Chuyện những phu lò ngói

(Baonghean) - Trong cái nắng đầu hè khắc nghiệt, giữa những tầng khói bụi mịt mù, những người phu lò ngói vẫn cặm cụi bốc từng viên ngói đổi lấy từng đồng nuôi cả gia đình.

Thân phận phu ngói

7 giờ sáng, chúng tôi theo chân những người thợ làm việc ở một lò ngói nằm ở gần một khu dân cư tại xã Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ) – nơi được mệnh danh là “thủ phủ gạch ngói” của huyện. Trong bầu không khí khen khét mùi củi cháy và đặc bụi mỗi lần có xe ngói chạy qua, khoảng 10 người thợ mà trong đó không ít người là phụ nữ đã bắt đầu công việc từ sớm để tránh cái nắng đầu hè khắc nghiệt của miền đất gió Lào.

Nào người thì đẩy xe, tốp 3, 4 người lại xếp thành hàng nhịp nhàng chuyển từng chồng ngói nặng gần chục cân vào cổng lò rộng chưa đầy nửa mét… 

Chuyển, xếp ngói vào lò.
Chuyển, xếp ngói vào lò. Ảnh: Chu Thanh

Dưới mái tranh tạm bợ bên cạnh lò ngói, chị Thoa (27 tuổi) ở xóm Lâm Xuân, xã Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ), tay chân không ngớt trộn than vừa kể cho chúng tôi về các nghề phu lò ngói mà chị đã theo làm từ khi còn nhỏ. Như mọi đứa trẻ sinh ra ở nông thôn, cứ hè đến, chị Thoa bắt đầu theo cha mẹ, anh chị “đi lò” từ khi học lớp 9.

Chị cười bảo: “Cái thời ấy cả làng, cả xóm nhà nhà người người đều đi lò như một phong trào. Có gia đình cả nhà từ ông bà đến cháu đều đi lò. Mà những người đi lò ngói được chia làm nhiều loại. Có người chuyên đẩy ngói (vận chuyển ngói vào lò, trộn than, phơi ngói…); người lại chuyên vô lò (xếp ngói vào lò); chuyên hỏa lò (nung ngói); ra lò (vận chuyển ngói ra khỏi lò sau khi ngói chín) hay bốc ngói lên xe.

Mỗi người đều phụ trách một việc riêng bởi có những công đoạn không phải ai cũng có thể làm được”.

Thời đó, những đứa trẻ làm ngói ở đây chủ yếu trộn than, vác ngói chuyển vào lò còn những công việc khó hơn thường dành cho người lớn. Có đứa bạn chị có lẽ vì vác nhiều gạch nặng nên lớn lên chỉ “phát triển bề ngang nhưng thu hẹp bề dọc”. Tuy nhiên, sau này chính quyền vào cuộc kiểm tra gắt gao thì các chủ lò không còn nhận trẻ em vào làm việc.

"Không biết làm gì thì phải làm phu ngói thôi"

Những người thợ ở đây cho biết, từ ra Giêng, các lò ngói bắt đầu hoạt động. Các phu lò ở đây phần lớn là người trong xã nhưng cũng không có ít thợ đến từ các huyện Diễn Châu, Nghĩa Đàn và tỉnh Thanh Hóa… Những người ở xa thường được chủ lò bố trí ăn ở, sinh hoạt trong những gian nhà cấp bốn tạm bợ xây dựng ở gần lò, gần các công xưởng đóng ngói.

Gọi là công xưởng cho oai nhưng thực chất đó chỉ là mấy cột bê tông dựng lên trên nền đất rộng tầm vài trăm mét vuông, phía trên lợp mấy tấm nhựa trong, mấy tấm liếp.

Trong cái mùi hăng hắc của dầu hỏa, tiếng ầm ầm của máy dập ngói, một tốp khoảng 5, 6 người đang đóng ngói thoăn thoắt. Phần lớn thời gian mọi người đều yên lặng làm việc bởi muốn nói chuyện với nhau trong không gian này, người đối diện chỉ có cách hét lên, căng tai ra mới có thể nghe rõ lời của nhau nói. Nghỉ tay sau nhiều tiếng làm việc liên tục, anh Thái Văn Hùng ở huyện Diễn Châu, thợ đóng gạch mới kể: “Bọn anh đóng gạch từ lúc 3 giờ sáng cho đến tận giờ".

Điện đóm ở quê yếu lắm mà lại có nhiều lò chạy nên phải tranh thủ làm được lúc nào hay lúc đó. Với những người như bọn anh, đêm thức trắng làm rồi ngày ngủ bù là chuyện bình thường.” Mỗi ngày, thợ gạch như anh Hùng đóng phải lên đến hàng chục nghìn viên gạch. Những viên đất sét được chia làm từng phần bằng nhau rồi đưa vào máy dập trước khi đem đi phơi trong các tấm liếp đặt ở nhà xưởng. Tùy vào thời tiết, nhưng thông thường tầm 4-5 ngày ngói sẽ khô trắng rồi mới tiếp tục đưa vào lò xông rồi hỏa. 

Trước khi quay lại việc đóng gạch, anh Hùng chỉ về những người đang vào lò cho biết, tùy vào lò ngói to hay nhỏ mà chủ lò thuê số lượng nhân công khác nhau. Thông thường lò nhỏ sẽ có 13 người trong đó có 3 người làm công việc “vào lò”, 10 người làm công việc “đẩy ngói”; lò to thì con số ngày là 15 (3 người vào lò, 12 người đẩy ngói). 

Những công việc như vào lò, hỏa lò chủ yếu dành cho cánh đàn ông. Còn việc đẩy ngói, ra lò, xếp gạch lên xe dành cho các bà, các chị. Mà thực ra công việc này cũng không phải dành cho phái yếu khi trọng lượng mỗi viên ngói chưa nung khoảng 2 kg. Tính trung bình, mỗi người vận chuyển từ tầm 5-6 tấn ngói/ngày và nhận được từ 180.000 - 250.000 đồng tiền công.

Phơi ngói sau khi đóng xong.
Phơi ngói sau khi đóng xong. Ảnh: Chu Thanh

Nghỉ tay ăn nhẹ sau khi vừa dỡ ngói ra khỏi lò, chị Thủy, một phu lò cho biết, số năm chị đi lò cũng đúng bằng số tuổi con gái đầu năm nay học lớp 9. Không thể vào lò, chị chọn công việc ra lò, công việc được trả lương khá cao bởi chị đang phải nuôi 5 đứa con ăn học. Cứ 1.000 viên ngói, chị được trả 100.000 đồng. Thông thường, mỗi ngày chị cùng 5 người nữa dỡ được hơn 20.000 viên ngói, tính ra mỗi người được tầm 350.000 đồng/ngày.

Đứng dưới lò ngói chín một lúc, chúng tôi ai nấy đều cảm thấy khó thở phần vì bụi, phần vì thiếu oxy nhưng các chị dỡ ngói trong lò như chị Thủy vẫn làm việc bình thường. Chị Thủy chia sẻ: “Biết là độc hại do khói, bụi còn lại sau quá trình nung nhưng nhà chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng thì biết lấy tiền đâu nuôi 5 đứa con ăn học”.

Phần lớn những phu lò làm việc ở đây đều là bà con nông dân ở trong xã. Dù vất vả nhưng nó mang lại nguồn thu nhập không nhỏ bên cạnh việc làm nông của bà con. Có người còn bỏ hẳn nghề nông để đi làm phu lò. Tính sơ sơ, mỗi tháng, làm phu lò đem lại nguồn thu trung bình thấp nhất là 4 - 5 triệu đồng cho bà con nông dân. 

Chu Thanh

TIN LIÊN QUAN

Tin mới