Chuyện người trẻ “đầu tàu” của bản Boong

(Baonghean) - Người có uy tín ở bản Boong (xã Lạng Khê, Con Cuông), ông Lô Văn Tần cho hay: “Từ xưa đến nay, người đứng đầu bản làng của người Thái thường phải là người có tuổi, uy tín, từng trải. Việc anh Lô Văn Hùng được bầu làm trưởng bản là việc góp phần thay đổi tập tục của bà con theo hướng tích cực”.

Tâm huyết, sức trẻ được phát huy

Sinh năm 1989, khi vừa tròn 27 tuổi, Lô Văn Hùng được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng bản. “Có bất ngờ, có háo hức, phấn khởi nhưng vẫn xen lẫn lo lắng bởi chưa có nhiều kinh nghiệm, không biết trẻ như vậy liệu có đảm nhiệm được nhiệm vụ cấp trên giao phó cũng như sự tín nhiệm của bà con hay không”, Hùng bộc bạch nhớ lại thời điểm cách đây 3 năm được bầu làm trưởng bản. Đó là một thử thách lớn của những người cán bộ ở cơ sở, nhưng với bản lĩnh của một người trẻ, Hùng đã và đang dần chứng minh sự lựa chọn, tin tưởng của người dân.

Trưởng bản Lô Văn Hùng (ngoài cùng, bên phải) cùng các hộ dân trong bản thăm cánh đồng mía sắp thu hoạch. Ảnh: Mỹ Nga
Trưởng bản Lô Văn Hùng (ngoài cùng, bên phải) cùng các hộ dân trong bản thăm đồng mía. Ảnh: Mỹ Nga

Bản Boong còn rất nhiều khó khăn, mặc dù tiềm năng đất đai rất lớn, nằm ngay cạnh dòng sông Lam, có lượng đất bồi phù sa trù phú. Nhưng trên những mảnh đất triền sông màu mỡ, bà con chỉ biết trồng ngô, lúa, chăn nuôi nhỏ lẻ nên cuộc sống rất chật vật. Vì vậy, người trưởng bản trẻ trăn trở phải làm sao để dân bản thoát nghèo.

Nắm bắt được chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu cho nhà máy mía đường, Trưởng bản Hùng xác định phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó mía chính là cây chủ lực, xóa đói giảm nghèo. Trưởng bản Lô Văn Hùng cùng những đảng viên khác trong chi bộ đưa giống về, vận động nhân dân làm theo. Vụ đầu tiên, gia đình Hùng trồng mía để gây dựng lòng tin cho nhân dân. Thấy cây mía phát triển tốt, nhiều gia đình đã tìm đến học hỏi và mua giống về trồng; cùng sự phối hợp của công ty mía đường, bà con yên tâm phát triển cây mía. Từ đầu năm 2017 đến nay, bà con khai hoang phục hóa được 12 ha đất sản xuất để trồng mía, 86/102 hộ đều có diện tích canh tác.

“Lúc đầu, bà con chưa quen làm mía nguyên liệu nên rất e dè. Chi bộ và bản xác định đây là cây xóa đói, giảm nghèo cho bản Boong nên quyết tâm làm vì đầu ra thuận lợi, trong khi tiềm năng có sẵn. Được người dân tin tưởng làm theo và thu được hiệu quả kinh tế khá, bản Boong đã ra quy ước chung phải phủ xanh đồng ruộng bằng cây mía”.

Trưởng bản Lô Văn Hùng

Bên cạnh xác định cây chủ lực, Trưởng bản Lô Văn Hùng đã cùng các đoàn thể trong bản tích cực tuyên truyền, vận động bà con tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi do bản, xã tổ chức. Để học hỏi thêm các kiến thức, anh Hùng đã đầu tư sách vở, lên mạng tìm hiểu các bảng tin, học hỏi kỹ thuật… áp dụng cho sản xuất của gia đình, vừa phổ biến thêm cho nhiều hộ dân trong bản. Anh cũng đưa các mô hình nuôi lợn, dê về bản để bà con học hỏi và áp dụng, qua đó, từng bước thay đổi tư duy của người dân về phát triển sản xuất.

Một góc bản Boong.
Một góc bản Boong, xã Lạng Khê (Con Cuông). Ảnh: Đào Tuấn

Trưởng bản Lô Văn Hùng bộc bạch: Bà con đa số là người dân tộc Thái, người dân trồng trọt, chăn nuôi theo hướng tự cung, tự cấp, không dám phát triển các mô hình vì sợ rủi ro. Là cán bộ bản, mình phải làm gương để bà con noi theo. Có thể hiệu quả bước đầu chưa cao, nhưng quan trọng nhất là bà con có sự thay đổi trong nhận thức, tự giác phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo”. Hiện nay, ngoài trồng mía, lúa, sắn, người dân trong bản Boong còn trồng 16 ha keo, trồng mét tăng thêm thu nhập. Nhờ thế, tỷ lệ hộ nghèo của bản giảm đáng kể, từ 38% năm 2016, xuống còn 25% cuối năm 2018.

Gương mẫu “mở đường” đi lên

Những con đường nội bản đã xuống cấp nghiêm trọng, bà con bản Boong “khát” đường bởi con đường gắn bó dài lâu với đời sống, vậy nên khi đưa ra chủ trương làm đường giao thông bà con đồng tình ủng hộ. Song vấn đề đặt ra: hệ thống đường phải làm hoàn toàn từ con số “không”, thì bà con khó có thể “tải” được khoản chi rất lớn đó. Những cuộc họp bản được tổ chức, Trưởng bản Lô Văn Hùng nói với bà con: Được hỗ trợ nhiều hay ít, ta vẫn phải làm, nên nếu ỷ lại thì biết đến bao giờ mới có đường mà đi. Tiền đóng một lúc nếu không “cáng” được thì mỗi năm đặt mục tiêu làm một đoạn, bà con đóng góp dần để chia nhỏ gánh nặng.

Đường nội bản được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Đào Tuấn
Đường nội bản được bê tông hóa khang trang, sạch, đẹp. Ảnh: Đào Tuấn

Thời gian đầu vận động, cuộc họp nào trưởng bản cùng các đảng viên, người có uy tín trong bản cũng tuyên truyền, cả những lúc cỗ bàn hay đến nhà nhau uống chén nước cũng tranh thủ. Ngoài việc khéo léo vận động, còn phải đảm bảo cả công bằng trong đóng góp. Hộ đã hiến đất làm đường thì mức đóng giảm đi, riêng hộ nghèo và khó khăn thì được miễn.

Chính vì công bằng, nên nhiều người sẵn sàng đóng góp cả kinh phí và công sức. Mọi công việc trong bản đều phải được bàn bạc công khai, minh bạch trước dân. Đây chính là yếu tố quyết định để người dân tin tưởng. Sắp tới, bản Boong tiếp tục cứng hóa các đường nội bản, nội đồng, phấn đấu đưa bản Boong về đích nông thôn mới vào năm 2020.

“Cùng với vai trò của các già làng, người uy tín thì có thể nói các đảng viên, cán bộ trẻ ở khu vực nông thôn đang thật sự trở thành những hạt nhân trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cũng như xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở... Thời gian tới, Huyện ủy giao cho các chi, đảng bộ cơ sở rà soát, kịp thời phát hiện những nhân tố trẻ, ưu tú để giao phó trọng trách cũng như thử thách, rèn giũa bản lĩnh”.

Bí thư Huyện ủy Con Cuông Nguyễn Đình Hùng

Việc người dân dần thay đổi tư duy, nhận thức, làm chủ cuộc sống của mình, tham gia xây dựng nông thôn mới đã chứng thực “sức mạnh lòng dân” và vai trò của những người trẻ “người vác tù và hàng tổng”, đến nay bản Boong đã đạt 11/15 tiêu chí bản nông thôn mới. Hơn 3 năm làm trưởng bản, anh được 102 hộ, 406 khẩu của bản dành nhiều lời khen ngợi và quan trọng hơn là đặt trọn niềm tin vì tác phong nhanh nhẹn, gần gũi, luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết.

Tin mới