Chuyện một người Nghệ hy sinh trong hải chiến Trường Sa

(Baonghean) - Là 1 trong 8 người con của Nghệ An hy sinh tại đảo Gạc Ma năm 1988, liệt sỹ Phạm Văn Dương luôn sống mãi trong lòng những người thân, đồng đội và quê hương, đất nước.

» Giáo dân Nghệ An vạch trần sự biến chất của linh mục Nguyễn Đình Thục
 

Nhân dịp 29 năm Hải chiến Trường Sa (1988 - 2017), chúng tôi tìm về xã Nam Kim (Nam Đàn), quê hương của liệt sỹ Phạm Văn Dương để được nghe những câu chuyện về một người đã hóa thân giữa biển cả trùng khơi. Hôm ấy đúng vào ngày 27 tháng Giêng âm lịch, là ngày giỗ của anh.

Vừa đặt mâm lên bàn thờ, thắp nén hương, ông Luật không ngăn được dòng nước mắt: “Mới ngày nào đó mà đã qua 28 lần giỗ, thương em thân xác vùi vơi biển xa. Em tôi ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, bố mẹ cũng đã đi xa, chỉ còn các anh chị...”. Trong mạch xúc động, chúng tôi bắt đầu khơi gợi câu chuyện về người em út hy sinh trong trận chiến ở đảo Gạc Ma.

2.	Các anh, chị của liệt sỹ Phạm Văn Dương dâng hương nhân ngày giỗ lần thứ 28 của em trai
 Các anh, chị của liệt sỹ Phạm Văn Dương dâng hương nhân ngày giỗ lần thứ 28 của em trai. Ảnh: Công Kiên.

Gia đình có 7 anh chị em, Phạm Văn Dương (SN 1967) là em út nhưng cao lớn nhất nhà, vóc dáng khỏe mạnh. Năm 1986, vừa rời ghế nhà trường THPT, nhiều người khuyên Phạm Văn Dương theo học một nghề nào đó để cuộc sống tương lai đỡ vất vả. Bởi thời điểm ấy người có bằng tốt nghiệp THPT chưa nhiều, lại có anh trai cả (ông Phạm Văn Tam) làm Bí thư Đảng ủy xã động viên đi học nghề nên gia đình cũng muốn cậu con trai út đi học.

Vậy nhưng, chàng thanh niên tuổi 19 muốn được rèn luyện trong quân ngũ trước khi tìm cho mình một nghề nào đó. Rồi cũng trong năm ấy, anh đăng ký khám tuyển và nhận được lệnh lên đường nhập ngũ, được biên chế vào quân chủng Hải quân. Ngày anh lên đường, cả nhà ra khu vực sân vận động để tiễn chân, anh Dương nắm tay từng người một và cười rất tươi, rồi nói: “Em đi nghĩa vụ 3 năm sẽ về, cả nhà yên tâm nhé!”.

Mấy tháng sau, gia đình nhận được lá thư đầu tiên, trong thư anh Dương kể về việc huấn luyện tại Hải Phòng. Việc huấn luyện rất gian khổ nhưng rất vui và khỏe hơn nhiều so với ngày còn ở nhà. Những lá thư sau anh cũng chỉ kể chuyện huấn luyện, chuyện tình cảm anh em đồng đội. Thư cuối cùng gia đình nhận được vào dịp sau Tết Nguyên đán năm 1988, anh báo tin sắp ra Quần đảo Trường Sa làm nhiệm vụ.

1.	Liệt sỹ Phạm Văn Dương (ảnh gia đình cung cấp)
Liệt sỹ Phạm Văn Dương. Ảnh chụp lại.

Từ Hải Phòng vào quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) sẽ đi tàu hỏa, tàu đi qua địa bàn Nam Kim nhưng không thể ghé thăm nhà. Những ngày sau đó,vợ chồng ông Phạm Hược (bố mẹ anh Dương) ra đứng bên đường tàu, mỗi lúc có đoàn tàu chạy hướng Bắc - Nam lại ngước lên, dõi ánh mắt vào trong các toa để tìm đứa con trai út.  Ông bà mong một cánh tay vẫy chào, nhưng không biết chuyến tàu chở anh Dương đi qua lúc nào...

Trung tuần tháng 3/1988, ông Phạm Văn Tam và Phạm Văn Luật nghe đài đưa tin về trận Hải chiến Trường Sa giữa Hải quân nhân dân Việt Nam và quân xâm lược Trung Quốc. Trận chiến ấy, Hải quân Việt Nam hy sinh 64 cán bộ, chiến sỹ, họ tên, quê quán từng người được phát thanh viên lần lượt xướng lên. Ông Tam và ông Luật chợt điếng người khi nghe đến họ tên và địa chỉ người em trai...

Ông Hược và vợ không tin nổi con trai út đã hy sinh, vì thư anh Dương mới gửi về, hẹn năm sau ra quân sẽ về với bố mẹ. Ông bà vẫn đợi, biết đâu anh chưa mất, chỉ bị rơi vào tay kẻ thù, có ngày sẽ được trao trả. Với niềm mong ấy, hàng ngày các bậc sinh thành vẫn dõi về phía biển xa. Nhưng rồi, đời người có hạn, ông bà lần lượt về với tổ tiên, mang theo cả niềm hy vọng...

3.	Ông Phạm Văn Tam và Phạm Văn Luật với di ảnh người em trai đã hy sinh ở đảo Gạc Ma
Ông Phạm Văn Tam và Phạm Văn Luật bên di ảnh người em trai đã hy sinh ở đảo Gạc Ma. Ảnh: Công Kiên.

Về sau, những người đồng đội tìm về gặp gia đình và kể lại tình huống hy sinh của Phạm Văn Dương. Lúc ấy, anh là Tiểu đội trưởng có mặt trên tàu HQ-604, được giao nhiệm vụ giữ đảo Gạc Ma. Ngày 14/3/1988, khi xẩy ra xung đột, tiểu đội của anh lên làm nhiệm vụ trên boong tàu và bị đạn pháo của địch bắn rơi xuống biển và hy sinh.

Anh Dương hy sinh đến bức ảnh lưu niệm cũng chưa kịp chụp, từ lúc nhập ngũ đến ngày hy sinh không về thăm nhà, may có bức ảnh chân dung đơn vị gửi về để đặt lên bàn thờ. Hàng năm, đến ngày 27 tháng Giêng âm lịch (trùng vào ngày 14/3/1988), gia đình làm giỗ cho anh. Bố mẹ qua đời, việc chăm sóc hương khói được giao cho vợ chồng người anh trai Phạm Văn Luật.

Ông Luật cho biết, gia đình luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể. Năm trước, ông và những thân nhân liệt sỹ, những người trở về từ trận Hải chiến Trường Sa được mời vào bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa) tham quan tượng đài và nhà tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma đang được xây dựng, dự kiến sẽ được khánh thành vào dịp 14/3 năm nay.

4.	Ông Phạm Văn Luật (thứ 5, từ trái sang) trong lần vào thăm Tượng đài chiến sỹ Gạc Ma (ảnh gia đình cung cấp)
Ông Phạm Văn Luật (thứ 5, từ trái sang) trong lần vào thăm Tượng đài chiến sỹ Gạc Ma. Ảnh gia đình cung cấp.

Đến đây, nước mắt chực rơi bởi niềm xúc động dâng trào, bởi người em trai đã “nằm lại phía chân trời” (tên của tượng đài là “Những người nằm lại phía chân trời”). Rồi người anh trai mong một lần được ra vùng biển nơi em mình hy sinh, để sưởi ấm linh hồn người chiến sỹ vĩnh viễn nằm lại chốn khơi xa...

Thân nhân liệt sỹ Phạm Văn Dương có một nguyện vọng thiết tha là được chính quyền địa phương tạo điều kiện xây ngôi mộ gió trong nghĩa trang liệt sỹ xã nhà. Bởi anh Dương ngã xuống khi mới bước vào tuổi 21, chưa xây dựng gia đình. Các anh, các chị rồi cũng sẽ già yếu và qua đời, nếu có mộ phần, thế hệ sau sẽ để tâm chăm sóc khói hương, linh hồn người ngã xuống luôn được sưởi ấm bởi tình thân...

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN

Tin mới