Trao đổi:

Chuyện quanh 'tuổi nghỉ hưu'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Thực tế ở nước ta, phần lớn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cứ mong “cán mốc”, đến tuổi là vui vẻ về nghỉ theo chế độ. Nhưng cũng có một bộ phận cứ muốn mình trẻ mãi, họ “sẵn sàng cống hiến” cho đến khi cận kề “về với tổ tiên”.
Điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo luật mới.
Điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo luật mới.

Thông thường, ở mỗi con người, mỗi giai đoạn có những đặc điểm, những mặt lợi thế và hạn chế riêng: Tuổi thanh xuân có sức khỏe, ăn không biết no, làm không biết mệt, hăng hái, năng động, giàu sáng tạo, nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm, thường thì sự suy nghĩ chưa chín chắn. Tuổi trung niên là khi thể chất, trí tuệ phát triển sung mãn, đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, chín chắn, ứng xử thận trọng trong mọi công việc. Khi đã cao tuổi, từng trải, nhiều kinh nghiệm, nhưng sức khỏe hạn chế, bảo thủ, kém sáng tạo,...

Vài đặc điểm chung nhất nói trên đã trở thành quy luật. Cha ông ta nói rất gọn: “Khôn chi trẻ, khỏe chi già”, hoặc “tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh”,... Tuy nhiên, có những người do hoàn cảnh, di truyền, sức khỏe, trí tuệ, rèn luyện,... mà “tài không đợi tuổi”, sớm trưởng thành, sức khỏe tốt, giàu sáng tạo, tuổi thanh xuân được kéo dài. Họ cao tuổi nhưng lại “rất trẻ”. Ngược lại cũng do nhiều nguyên nhân mà có những người ít tuổi nhưng “đã già” - già trước tuổi.

Dựa vào những đặc điểm chung nhất ấy mà ở mọi quốc gia đều quy định tuổi lao động. Mức quy định có khác nhau giữa các quốc gia. Người ta cũng quy định cụ thể của từng ngành nghề cho phù hợp nhưng nhìn chung đều bắt đầu từ tuổi thanh niên đến xấp xỉ tuổi 60.

***

Con người sống thì phải lao động và được lao động – tức là có nghĩa vụ và là quyền lao động. Lao động để đóng góp phần mình với đất nước, cộng đồng. Lao động cũng là niềm vui và là nguồn lợi để giải quyết nhu cầu của cuộc sống.

Thực tế ở nước ta, phần lớn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cứ mong “cán mốc”, đến tuổi là vui vẻ về nghỉ theo chế độ. Có thể nói sau 35 – 40 năm công tác, họ đã “vắt hết sức lực”, sức lực ấy có cả về sức khỏe, có cả trí tuệ. Họ là những bác sĩ, giáo viên, công chức, viên chức, lao động trong bộ máy công quyền và các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp. Khi về nghỉ, họ coi mình là “được nghỉ hưu”.

Nhưng cũng có một bộ phận cứ muốn mình trẻ mãi, họ “sẵn sàng cống hiến” cho đến khi cận kề “về với tổ tiên”. Họ tìm đủ mọi cách kéo khư khư “ôm ghế” dài thời gian công tác, vì càng kéo dài càng được lợi. Họ “chạy bằng cấp”, “chạy tuổi”, “chạy quy hoạch”, “chạy luân chuyển”, họ vận dụng tối đa 5C, “4 ệ” (Con cháu các cụ cả; “tiền tệ, quan hệ, hậu duệ, trí tuệ.” Nhiều trường hợp em nhiều tuổi hơn anh, nhiều “tiến sĩ giấy”, nhiều trường hợp “nhảy dù”, nhiều thái tử thăng tiến “thần tốc”,... đã ngã ngựa là những minh chứng rất cụ thể.

Trong thực tế, có những nhà khoa học ưu tú, những nhà quản lý giỏi, họ thực sự là tinh hoa, là "hơn người" - hơn ở trí tuệ, bản lĩnh, phẩm chất,... thì họ cống hiến càng lâu đất nước càng có lợi, Nhân dân được nhờ. Còn đối với cán bộ xoay chạy, "đấu thầu", 4 "ệ", "Tiến sĩ giấy", lợi ích nhóm thì họ thêm một ngày là đất nước thêm bất công, lòng dân thêm oán hận. Nhiều vị nhân cách thua người "thường dân"? Có người không quyền cao chức trọng mà làm được nhiều việc tốt, khối kẻ ngồi ghế cao ngất ngưởng nhưng lòng dạ đen tối, tham lam, nhân cách hư đốn, càng ở lâu càng tốn tiền thuế của dân.

Nên chăng: Ngành nào, cơ quan nào có những người ưu tú thật sự thì làm tờ trình, xin cấp thẩm quyền phê duyệt, không những 5 năm, có thể hơn (ví dụ các nhà khoa học, các bác sĩ, nhà giáo "đầu ngành", các nhà quản lý tâm huyết, có thành tích xuất sắc, có tín nhiệm cao,....). Chừng nào còn quy định theo chức danh thì lại vẽ ra con đường cho "hươu chạy"?./.

Tin mới