Chuyện người đảng viên kết nạp ở nhà tù Phú Quốc

(Baonghean.vn) - Nhà tù Phú Quốc với những quy định hà khắc và kiểu nhục hình, tra tấn dã man, tàn bạo nhưng không giam cầm được ý chí của những người chiến sỹ cách mạng. Câu chuyện của ông Phạm Đức Hòa (SN 1947) là minh chứng sinh động về cuộc đấu tranh ở chốn tù ngục.

Sau Tết Mậu Thân, địch chuyển hơn 200 tù binh trại giam Non Nước (Đà Nẵng) ra đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Tôi được đưa vào Phân khu B1, có 18 phòng giam, một phòng dành để tù binh nấu ăn, khoảng sân rộng là nơi điểm danh hàng ngày.

Ông Phạm Đức Hòa kể lại những năm tháng bị Mỹ - Ngụy giam giữ tại nhà tù Phú Quốc.
Ông Phạm Đức Hòa kể lại những năm tháng bị Mỹ - Ngụy giam giữ tại nhà tù Phú Quốc.

Nhà tù Phú Quốc là nơi địch tập trung anh em tù binh từ các trại trong đất liền, gồm cả anh em miền Bắc và miền Nam nên hết sức phức tạp. Kẻ địch muốn thị uy, dằn mặt anh em tù binh nên đề ra những quy định hà khắc và hình thức tra tấn, khủng bố vô cùng tàn bạo. Trại giam được bố trí bằng hàng rào dây thép gai từng từng, lớp lớp dày đặc, ngày có xe đi tuần, đêm có lính và chó nghiệp vụ tuần tra, bóng điện sáng trưng, ở bốn góc có 4 pháo đài cao vút lính quân cảnh ngày đêm canh gác.

Cuộc sống vô cùng khổ sở và căng thẳng, chúng phát gạo ngày hai bữa cho anh em ta tự nấu. Chỉ có gạo mốc với một ít cá liệt, ươn, xương xẩu, muối và rau quả để lâu úng thối. Ngày chúng điểm danh 3 lần: sáng, trưa, chiều; Tối chúng vào điểm danh từng phòng, cấm tụ tập 3-4 người, vì sợ tù nhân bàn cách đấu tranh hoặc nghĩ phương kế vượt ngục.

Đó là chưa kể người của địch trà trộn vào tù nhân để nghe ngóng, theo dõi và chỉ điểm khiến nhiều đồng chí của ta bị địch bắt ra đánh đập, đày đi biệt giam hoặc thủ tiêu. Trước tình hình đó, tổ chức Đảng bộ nhà lao Phân khu B1 quyết định cảnh cáo tổ chức ngầm của địch, dằn mặt những phần tử tay sai làm nội gián cho địch.

Ông Phạm Đức Hòa thời quân ngũ (ảnh nhân vật cung cấp).
Ông Phạm Đức Hòa thời quân ngũ (ảnh nhân vật cung cấp).

Vào một buổi tối, khi chưa tới giờ quy định vào phòng, đồng Nguyễn Văn Hòa (tên trong hồ sơ khai với địch) đi bên cạnh tôi và trao đổi: “Tôi là người của tổ chức Đảng bộ nhà lao, ngoài đời là Trương Xuân Kiều, cán bộ an ninh hoạt động tại Thừa Thiên bị địch bắt năm 1966. Tổ chức quyết định giết một thằng mật vụ của địch cài vào trại làm nội gián. Nhiệm vụ này sẽ giao cho tổ gồm 3 người, trong đó có đồng chí. Đây là nhiệm vụ quan trọng, tổ chức tin tưởng giao phó, đồng chí suy nghĩ tối mai gặp lại trả lời”.

Đêm đó, tôi suy nghĩ đã làm người lính chiến đấu với kẻ thù bao năm ngoài mặt trận, với những trận đánh gay go ác liệt, có những trận cái chết chỉ trong gang tấc nên không sợ hy sinh. Trong cảnh lao tù, mình xác định đó chỉ là những ngày sống thêm nên sẵn sàng làm mọi việc, miễn là có ích cho tổ chức. Tối hôm sau, gặp đồng chí Hòa, tôi liền nói: “ Tôi nhận nhiệm vụ tổ chức giao phó”.

3 ngày sau, tổ 3 người làm nhiệm vụ gặp để phổ biến kế hoạch, gồm: Tổ trưởng Lại Xuân Thành (người huyện Duy Tiên - Hà Nam), Hoàng Ngọc Phượng (quê Vĩnh Phúc) và tôi Phạm Đức Hòa (tên trong hồ sơ địch là Phạm Đình Chính). Đối tượng phải thủ tiêu tên là Xuân, quê ở tỉnh Quãng Ngãi, là lính bảo an của ngụy đào ngũ, bị quân Mỹ đi càn quét bắt được và quy là Việt Cộng, rồi bắt giam chung trong trại tù với anh em ta. Hắn đã nhiều lần viết giấy ném ra báo với địch về các hoạt động của tổ chức của ta, chỉ điểm vị trí đào hầm.

Ông Phạm Đức Hòa vẽ lại sơ đồ Trại giam Phú Quốc. Ảnh Công Kiên.
Ông Phạm Đức Hòa vẽ lại sơ đồ Trại giam Phú Quốc. Ảnh Công Kiên.

Anh Thành đưa 2 chúng tôi đi nhận mặt tên Xuân ở phòng số 12 và chờ thời cơ hành động. Một lần, trại không có nước nấu cơm phải chờ xe tẹc chở tới nên phải ăn cơm muộn. Khi nhà bếp phát cơm thì trời đã nhá nhem, mọi người lên xuống lấy cơm ăn, nước uống đi lại rất lộn xộn. Nhân lúc ấy, đồng chí Thành rủ tên Xuân đi lấy nước, rồi dụ hắn tới một chỗ khuất và tối để tôi và đồng chí Phượng ra tay.

Xong việc, 3 anh em chúng tôi trở về phòng như không có gì xảy ra. Một lát sau, có người phát hiện thấy xác tên Xuân và báo cho bọn lính canh. Địch báo động lính quân cảnh tập trung bao vây quanh trại, bắc loa yêu cầu tù binh bỏ bữa cơm và trở về phòng của mình để điểm danh. Điểm danh không thấy thiếu ai, chúng hỏi: “Ai là thủ phạm ra tự nhận” nhưng không ai lên tiếng. Chúng điên cuồng hăm dọa rồi bắt cả trại ngày hôm sau ngồi phơi nắng và không cho nhận gạo nấu cơm.

Ông Phạm Đức Hòa (ngoài cùng, bên trái) và các đồng chí, đồng đội chụp ảnh lưu niệm trong một lần thăm lại Nhà tù Phú Quốc (ảnh nhân vật cung cấp).
Ông Phạm Đức Hòa (ngoài cùng, bên trái) và các đồng chí, đồng đội chụp ảnh lưu niệm trong một lần thăm lại Nhà tù Phú Quốc (ảnh nhân vật cung cấp).

Những ngày sau chúng lại bắt một số người để tra hỏi, đánh đập nhưng không ai khai báo gì, vài ngày sau sự việc trở lại bình thường. Sự việc này diễn ra vào tháng 10/1968, chính là lời cảnh tỉnh cho những kẻ hèn nhát, phản bội. Ngày 15 tháng 12 năm 1968, tổ chức Đảng ủy nhà lao Phân khu B1 Trại giam tù binh Phú Quốc làm lễ kết nạp cho tôi và đồng chí Hoàng Ngọc Phượng vào Đảng lao động Việt Nam. Lễ kết nạp diễn ra bí mật tại một góc sân vào lúc sẩm tối. Đồng chí Vương Đức Thuận, quê xã Nghi Thái (Nghi Lộc) - Bí thư chi bộ là người chủ trì, đồng chí Lại Xuân Thành - Chi ủy viên trực tiếp điều hành lễ kết nạp và giao nhiệm vụ cho 2 đảng viên mới.

Đã gần 50 năm trôi qua với bao biến động thăng trầm của cuộc sống nhưng tôi chưa bao giờ quên những năm tháng bị giam cầm ở nhà tù Phú Quốc. Nơi ấy tôi đã giữ vững tinh thần và khí tiết của người cộng sản, là nơi để tôi thử thách và vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng

Công Kiên

(Ghi theo lời kể của ông Phạm Đức Hòa, số nhà 02, đường Cao Lỗ, TP. Vinh).

TIN LIÊN QUAN

Tin mới