nhiệm vụ trực tiếp tham gia từ đầu là biết đầy đủ nhất chuyện tỉnh nhà cung tiến các loại cây quý, gỗ quý tham gia công trình Lăng Bác. 
Và tôi (tác giả) đã tìm gặp ông Võ Văn Vỹ (SN 1943), về hưu năm 2002 từ Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, nhà riêng ở xóm 2, xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc... Ông Vỹ bảo, chuyện đã 46 năm, giờ phải giở sổ công tác ghi rõ nội dung, thời gian tiến hành công việc mới kể được. 
Lăng Bác. Ảnh: Giao Hưởng
Lăng Bác. Ảnh: Giao Hưởng

Và sau đây là lời kể của ông Vỹ:

“Đầu năm 1975, trong khi cả nước tập trung tổng tấn công mùa Xuân, tôi được Ty Lâm nghiệp Nghệ An giao phụ trách bộ phận chủ công gồm 2 tổ: Tổ cán bộ kỹ thuật khảo sát, chọn lọc, lập hồ sơ cây quý và gỗ quý; Tổ chăm sóc các loài cây mang từ Nghệ An ra cung tiến công trình Lăng. Công việc tiến hành hơn 3 tháng nơi đại ngàn. 
Cây xanh quanh Lăng là một bộ phận của Lăng, các loài cây trồng phải đảm bảo tính dân tộc, giản dị, hiện đại, trang nghiêm, mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc, đặc biệt là những loài cây sinh thời Bác yêu thích. Việc bố trí cây nơi Bác yên nghỉ yêu cầu rất nghiêm ngặt, tỉ mỉ, công phu, đảm bảo khoa học mà giản dị, trang nghiêm, thể hiện sự thống nhất tính dân tộc với tính hiện đại. Mỗi loài cây được trồng bên Lăng có hương sắc tiêu biểu tượng trưng cho mỗi địa phương, mỗi vùng, miền, gợi lên hình ảnh cả nước thân quen, gần gũi quây quần bên Bác. Lăng Bác khởi công xây dựng ngày 2/9/1973, Bộ Chính trị yêu cầu khi công trình Lăng xây dựng xong, việc trồng cây xanh khu vực Lăng cũng phải cơ bản hoàn thành.  
Sau khi ông Trường Chinh - Trưởng ban, ông Đỗ Mười - Phó ban Chỉ huy công trình Lăng, với ban lãnh đạo tỉnh Nghệ An gồm cụ Lê Nhu - Chủ tịch MTTQ tỉnh và các ông Nguyễn Sỹ Quế - Bí thư Tỉnh ủy, Dương Văn Dật - Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất ý kiến, ngày 16/2/1975, tỉnh Nghệ An chủ trì cuộc họp đầu tiên với các ngành Lâm nghiệp, Văn hóa - Thông tin, Công an, các huyện vùng cao miền Tây. Tại cuộc họp, Nghệ An đề xuất Trung ương cho tỉnh chuẩn bị nhiều loài cây xanh và gỗ quý cung tiến Lăng Bác. Trong khi chờ Trung ương hồi âm, các huyện có rừng huyện nào cũng muốn được mang nhiều cây quý trồng bên Lăng Người. Huyện Nam Đàn đăng ký cây dâm bụt, mạn hảo, sen, dạ hương; Thanh Chương đăng ký cây cọ, mai cần (như cây hóp); Đô Lương đăng ký cây vạn tuế; Quế Phong đăng ký cây quế, lim; Nghi Lộc đăng ký cây cam Xã Đoài... Đến khi chỉ huy công trình Lăng thông báo Nghệ An được chọn cây dâm bụt, mạn hảo, vạn tuế, mét, tỉnh xin mang thêm 1 cây đại nhưng ông Trường Chinh bảo 2 cây đại trước cổng Lăng do Trung ương trồng rồi. 

Ông Võ Văn Vỹ  với cuốn sổ tay. Ảnh: G.H
Ông Võ Văn Vỹ với cuốn sổ tay. Ảnh: G.H

Đầu tháng 3/1975, bộ phận kỹ thuật chọn cây dâm bụt tại đường vào quê nội Làng Sen; mạn hảo tại đường vào quê ngoại Hoàng Trù; vạn tuế tại huyện Đô Lương, mét tại huyện Tương Dương. Vạn tuế là cây lâu năm, thân thẳng mập, tán lá tỏa đều quanh thân nom như cây nấm màu xanh. Trong 9 cây vạn tuế đảm bảo quy chuẩn chiều cao trên dưới 1 mét chọn từ xã Bắc Sơn, huyện Đô Lương, có 1 cây từ nhà thờ tổ một dòng họ, 1 cây của chi hội phụ lão trồng cây Bắc Sơn, 7 cây còn lại của các gia đình gồm: cụ Lê Đăng Yết ở đội 3, ông Lê Trọng Quảng, ông Lê Doãn Hoài đều ở đội 10, hợp tác xã Bắc Sơn. 

Ông Võ Văn Vỹ  (thứ 2 từ trái sang)  với các đồng nghiệp. Ảnh gia đình cung cấp
Ông Võ Văn Vỹ (thứ 2 từ trái sang) với các đồng nghiệp. Ảnh gia đình cung cấp

Ngày 24/3/1975,  ông Nguyễn Sỹ Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp ấn định ngày 19/5 tập kết toàn bộ cây xanh và gỗ quý tại khu vực Lăng Bác. Công ty Vận tải ô tô hàng hóa Nghệ An cử 4 xe tải không tì vết, chọn 4 lái xe (đều là Chiến sỹ Thi đua từng lập thành tích xuất sắc phục vụ trên các chiến trường) đưa xe đến các địa điểm chuẩn bị cây. Xe biển đăng ký BID 032 do ông Phan Viết Khương lái chở 9 cây vạn tuế; xe BIU 466 do ông Nguyễn Khắc Việt lái chở cây dâm bụt, mạn hảo; xe biển BIU 432 do ông Trần Đăng Tý lái, xe biển BIT 323 do ông Đinh Văn Nghi lái chở mét. 

Đoàn xe chở cây từ các điểm về tập kết tại Vinh, cùng mấy xe của Ty Công an nhiệm vụ hộ tống, tất cả nghiêm trang làm Lễ cung tiến cây quý, gỗ quý phục vụ công trình Lăng Bác, liền đó đoàn xe trực chỉ ra Hà Nội. Đoàn xe Nghệ An tập kết tại khu vực Lăng, bộ phận kỹ thuật chủ công do tôi (tức ông Võ Văn Vỹ -TG) phụ trách mắc màn tại hiện trường bảo quản, chăm sóc cây cho tới khi hoàn tất các thủ tục bàn giao cây như bàn giao người, bấy giờ toàn đoàn mới trở về Nghệ An”. 

Tin mới