Chuyện ở điểm nóng “dịch AIDS” vùng cao Nghệ An

(Baonghean) - Tình trạng bệnh nhân bỏ điều trị; hoạt động tư vấn, xét nghiệm giảm; tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp...Đó là những khó khăn nơi vùng “điểm nóng” của dịch AIDS Quế Phong.

Nhiều người bỏ điều trị

Tại Trung tâm Y tế huyện Quế Phong, chị L.T.H tay xách nách mang đến khám và nhận thuốc ARV. H trắng trẻo, xinh xắn, nếu gặp ở một nơi nào khác sẽ không ai nghĩ chị là bệnh nhân HIV.

Chị H chua chát kể chuyện đời: “Nhà chị ở xã Tiền Phong (địa phương có nhiều bệnh nhân nhất huyện). Chồng đã mất vì AIDS. Điều may mắn là đứa con trai 7 tuổi không bị. Sống không nổi ở quê, chị gửi con cho bà nội, ra Hà Nội kiếm sống. 1-2 tháng, chị lại về lấy thuốc điều trị một lần. Thời gian gần đây, chị không thể về lấy thuốc đúng định kỳ vì một phần công việc khó khăn; một phần nữa, chị vừa gặp và sống như vợ chồng với một người khác. Nếu về nhiều sợ anh ấy biết mình mắc bệnh”. Hỏi chuyện: Anh chị quan hệ tình dục có sử dụng biện pháp bảo vệ không? - chị L.T.H buồn buồn lắc đầu...

Khám, tư vấn, cấp thuốc cho bệnh nhân HIV ở Trung tâm y tế Quế Phong. Ảnh: Đức Anh
Khám, tư vấn, cấp thuốc cho bệnh nhân HIV ở Trung tâm y tế Quế Phong. Ảnh: Đức Anh

Ở huyện Quế Phong, không riêng gì chị L.T. H phải bỏ trị ARV một cách đều đặn do đi làm ăn xa. Vì kế mưu sinh, đã có rất nhiều người “phiêu dạt” và buộc phải quên đi mình đang mắc bệnh. Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện: Kể từ ca bệnh HIV đầu tiên được phát hiện vào tháng 11/1999, đến nay tổng số lũy kế người mắc ở huyện lên đến 1.907 người. 794 người đã tử vong. Trong số 1.113 bệnh nhân còn sống thì có 167 bệnh nhân đi làm ăn xa và chuyển đi nơi khác.

Những người đi làm ăn xa và chuyển đi nơi khác đã không thể về địa phương nhận thuốc thường xuyên nên dần dần bỏ điều trị... Trung tâm y tế huyện không thể biết, tại nơi ở mới, những bệnh nhân này có đăng ký điều trị ARV hay không? Và rất có thể những người này lại trở thành nguồn lây mới.

Ở Quế Phong, không chỉ riêng những người đi làm ăn xa mới bỏ trị. Hiện có tới 66 bệnh nhân đang có mặt tại địa phương nhưng lại không đến Trung tâm Y tế nhận thuốc một cách thường xuyên hoặc không tham gia điều trị.

Bà H.T.L, 70 tuổi, ở xã Châu Kim (bà nội của cháu M, 5 tuổi - bệnh nhân HIV) kể: Bố mẹ cháu đều mất vì AIDS, để lại cháu cho ông bà nuôi. Bây giờ, ông bà nội đều đã già yếu lắm rồi, nên mỗi lần đi lấy thuốc cho cháu là một lần khó. Ở tuổi già chỉ trông mong vào con cháu, nhìn vào con cháu để tìm thấy niềm vui. Nhưng giờ nhìn cháu M thì buồn lắm...không biết cháu còn sống được mấy ngày, mấy tháng nữa.

Anh L.V.D, ở xã Đồng Văn mới ngoài 30 tuổi nhưng đã như người đã qua dốc phía bên kia cuộc đời. L.V.D nằm vật trên sàn nhà bằng phên liếp rách nát, phơi làn da đen sạm và cơ thể ốm nhách chỉ bộ xương rồi thở dốc: “Tôi không nghiện nhưng 6 năm trước có đi uống rượu với đám bạn. Say rượu, bạn khích bác, rủ rê chích heroin cho “phê”. Sĩ diện lên nên cuối cùng nhiễm bệnh. Bây giờ, sức khỏe yếu không làm được gì. Nhà cửa, con cái giờ 1 tay vợ lo liệu. Muốn ra huyện nhận thuốc thì không có xe máy, không có tiền. Trước đây, chương trình dự án có hỗ trợ cho tiền xe, bây giờ thì không còn...thôi thì sống được ngày nào thì sống”.

Với những bệnh nhân HIV/AIDS bỏ điều trị ARV ở Quế Phong, mỗi người đều có một lý do “chính đáng”, đó là: Khoảng cách từ nhà của người nhiễm, người nguy cơ cao đến những cơ sở điều trị lại rất xa. Hoàn cảnh các bệnh nhân đều khó khăn về kinh tế, thiếu phương tiện đi lại nên họ dần bỏ điều trị. Và cũng do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, rất nhiều người nhiễm đã ly hương làm ăn xa, không có mặt tại địa phương để nhận dịch vụ chăm sóc.

Nhưng theo ông Sầm Văn Lâm - Thư ký Chương trình phòng chống HIV/AIDS huyện Quế Phong: Lý do bỏ điều trị thực sự thế nào thì có lẽ chính bản thân họ mới rõ. Nhiều người ngụy biện sức khỏe yếu, không có thời gian, thiếu phương tiện nhưng có đưa thuốc về tận trạm y tế xã thì họ vẫn không ra lấy; đến tuyên truyền cũng trốn, không gặp. Ví dụ như chương trình Methadone đã có 2 điểm cấp thuốc vệ tinh ở Châu Thôn và Đồng Văn hay Chương trình bơm kim tiêm và bao cao su được triển khai khắp 14/14 xã, thị trấn song người nhiễm - người bệnh vẫn không đến lấy, sử dụng.

Nguy cơ tăng cao người nhiễm mới 

Bên cạnh tình trạng bỏ điều trị, công tác phòng chống HIV/AIDS ở Quế Phong hiện còn gặp nhiều khó khăn khác. Số người nhiễm được thống kê mới chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm” bởi lẽ không phải tất cả những người thuộc diện nghi vấn đều đến cơ sở y tế để xét nghiệm và lấy thuốc điều trị. Đây là những đối tượng ở khu vực vùng sâu vùng xa, ngại bộc lộ tình trạng bệnh của mình.

Tiếp cận tuyên truyền phòng chống HIV-AIDS cho đối tượng nguy cơ cao ở vùng sâu vùng xa. Ảnh: Tư liệu
Tiếp cận tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS cho đối tượng nguy cơ cao ở vùng sâu vùng xa. Ảnh tư liệu

Hàng năm, thông qua hoạt động tư vấn và xét nghiệm, “phần chìm” của tảng băng không ngừng phát lộ: Năm 2015, Quế Phong thực hiện tư vấn và làm xét nghiệm HIV cho 2.163 ca, trong đó có 242 ca dương tính. Năm 2016, làm xét nghiệm cho 2.182 ca, có 382 ca dương tính. Năm 2017, làm xét nghiệm cho 1.550 ca, có 189 ca dương tính. Từ tháng 1-31/10/2018, làm xét nghiệm 1.049 ca, trong đó có 106 ca dương tính.

Những con số nói trên còn cho thấy một thực trạng khác, đó là công tác tư vấn và xét nghiệm giảm. Lý do là các chương trình dự án hỗ trợ phòng chống HIV/AIDS trên rút đi; kinh phí dành cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho giảm dẫn đến các hoạt động xét nghiệm HIV chưa rộng, độ bao phủ của truyền thông cũng giảm. Hiện nay, ở Quế Phong chỉ còn duy nhất dự án Quỹ Toàn cầu hỗ trợ trực tiếp chi phí xét nghiệm lưu động, xét nghiệm cho phụ nữ mang thai, xét nghiệm tải lượng vi rút cho người bệnh....

Việc xét nghiệm phát hiện HIV ngày càng khó, tỷ lệ dương tính thấp còn do kinh phí chi trả cho đối tượng chuyên trách và cộng tác viên phòng chống HIV/AIDS từ 3 năm nay không còn. Không có kinh phí, đã có trên 10 nhân viên y tế thôn bản ở các xã trọng điểm như Tiền Phong, Quế Sơn, Mường Nọc nghỉ việc, chuyển việc. Và chất lượng hoạt động phòng chống HIV/AIDS ở cơ sở cũng giảm đi.

Trong khi đó chế độ dành cho những người này theo Chương trình mục tiêu y tế - dân số lại phê duyệt chậm khiến việc tái lập, thiết lập mạng lưới nhân viên tiếp cận khó khăn, chưa sẵn sàng đi vào hoạt động.

Ngoài những khó khăn trên, phải nói rằng tình trạng buôn bán, sử dụng ma túy ở trên địa bàn Quế Phong vẫn diễn ra phức tạp. Trong số 508 người nghiện có hồ sơ quản lý tại huyện, chỉ có 78 người tham gia điều trị Methadone. Lý do người điều trị ít và giảm là do một số bệnh nhân sau khi uống Methadone xong lại về nhà lén lút sử dụng ma túy; một phần ít hồi phục sức khỏe nên viết đơn xin ra khỏi chương trình và đi nơi khác làm việc.

Ông Sầm Văn Lâm cảnh báo: Quế Phong hiện vẫn cuồn cuộn “sóng ngầm” nguy cơ gia tăng người nhiễm mới. Khi đường lây qua tiêm chích được kiềm chế thì nổi lên đường lây qua quan hệ tình dục. Tình trạng sử dụng ma túy đá rồi quan hệ tình dục bừa bãi không sử dụng bao cao su khá đáng báo động.

Để “điểm nóng” Quế Phong thực hiện tốt hơn công tác phòng chống HIV/AIDS, ông Lê Quang Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Quế Phong đề nghị: Sở Y tế Nghệ An và các cơ quan chức năng tuyến tỉnh sớm có sự chỉ đạo, giúp đỡ tuyến huyện trước khi tiếp nhận công tác phòng chống HIV/AIDS từ các chương trình dự án đã ngừng tài trợ giao lại cho địa phương. Tỉnh xem xét việc hỗ trợ thêm phụ cấp cho đội ngũ công tác viên tham gia phòng chống HIV/AIDS là các y tế thôn bản. Ngoài việc hỗ trợ thêm kinh phí để tổ chức các đợt truyền thông, xét nghiệm lưu động và điều trị miễn phí tại các bản làng vùng sâu, vùng xa, tuyến tỉnh tăng cường thêm cán bộ về giúp đỡ cơ sở./.

Tin mới