Chuyển mạnh sản xuất vụ đông tạo nguồn hàng hóa

(Baonghean.vn) - Để nâng cao giá trị kinh tế của các loại cây trồng trong vụ đông, huyện Thanh Chương và Anh Sơn có nhiều chính sách khuyến khích nông dân tích cực sản xuất theo hướng hàng hóa.

Bí xanh là sản phấm thế mạnh nhiều năm nay của huyện Anh Sơn.
Bí xanh là sản phấm thế mạnh nhiều năm nay của huyện Anh Sơn. Ảnh Thái Hiền

Các hợp tác xã và các thôn trưởng ở nhiều xã của huyện Thanh Chương đã nỗ lực liên kết cung ứng giống, phân bón đến tận các thôn xóm, giúp đỡ bà con khoa học kỹ thuật, phương pháp trồng rau an toàn.

Huyện còn cử cán bộ chức năng cùng các địa phương bám đồng, hỗ trợ nông dân,cùng đó ban hành chính sách hỗ trợ giống. Vì vậy, dù phải trồng đi trỉa lại nhiều lần do mưa lũ nhưng người dân trên địa bàn huyện trồng 5.200 ha vụ đông, đảm bảo 100 % kế hoạch.

Vụ đông ở Thanh Chương được khép kín diện tích, tạo nguồn hàng hóa lớn. Ảnh Đình Hà
Vụ đông ở Thanh Chương được khép kín diện tích, tạo nguồn hàng hóa lớn. Ảnh Đình Hà

Nét đáng chú ý là ở một số xã đã bố trí rau màu thành vùng tập trung như rau cải, đậu, hành tăm, rau gia vị. Theo ông Lê Đình Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương thì đây là những tín hiệu tốt để huyện tiếp tục chỉ đạo sản xuất, hướng tới mở rộng quy mô sản xuất sạch, đầu tư thâm canh để có khối lượng hàng hóa lớn.

Vụ đông 2016, huyện Anh Sơn phát triển nhiều vùng chuyên canh sản xuất rau màu hàng hóa theo hướng tập trung chất lượng và bền vững, nhằm tạo bước đột phá, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích đất canh tác cũng như hình thành những cánh đồng chuyên canh cho thu nhập cao.

Xã Cẩm Sơn từ lâu có truyền thống sản xuất chuyên canh cây rau màu ở huyện Anh Sơn. Cùng với rau màu, năm nay trồng mướp lai được nhân rộng. Gia đình anh Hoàng Văn Diệu thôn Hội Lâm đang tập trung chăm sóc 4 sào mướp trên vùng đất vệ. Theo anh Diệu, trồng mướp đầu tư không quá lớn, thời gian sinh trưởng chỉ 1 tháng 5 ngày, cứ 1- 2 ngày thu hái 1 lần. Mỗi sào mướp cho năng suất từ 1,5 đến 2 tấn, trừ chi phí mỗi sào cho thu nhập 10 triệu đồng.

Mướp hàng hóa là cây trồng được nông dân nhiều vùng ở huyện Anh Sơn mở rộng diện tích. Ảnh Thái Hiền
Mướp hàng hóa là cây trồng được nông dân nhiều vùng ở huyện Anh Sơn mở rộng diện tích. Ảnh Thái Hiền

Vụ đông năm nay, xã Tào Sơn sản xuất 40 ha bí với hơn 200 hộ dân tham gia trồng. Tập trung nhiều ở xóm 5 và 9. Hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng khẳng định hướng đi đúng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, nguồn thu nhập của người dân được cải thiện đáng kể. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 24,7 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,3%.

 Ông Nguyễn Đình Đăng - Trưởng phòng nông nghiệp huyện Anh Sơn cho biết: Theo đề án sản xuất, vụ đông 2016 huyện Anh Sơn đã hình thành được 290 ha rau đậu các loại tăng 50 ha so với năm 2015 tập trung nhiều ở Cẩm Sơn, Thạch Sơn, Lạng Sơn, Tường Sơn; bầu bí 195 ha ở Cẩm Sơn, Đức Sơn, Tào Sơn và khoai lang 180 ha. Căn cứ vào điều kiện và chất đất, nhiều địa phương ở Anh Sơn đã chủ động xây dựng các vùng rau an toàn, đưa các giống cây trồng mới có tiềm năng năng suất và giá trị kinh tế cao, huyện cũng đã phối hợp với các ban ngành và các địa phương thường xuyên mở các lớp tập huấn, tư vấn kỹ thuật. Nhiều địa phương đã khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân.  

Đình Hà - Thái Hiền

TIN LIÊN QUAN

Tin mới