Chuyên gia Nga phủ nhận 'đường chín đoạn' phi lý của Trung Quốc

Các chuyên gia Nga khẳng định yêu sách 'đường chín đoạn' của Trung Quốc hoàn toàn không có giá trị pháp lý tại Hội thảo quốc tế 'Cơ chế giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên ví dụ Biển Đông' được tổ chức tại Học viện Tư pháp Nga ngày 29/9.

Các chuyên gia tham dự hội thảo.
Các chuyên gia tham dự hội thảo.

Tại đây, các học giả và học viên tham dự trình bày nhiều tham luận và thảo luận về phán quyết ngày 12/7 của Tòa Trọng tài Liên hợp quốc với vụ kiện Trung Quốc của Philippines.

Trong hội thảo này, các chuyên gia tiếp tục khẳng định yêu sách 'đường chín đoạn' của Trung Quốc hoàn toàn không có giá trị pháp lý.

Các chuyên gia Nga cho rằng: "Tất cả những bằng chứng lịch sử mà các nhà khoa học Trung Quốc dựa vào đều không thuyết phục và chưa được chứng minh. Về cơ bản nó chỉ dựa trên những khẳng định liên quan đến phát hiện, xâm chiếm và quan hệ giữa các triều đại Trung Hoa với các nước chư hầu trong khu vực.

Trung Quốc không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào cho các luận điểm của mình như chính ngư dân Trung Quốc phát hiện và đặt tên cho các đảo trên Biển Đông, Trung Quốc có quá trình lâu dài thực hiện chủ quyền không thể tranh cãi trên Biển Đông...

Các chuyên gia tham dự hội thảo.
Các chuyên gia và học viên tham dự hội thảo.

Về mặt pháp lý, mặc dù là thành viên tham gia ký kết và phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) nhưng yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông lại hoàn toàn không tuân thủ quy định của UNCLOS.

Là một thành viên của UNCLOS, Trung Quốc có trách nhiệm phải tuân thủ tất cả các điều kiện của Công ước và không thể có yêu sách đối với bất kỳ quyền và quyền tài phán nào mà không phù hợp với Công ước này.

Do đó, việc Trung Quốc chiếm đóng các đảo thuộc các quần đảo trên và tuyên bố 'đường chín đoạn' trên cơ sở 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế là hoàn toàn trái ngược với quy định của luật pháp quốc tế.

Liên quan phán quyết của PCA, ngay từ đầu Trung Quốc đã từ chối hợp tác với PCA nhưng trong điều lệ của PCA đã ghi rõ, vụ kiện có thể được xem xét ngay cả trong trường hợp bị đơn vắng mặt.

Như vậy, từ những cơ sở về mặt pháp lý, lịch sử và quá trình làm việc của Tòa trọng tài, có thể thấy yêu sách 'đường chín đoạn' mà Trung Quốc đưa ra hoàn toàn không có giá trị pháp lý.

Phán quyết của PCA đặt dấu chấm hết cho vấn đề này khi khẳng định 'đường chín đoạn' không dựa trên bất kỳ cơ sở nào và không có hiệu lực pháp lý".

Theo Vtc.vn

TIN LIÊN QUAN

Tin mới