Chuyện người chăm sóc Khu tưởng niệm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Gần 30 năm trông coi, chăm sóc Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, ông Lê Văn Ngụ luôn tận tụy và nhiệt tình với công việc. Với ông, làm công việc này vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm nên phải cố gắng hết mình, chấp nhận những khó khăn, vất vả.

Tâm niệm giữ gìn vốn quý cho đời sau

Đến Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (1902 - 1942) ở xã Hưng Thông (Hưng Nguyên), người dân và du khách thường gặp người đàn ông vóc dáng nhỏ bé, cần mẫn với công việc quét dọn, chăm sóc khuôn viên ngôi nhà tranh. Ông tên là Lê Văn Ngụ (SN 1949), là cháu họ của cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, tính đến nay đã hơn 26 năm canh giữ di tích.

Khuôn viên ngôi nhà tranh thuộc Khu tưởng niệm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Ảnh: Công Kiên

Khuôn viên ngôi nhà tranh thuộc Khu tưởng niệm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Ảnh: Công Kiên

Từng 15 năm có mặt trong quân ngũ, một bệnh binh với tỷ lệ mất sức 61%, khi được giao nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc di tích, ông Ngụ luôn hết mình với công việc. Bởi, theo gia tộc, ông gọi cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong là bác họ, cụ thân sinh ra ông và cố Tổng Bí thư là anh em con chú, con bác.

Khi còn ở chiến trường Lào, ông Ngụ được đọc tập tài liệu về những tấm gương cách mạng tiền bối, trong đó có đồng chí Lê Hồng Phong. Ông Ngụ mừng vui khôn xiết, tự hào khoe với đơn vị rằng đó là bác họ, ở gần nhà, đồng lứa với bố của mình.

Hàng ngày, ông Lê Văn Ngụ quét dọn ngôi nhà tranh và khuôn viên di tích. Ảnh: Công Kiên

Hàng ngày, ông Lê Văn Ngụ quét dọn ngôi nhà tranh và khuôn viên di tích. Ảnh: Công Kiên

Sinh thời, bác Doãn (Lê Hồng Phong) và bố chơi rất thân với nhau, ngày bác Doãn lên đường đi làm cách mạng có rủ bố ông Ngụ đi cùng. Nhưng bố ông Ngụ sức vóc yếu, lại không được học hành nên không đủ tự tin để lên đường cùng người anh họ.

Ông Ngụ cho biết: “Tôi nhận nhiệm vụ này từ năm 1996, quy mô của Khu tưởng niệm còn nhỏ, nằm xen lẫn giữa nhà dân. Lúc ấy, tôi gần như làm tất cả mọi việc, từ bảo vệ, quét dọn khuôn viên đến chăm sóc hương khói, khi cần có thể thuyết minh, giới thiệu. Từ năm 2012, Khu tưởng niệm được xây dựng quy mô, có Ban quản lý, có người chăm sóc vườn hoa, cây cảnh và thuyết minh, công việc chủ yếu của tôi là bảo vệ, chăm sóc khuôn viên khu nhà tranh và các hiện vật”.

Ông Lê Văn Ngụ chăm sóc khuôn viên di tích ngôi nhà tranh của gia đình cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Ảnh: Công Kiên

Ông Lê Văn Ngụ chăm sóc khuôn viên di tích ngôi nhà tranh của gia đình cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Ảnh: Công Kiên

Điều đáng nói là thời gian đầu, khi Khu lưu niệm do UBND huyện Hưng Nguyên quản lý, nguồn kinh phí hạn hẹp nên mức phụ cấp mỗi tháng chỉ 20 nghìn đồng, sau tăng lên 30 nghìn, rồi 50 nghìn đồng. Về sau, Khu lưu niệm do Ban quản lý Di tích tỉnh quản lý, khoản tiền phụ cấp được tăng lên. Dù mức phụ cấp có lúc rất thấp nhưng ông Ngụ không bao giờ kêu ca, đòi hỏi, bởi ông luôn tâm niệm việc mình làm là để giữ gìn vốn quý cho đời sau.

Mấy chục năm không ngủ nhà mình

Công việc tưởng như không mấy nặng nề, ban ngày chỉ việc quét dọn nhà và khuôn viên, lau bụi bám trên các hiện vật, hương khói vào những ngày giỗ, tết; ban đêm ngủ lại ở căn phòng phía trước cổng. Nhưng thực ra không mấy nhẹ nhàng, nhất là những ngày nắng nóng hay mưa bão ông Ngụ không hề chợp mắt.

Ngày nắng nóng, máy bơm luôn sẵn sàng, ngày không dám rời, đêm không dám ngủ. Ngày mưa bão cũng túc trực cả ngày lẫn đêm, chờ bão đi qua mới thở phào nhẹ nhõm. Bởi mái tranh đơn sơ, những tấm phên và cửa gỗ đã cũ thật khó trụ lại trước gió mạnh.

Ông Lê Văn Ngụ chăm sóc bàn thờ gia tiên cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Ảnh: Công Kiên
Ông Lê Văn Ngụ chăm sóc bàn thờ gia tiên cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Ảnh: Công Kiên

Suốt mấy chục năm qua, chẳng được mấy đêm ông ngủ ở nhà, hầu hết ngủ ở căn phòng nhỏ cạnh cổng khuôn viên di tích ngôi nhà tranh của gia đình cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong.

Hơn 26 năm gắn bó với công việc, ông Lê Văn Ngụ có nhiều kỷ niệm khó quên. Trong đó, đáng nhớ nhất là một lần giới thiệu, thuyết minh cho đoàn khách về tham quan, tìm hiểu. Một vị khách trong đoàn hỏi thêm thông tin nhưng ông chưa nắm rõ để trả lời.

Vị khách ấy liền nói: “Người Hưng Thông biết về cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong không bằng người Hà Nội”. Câu nói ấy khiến ông Ngụ suy nghĩ, day dứt mãi và quyết tâm tìm thêm tư liệu, sách báo về đồng chí Lê Hồng Phong để đọc, nghiên cứu, bổ sung cho bài thuyết minh thêm dày dặn và trả lời các câu hỏi của khách đến tham quan.

Ông Lê Văn Ngụ lau bụi bám trên các hiện vật trưng bày tại ngôi nhà tranh của gia đình cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Ảnh: Công Kiên

Ông Lê Văn Ngụ lau bụi bám trên các hiện vật trưng bày tại ngôi nhà tranh của gia đình cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Ảnh: Công Kiên

Không những thế, ông còn sáng tác một trường ca về cố Tổng Bí thư, mở đầu bằng những câu thơ: “Cụ Quán quê ở làng Đông/Đã sinh Huy Doãn một lòng vì dân/Sinh ra trong cảnh nghèo bần/Chỉ vì bè lũ thực dân hại nòi/Cuối năm 1902/Có anh Huy Doãn hát bài trường ca…”.

Đã vào tuổi 73 đời, 53 năm tuổi Đảng, ông Lê Văn Ngụ vẫn gắn bó và tận tụy với công việc bảo vệ, chăm sóc hương khói tại Khu tưởng niệm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong.

“Tôi luôn tâm niệm thực hiện nhiệm vụ này vừa là trách nhiệm của một người cộng sản đối với bậc cách mạng tiền bối đã hy sinh vì dân, vì nước, vừa là tình cảm của một thành viên trong gia đình, dòng họ đối với bậc tiền nhân. Vì thế, còn sức lực tôi còn cố gắng…”.

-Ông Lê Văn Ngụ -

Tin mới