Chuyên gia: Mỹ nỗ lực tước quy chế ‘quốc gia đang phát triển’ của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Ông Francois Asselineau, nhà phân tích địa chính trị người Pháp nhận định, việc Mỹ nỗ lực tước quy chế "quốc gia đang phát triển" của Trung Quốc là ý đồ của Washington nhằm củng cố lợi ích và duy trì vai trò lãnh đạo toàn cầu.
Thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc). Ảnh minh hoạ Xinhua

Thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc). Ảnh minh hoạ Xinhua

Hồi đầu tuần này, Hạ viện Mỹ đồng thuận thông qua Đạo luật CHND Trung Hoa không còn là một quốc gia đang phát triển. Đạo luật này nhằm yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ phản đối dán nhãn hoặc đối xử với Trung Quốc như một "quốc gia đang phát triển" trong mọi tổ chức hay thỏa thuận quốc tế mà Mỹ là một bên tham gia.

Chuyên gia Asselineau nêu rõ: "Với điều kiện là vị thế của một quốc gia đang phát triển cho phép các "nền dân chủ" phương Tây chiếm thế thượng phong trong các tổ chức quốc tế, thì hoạt động thương mại với Trung Quốc có thể phát triển. Nhưng giờ đây, Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh trên thị trường thế giới, họ muốn thay đổi ngay lập tức các quy tắc. Nước Mỹ muốn tối đa hóa lợi ích của mình và cố thay đổi các quy tắc để duy trì chính sách "Nước Mỹ trên hết".

Theo chuyên gia này, bằng việc thông qua dự luật trên, Mỹ đã công nhận Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và ngụ ý rằng, Bắc Kinh có lẽ nên đóng góp nhiều hơn cho ngân sách của các tổ chức Liên hợp quốc mà nước này tham gia. Đồng thời, ông Asselineau cho rằng, mặc dù Trung Quốc có lẽ nên được coi là một quốc gia phát triển, nhưng diễn biến hiện nay cho thấy mối quan hệ giữa 2 nước đang xấu đi nhanh chóng.

Chuyên gia Asselineau giải thích: "Mỹ khó chịu trước thành công ngoại giao của Trung Quốc, giúp Saudi Arabia và Iran xích lại gần nhau hay thúc đẩy "phi đô la hóa" trong hoạt động thương mại thế giới. Nhịp điệu của các cuộc khủng hoảng do Mỹ gây ra, dù đúng hay sai, đang gia tăng. Khinh khí cầu khí tượng bị Mỹ cáo buộc là "khí cầu gián điệp", Washington ban hành lệnh cấm TikTok sau khi cấm Tập đoàn Huawei, cả hai đều bị cáo buộc làm gián điệp cho Bắc Kinh". Ông Asselineau kết luận: "Tôi không hiểu nước Mỹ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Moskva, vì vậy, Mỹ nên phát triển chính sách tấn công quyến rũ ngoại giao với Trung Quốc, ít nhất là tạm thời, để chia rẽ Moskva và Bắc Kinh. Đó là điều nên làm. Tuy nhiên, thực tế là Mỹ liên tục chỉ trích Trung Quốc".

Trong những năm gần đây, Mỹ đã tích cực cáo buộc Trung Quốc lạm dụng danh xưng "nước đang phát triển, vì điều này cho phép quốc gia châu Á này đạt được những lợi thế nhất định liên quan tới các quy tắc thương mại toàn cầu mặc dù đã đủ phát triển về mặt kinh tế, như các nhà phê bình đánh giá. Về phần mình, Bắc Kinh bác bỏ những cáo buộc như vậy./.

Tin mới