Chuyện những 'lương y' Trường Sa giành lại sự sống cho dân

(Baonghean.vn) - Giữa Trường Sa ngàn trùng sóng gió, vượt lên những khó khăn về khí hậu khắc nghiệt và thiếu thốn trang thiết bị y tế, những bác sĩ ở Trường Sa đã cứu chữa đem lại sự sống cho hàng ngàn lượt cán bộ chiến sĩ trên các điểm đảo Trường Sa, DK1 và bà con ngư dân ra khai thác đánh bắt hải sản trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Giành lại sự sống cho ngư dân

Sau nhiều năm công tác ở bệnh xá đảo Trường Sa lớn với vai trò là bác sĩ chuyên khoa cấp 1, đại úy bác sĩ Trương Đức Cường không nhớ mình đã thức trắng bao đêm, bao lần mổ ruột thừa, bao lần cấp cứu cho cán bộ chiến sĩ bị bệnh đột ngột và ngư dân bị tai nạn lao động bất ngờ; song mỗi lần cứu thành công một ca tai nạn lao động, mổ thành công một ca đau ruột thừa cấp tính, anh lại tự hào, xúc động: “Nhiệm vụ của bác sĩ là cứu người bệnh. Ở Trường Sa thì không thể chậm chạp. Tất cả ngư dân đến với chúng tôi đều trong tình trạng khẩn cấp và cầu cứu nên phải bằng mọi cách giành lại sự sống cho họ. Phải làm hết trách nhiệm và thương yêu họ như người thân của mình”, đại úy Cường chia sẻ.

a
"Tất cả ngư dân đến với chúng tôi đều trong tình trạng khẩn cấp và cầu cứu nên phải bằng mọi cách giành lại sự sống cho họ".

Trong nhiều bệnh nhân được bệnh xá đảo Trường Sa lớn cấp cứu, điều trị bác sĩ Cường không bao giờ quên lần cấp cứu và điều trị cho ngư dân Phùng Bá Hưng, sinh năm 1978 quê ở Nghệ An hồi giữa  năm 2016.

Khi đó tàu cá của ngư dân Hưng khai thác đánh bắt hải sản trên vùng biển đảo Trường Sa được hơn 20 ngày thì anh Hưng bị điện giật. Khi đưa vào bệnh xá anh Hưng đã chết lâm sàng, toàn bộ thân người tím tái, không cử động, đồng tử giãn to, đầu chi tay, chân bầm tím.

Trước tình huống ấy, bác sĩ Cường đã nhanh chóng triển khai ca cấp cứu khẩn cấp, đưa bệnh nhân lên măng ca, vô trùng, tập trung thiết bị máy móc, nhanh chóng hội chẩn xác định: bệnh nhân bị điện giật, đuối nước, chấn thương sọ não, tràn dịch màng phổi, nguy cơ tử vong cao. “Lúc đó tất cả máy móc hiện đại như siêu âm, chụp X-quang được huy động. Chúng tôi vừa hội chẩn, vừa tiến hành truyền máu, truyền dịch nâng huyết áp, hồi sức tích cực với tinh thần "còn nước còn tát" chứ lúc đó bệnh nhân đã chết lâm sàng, hi vọng cứu sống chỉ 1/10. Ngày thứ nhất trôi qua, bệnh nhân vẫn chìm trong hôn mê sâu, vô cảm.

Các bác sĩ đảo Trường Sa lớn trong một ca phẫu thuật cho ngư dân. Ảnh: Hoàng Minh
Các bác sĩ đảo Trường Sa lớn trong một ca phẫu thuật cho ngư dân. Ảnh: Hoàng Minh

Trong thâm tâm tôi nghĩ bệnh nhân Hưng sẽ không qua khỏi, nhưng vẫn hi vọng và theo dõi nghiêm ngặt. Đến ngày thứ hai, tôi trào nước mắt khi thấy ngón tay của bệnh nhân động đậy. Tôi gọi thêm bác sĩ và y tá đến kiểm tra huyết áp. Tôi nghe nhịp xoang có dấu hiệu bắt đầu hồi phục. Lúc đó người nhà bệnh nhân khóc òa vì mừng vui khôn tả. Cuối ngày thứ hai thì bệnh nhân tỉnh và nhận biết được người thân. Lúc đó tôi chắc chắn bệnh nhân được cứu sống”, bác sĩ Cường hồi tưởng lại.

Trong khi cấp cứu cho bệnh nhân Hưng, bác sĩ Cường đã báo cáo Quân chủng Hải quân và xin điều máy bay DHC-6 của Lữ đoàn Không quân Hải quân 954 ra đưa bệnh nhân Hưng vào đất liền. Giữa đường băng của đảo Trường Sa, dưới cánh quạt của máy bay DHC-6, bác sĩ Cường cầm tay bệnh nhân Hưng bảo: “Anh sống rồi, chúng tôi đã làm hết sức mình. Bác sĩ Trường Sa luôn bên cạnh anh. Khi lành bệnh, thông báo cho tôi biết nhé”. Nằm trên cáng, bệnh nhân Hưng chưa nói được. Giọt nước mắt từ khóe mắt chảy dài xúc động thay lời cảm ơn các bác sĩ Trường Sa. “Đó là ca mà trong đời làm bác sĩ tôi xúc động nhất”, bác sĩ Cường chia sẻ.

Một ngư dân tai nạn lao động được đưa vào đảo Sinh Tồn cấp cứu.
Một ngư dân tai nạn lao động được đưa vào đảo Sinh Tồn cấp cứu. Ảnh: Khánh Thiện

Một ca cứu ngư dân thành công khác mà bác sĩ Cường cũng không thể nào quên. Đó là ngư dân Hoàng Ngọc Sơn 29 tuổi quê ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Bác sĩ Cường kể, hồi cuối năm 2016, bệnh xá Trường Sa tiếp nhận ngư dân Sơn trong tình trạng người nhũn oặt, mất cảm giác, bí tiểu. Người nhà bệnh nhân cho biết, ngư dân Sơn là ngư phủ cừ nhất của tàu khai thác hải sâm QNg 98091TS. Trước đó, ngư dân này lặn ở độ sâu 35m bắt hải sâm.

Khi ngoi lên mặt nước đã trướng bụng, ngất xỉu nên đưa vào đảo cầu cứu. Sau khi hội chẩn, xác định, ngư dân Sơn bị liệt nửa người, vô cảm, không phản ứng tê bại tứ chi, bác sĩ Cường cùng kíp trực đã khẩn cấp vô trùng, đưa vào buồng giảm áp. Sau thời gian điều trị, ngư dân Sơn đã tỉnh lại và bắt đầu tập đi từng bước một. “Với những trường hợp ngư dân bị tê liệt, bí tiểu do lặn sâu dưới biển, chúng tôi phải nhanh chóng đưa vào buồng giảm áp, thông tiểu, nếu không khẩn cấp cấp cứu, bệnh nhân sẽ vỡ bàng quang dẫn đến tử vong hoặc di chứng suốt đời. Bất kể trường hợp nào, bằng mọi cách cũng phải cứu bệnh nhân”, bác sĩ Cường chia sẻ.

Mệnh lệnh không lời

Bác sĩ Cường lật dở cuốn nhật ký cứu chữa quân, dân gặp nạn ở quần đảo Trường Sa. Dừng lại dòng mực đỏ ghi đậm “Chiến sĩ Vũ Duy Phương - vỡ tụy, chấn thương, chảy máu ổ bụng”, Bác sĩ Cường bảo, có rất nhiều tình huống bất  ngờ xảy ra mọi lúc mọi nơi. Khi hải trình trên biển, trong điều kiện sóng to gió lớn, nếu quân nhân không may bị tai nạn thì bác sĩ là người đầu tiên chịu trách nhiệm cứu chữa, đem lại nguồn sống cho bệnh nhân. “Đó là nhiệm vụ bất di bất dịch, là mệnh lệnh không lời, thầy thuốc nào cũng phải ghi nhớ”, anh Cường nói.

Xuồng CQ sẵn sàng cấp cứu ngư dân khi gặp nạn trên biển. Ảnh: Mai Thắng
Xuồng CQ sẵn sàng cấp cứu ngư dân khi gặp nạn trên biển. Ảnh: Mai Thắng

Anh Cường kể, chiến sĩ Vũ Duy Phương và bác sĩ An Quang Vũ trên một chuyến tàu hành trình từ Vùng 4 hải quân đi Trường Sa lớn nhận nhiệm vụ. Trong quá trình hành quân, chiến sĩ Phương trượt chân ngã trên boong tàu bị chấn thương, chảy máu ổ bụng. Ngay sau khi tàu cập cảng Trường Sa, Phương được đưa thẳng đến bệnh xá của đảo mổ cấp cứu.

Qua siêu âm thấy ổ bụng bệnh nhân Phương máu lưu tràn lẫn ruột và thiếu máu. Biết chiến sĩ Phương trùng nhóm máu O với mình, không ngần ngừ, bác sĩ Vũ đã tự nguyện hiến máu cho Phương. Tỉnh dậy sau hơn 3 giờ phẫu thuật, hồi sức, khi biết bác sĩ Vũ hiến máu cứu mình, Phương xúc động bật khóc. Còn bác sĩ Vũ nắm bàn tay đồng đội động viên “chú khỏe là anh mừng rồi”. Chia sẻ về chuyện tiếp máu cho đồng đội, bác sĩ Vũ khiêm tốn: “Đừng nghĩ cho máu là chuyện gì ghê gớm. Là bác sĩ, không thể đứng nhìn đồng đội thiếu máu mà không tiếp. Ở cương vị tôi, ai cũng có thể làm được điều đó thôi anh”...

Bệnh xá đảo Trường Sa lớn ngoài khám, cứu chữa bệnh cho cán bộ chiến sĩ 21 đảo/33 điểm đóng quân thuộc quần đảo Trường Sa, 15 Nhà giàn DK1, còn là điểm tựa sức khỏe cho bà con ngư dân ra khai thác đánh bắt xa bờ.  Năm 2019 và đầu năm 2020, bệnh xá đã cấp cứu, điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân, trong đó 3/4 bệnh nhân thuộc bà con ngư dân bị tai nạn lao động. “Hiện nay, đảo đã được trang bị mua sắm nhiều thiết bị y tế hiện đại như buồng giảm áp, có hệ thống chẩn đoán y khoa hiện đại cho quân dân ở 9 đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa.

Tin mới