Chuyện những người khai phá đầm lầy xứ Đồng Văn

(Baonghean) - Trên chiếc Dream lăn bánh êm ru chạy dọc theo con đường làng khang trang, thẳng tắp, anh Hồ Trung Kiên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Quỳnh Diễn không khỏi tự hào khi thấy ánh mắt ngạc nhiên của chúng tôi trước sự thay da đổi thịt của xóm Đồng Văn sau nhiều năm trở lại.

Gây dựng làng nghề trên vùng độc canh cây lúa

Không còn những thửa ruộng sình lầy, những ao chuôm ngập mặn, xóm Đồng Văn (Quỳnh Diễn, Quỳnh Lưu) giờ đây đã được phủ xanh của các gia trại. Vui hơn khi từ vùng độc canh cây lúa, bà con nơi đây đã mạnh dạn đưa nghề mây tre đan về làng để gây dựng một hướng làm ăn mới vững vàng, hưng thịnh. 

Chỉ 6,7 năm trước, con đường nối từ đầu làng xuống hói Vĩnh Lộc chỉ như sống lươn chạy ngoằn nghèo với cơ đường rộng chưa đầy 2,8m. Vào ngày mùa, chỉ cần một chuyến xe trâu chở lúa hoặc rơm rạ lưu thông trên đường là giao thông ngắc ngứ.

Vậy mà giờ mọi thứ đã khác.

Từ khi có chủ trương xây dựng Nông thôn mới, bà con đã tự nguyện góp tiền, góp sức và hiến đất với con số bình quân mỗi hộ từ 40 - 50m2 để xây dựng đường làng to rộng như bây giờ. Đường rộng thênh thênh gần 4m đủ để chào đón những chiếc xe trọng tải lớn nối đuôi nhau về mang hàng nghìn sản phẩm mây tre đan của bà con đi tiêu thụ.

Niềm vui lao động của bà con làng nghề Đồng Văn. Ảnh: Thanh Quỳnh
Niềm vui lao động của bà con làng nghề Đồng Văn. Ảnh: Thanh Quỳnh
Chuyện làm nghề ở Đồng Văn khởi thủy từ những cơ duyên không ai ngờ tới, khi vùng độc canh cây lúa lại đổi đời từ nghề phi nông nghiệp. Để hiểu hơn về làng nghề của xóm, ông Chủ tịch Hội Nông dân xã đưa chúng tôi tiến vào khoảng sân rộng trước dãy nhà 5 gian được trang bị nhiều máy móc và các nguyên liệu từ mây và tre. Ông Kiên cho biết, đây là nhà xưởng chuyên xuất nhập hàng và đào tạo tay nghề cho lao động trong xóm.  

Trong không gian nhộn nhịp ấy, có gần chục chị em đang hối hả hoàn thiện nốt những công đoạn cuối cùng của sản phẩm để kịp giờ nhập hàng cho công ty. Thấy chúng tôi đến mang theo máy ảnh, máy quay, các chị em liền hò nhau kéo tay một người phụ nữ trạc gần 40 ra sân: “Các anh chị nếu có quay phim chụp ảnh thì nhớ quay cho ả Luân với nha, trước là hộ nghèo, chồng mất sớm, một tay nuôi 3 đứa con thơ dại mà nhờ nghề đan nên thoát nghèo rồi đó. Thu nhập của ả Luân nay đã có tháng hơn 5 triệu!”.

Trước những tiếng cười giòn giã của chị em, ông Chủ tịch Hội Nông dân chia sẻ thêm với chúng tôi, rằng làng nghề là nơi “cứu cánh” cho nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn trong xóm vực dậy trong cuộc sống. Ngoài chị Luân còn có nhiều người như chị Nguyễn Thị Ngọc, Nguyễn Thị Họa cũng thoát được cảnh đói nghèo. Ngay như bà Trần Thị Lài, người đang đảm nhận vị trí Trưởng Ban Quản lý làng nghề cũng đã từng lâm vào hoàn cảnh khó khăn như thế, nhưng rồi chính bà đã tìm được hướng thoát nghèo từ nghề rồi tiên phong đào tạo nhiều thế hệ sau.

bà lài
Bà Trần Thị Lài là một trong những người tiên phong xây dựng Đồng Văn thành làng nghề mây tre đan mỹ nghệ, tạo việc làm cho hơn 300 lao động trên địa bàn xã Quỳnh Diễn (Quỳnh Lưu). Ảnh: Thanh Quỳnh

Theo lời chỉ dẫn của ông Kiên, chúng tôi được gặp người phụ nữ đặc biệt ấy khi bà đang cẩn thận kiểm tra từng sản phẩm của chị em mang đến. Bà Lài nhớ lại quãng thời gian vào khoảng năm 2002, thời điểm đó cụ Trần Quốc Ân, người xã Quỳnh Long đang làm việc cho Công ty Mây, tre đan Phương Anh đã đến làng để tìm nhân công làm các sản phẩm mây tre đan mỹ nghệ.


Hồi ấy, cuộc sống của gia đình bà Lài đang gặp nhiều sóng gió khi chồng đột ngột ra đi, để lại cho bà 4 người con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Chưa vượt qua cú sốc tâm lý thì bà buộc phải đối diện với những áp lực kinh tế khi thu nhập chính trong nhà chỉ gói gọn từ  6 sào ruộng.  Vậy nên, lúc ông Ân đặt vấn đề sẽ dạy nghề mây tre đan cho các chị em rồi đứng ra bao tiêu sản phẩm, ngay lập tức bà đăng ký tham gia. Cùng với bà, còn có khoảng 30 chị em khác đến học nghề rồi lập tổ hợp tác làm việc.

Với hoa tay trời phú, lại chịu khó, chăm chỉ, bà Lài đã dần trở thành học viên xuất sắc trong số những người được cụ Ân truyền nghề. Từ đó bà được giao trọng trách đào tạo thêm cho các chị em trong xóm. Vì xóm chưa có dãy nhà xưởng khang trang, rộng rãi như bây giờ nên bà Lài đành phải mở lớp dạy nghề ngay tại nhà mình. Thời gian đầu, việc làm nghề đều tiến hành hoàn toàn bằng thủ công, từ bóc, chẻ, vót nan đều không có máy móc nào hỗ trợ. Để cho ra một sản phẩm hoàn thiện, có khi các đầu ngón tay chai sạn, ứa máu. “Cứ nghĩ chỉ nghề nông mới vất vả nhưng nghề cũng có cái khổ riêng. Nghề mây tre đan cũng vậy thôi, quan trọng là sản phẩm mình làm ra được bao tiêu hết nên an tâm. Thời điểm đó, công ty Mây, tre đan Phương Anh bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho cả tổ hợp tác làm việc. Chị em mỗi tháng có thêm từ 1 - 1,5 triệu đồng để tạo thêm thu nhập cho gia đình. Hồi ấy 1 triệu là lớn lắm rồi”, bà Lài chia sẻ.  

mtd
Tay nghề của các chị em ngày càng được nâng cao, hoàn thiện. Ảnh: Thanh Quỳnh

Cứ thế trong 3 năm tiếp theo, tay nghề của các chị em ngày càng vững, sản phẩm làm ra càng hoàn thiện. Cho đến năm 2005 thì tổ hợp tác sản xuất mây tre được cấp Bằng công nhận làng nghề. Đó là một niềm vui lớn đối với xóm Đồng Văn. Để mở rộng đầu ra cho sản phẩm, bà Lài trực tiếp liên hệ và đặt vấn đề nhập hàng cho công ty các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ mô hình sản xuất nhỏ, đến nay tổ hợp mây tre đan do bà Lài làm chủ nhiệm đã có số lao động trên 300 người, của 190/323 hộ trong xóm, thu nhập bình quân 3 - 4 triệu đồng/người/ tháng. Mỗi năm, làng nghề mây tre đan Đồng Văn xuất ra thị trường trên dưới 500 nghìn sản phẩm, mang lại tổng thu nhập lên tới hơn 4 tỷ đồng. 

Khai phá đầm lầy

Ngoài việc phát triển nghề mây tre đan, bà con làng nghề Đồng Văn còn đi đầu trong công cuộc cải tạo nhiều vùng đất kém hiệu quả. Ông Nguyễn Ngọc Lạn - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Diễn dẫn chúng tôi đến với con hói Vĩnh Lộc. Nơi đây đã từng được coi là “vùng đất chết”, đất đai sình lầy, có nhiều nơi nhiễm mặn khiến cho hiệu quả sản xuất vô cùng thấp. Chỉ đến năm 2006, chính quyền xã cùng bà con quyết tâm cải tạo vùng đất này để nuôi trồng thủy sản và gia cầm như vịt, ngan, ngỗng.

mtd
Từ vùng đất sình lầy, hói Vĩnh Lộc nay đã khoác lên mình màu xanh của các gia trại. Ảnh: Thanh Quỳnh
Một trong những lão nông xốc vác, tiên phong trong công cuộc khai phá vùng đất ấy là ông Hồ Văn Tâm (sinh năm 1970). Ông Tâm có 8 sào ruộng thì mất 4 sào sình lầy không canh tác được, còn lại 4 sào thì chỉ canh tác được 1 vụ trong năm. Khi xã có chủ trương, ông đã tiến hành biến diện tích này thành ao nuôi vịt. Từ vùng lầy hoang dại, nhiều rắn rết, chuột bọ sinh sống, trong gần 1 năm đầu, gia đình ông phải đầu tư nhiều công sức mồ hôi, tiền của để cải tạo. Công cuộc nạo vét bùn lầy, khoanh vùng, đắp đê bao rồi cải thiện nguồn nước rồi đưa vịt về nuôi kể sao cho hết vất vả. Lúc đó vợ chồng chỉ biết động viên nhau để cố gắng làm, tiết kiệm được đồng tiền công nào thì hay đồng đó.

Rồi đất không phụ công người, vợ chồng ông Tâm đã khoác lên mảnh đất này diện mạo mới khi có hệ thống chuồng trại, ao nuôi và kho dự trữ thức ăn cho vịt quy củ, khang trang. Không chỉ có ông Tâm, hiện đã có hơn 10 hộ trong làng quyết tâm khai phá vùng hói sình lầy để mở rộng các gia trại, trang trại. Thu nhập mỗi năm lên tới hàng trăm triệu đồng.

Ông Lạn không giấu được niềm tự hào khi chia sẻ với chúng tôi: “Nếu như chục năm về trước, tổng hộ nghèo của xóm có lúc lên tới trên 20% thì nay toàn xóm chỉ còn 5 hộ, chiếm chưa tới 1,5%. Thu nhập đầu người cũng được nâng lên gần 40 triệu đồng/người/năm.

mtd
Ông Hồ Văn Tâm là một trong những giáo dân sống tốt đời đẹp đạo, tiên phong làm kinh tế của xóm Đồng Văn. Ảnh: Thanh Quỳnh
Đặc biệt hơn, trong xóm Đồng Văn có 15 hộ là bà con giáo dân luôn giữ vững mối quan hệ đoàn kết lương giáo. Bà con giáo dân luôn chấp hành tốt mọi chủ trương của chính quyền địa phương, tích cực phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Đồng thời thấm nhuần đường hướng sống “tốt đời, đẹp đạo”, “kính Chúa yêu Nước” và trở thành điển hình trong phong trào làm ăn kinh tế của địa phương. Ví như, hộ gia đình ông Hồ Văn Tâm cũng là hộ gia đình giáo dân nhưng luôn gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào, chủ trương, chính sách của xã, huyện.

Với sự cần cù, sáng tạo, chịu thương, chịu khó, bà con Đồng Văn đã chinh phục được thiên nhiên, chinh phục được những vùng đất không mấy thuận lợi để phát triển sản xuất, gây dựng cuộc sống no đủ, hạnh phúc!”./.

Tin mới