Chuyến thăm không dễ dàng của Tổng thống Obama

(Baonghean) - Cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tới Hannover, Đức - chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du 6 ngày của ông. Nhiệm vụ lớn nhất của ông Obama khi tới Đức lần này là thúc đẩy Hiệp định đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP), hướng tới mục tiêu hoàn thành đàm phán vào cuối năm nay. Tuy nhiên, đây không phải nhiệm vụ dễ dàng bởi Đức là nơi tập trung nhiều người có quan điểm hoài nghi về Hiệp định này nhất châu Âu.

Hơn 35.000 người biểu tình phản đối Hiệp định TTIP tại Hannover. Ảnh: Reuters.
Hơn 35.000 người biểu tình phản đối Hiệp định TTIP tại Hannover. Ảnh: Reuters.

“Hòn đá tảng” tại Hannover

Trong chương trình, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel cùng tham dự phiên khai mạc Hội chợ Hannover - hội chợ công nghiệp lớn nhất thế giới vào rạng sáng nay theo giờ Việt Nam và hội đàm về các vấn đề cùng quan tâm.

Nhưng người dân Đức dường như hiểu rõ mục đích lớn nhất của ông Obama trong chuyến thăm này, bởi vậy đã có màn “chào đón” đầy ấn tượng: một cuộc biểu tình lớn phản đối Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) bên ngoài Nhà hát Opera Hannover, thu hút hơn 35.000 người tham dự.

Cuộc biểu tình này do các liên đoàn lao động, các nhà hoạt động môi trường và các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng phối hợp tổ chức. Họ giơ cao các biểu ngữ như “Không được cho TTIP cơ hội”, “Tiền giết chết nền dân chủ”, “Không được để thực phẩm biến đổi gen xuất hiện trên bàn ăn của chúng ta”…

Ông Dieter Berlin, 73 tuổi, người đã tham gia biểu tình cùng với vợ mình nói: “Chúng tôi muốn giữ nguyên các tiêu chuẩn giáo dục của mình, chả cần phải thêm các tiêu chuẩn của hệ thống giáo dục Mỹ. Các tiêu chuẩn về môi trường cũng vậy”.

Trong khi một người biểu tình khác là ông Heino Kirchhop lại bày tỏ lo ngại TTIP sẽ “nới rộng khoảng cách giàu nghèo, đe dọa sự ổn định xã hội”.

Những gì đã diễn ra tại Hannover phản ánh rõ nét quan điểm của những người phản đối Hiệp định TTIP trên toàn nước Đức. Người dân Đức lo ngại với mục tiêu khuyến khích trao đổi thương mại và đầu tư, Hiệp định sẽ hạ thấp các tiêu chuẩn về sản phẩm, về thị trường lao động và bảo vệ người tiêu dùng – những hệ thống mà người dân châu Âu nói chung, người dân Đức nói riêng luôn tự hào về tính chặt chẽ của nó.

Theo một khảo sát do Quỹ Bertelsmann tiến hành với hơn 3.000 người, chỉ có 17% người Đức ủng hộ TTIP – một sự sụt giảm mạnh so với con số 55% cách đây 2 năm, trong khi số người phản đối lại tăng từ 25% lên 33%. Chủ nghĩa hoài nghi về TTIP ở Đức gia tăng tới mức Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel đã phải thừa nhận: “TTIP có thể thất bại”.

Poster chào đón ông Obama tại một tòa nhà chính quyền. Ảnh: AFP.
Poster chào đón ông Obama tại một tòa nhà chính quyền. Ảnh: AFP.

Sát cánh trên cùng chiến tuyến

Được khởi động từ tháng 7/2013, TTIP là Hiệp định được cả hai bên Mỹ và EU đặt rất nhiều kỳ vọng khi tạo ra một thị trường khổng lồ với 850 triệu người tiêu dùng. Các chuyên gia kinh tế đã từng tính toán rằng, khi có hiệu lực, TTIP có thể tăng GDP cho cả hai bên ở mức 0,5 - 1%, tạo thêm khoảng 13 triệu việc làm mới. Trong khi đó, Trung tâm châu Âu ước tính, Hiệp định này có thể mang lại cho nền kinh tế châu Âu 119 tỷ Euro/năm và kinh tế Mỹ là 95 tỷ Euro.

Chính những con số dự báo đầy triển vọng này khiến TTIP nhận được sự ủng hộ rất lớn của dư luận tại cả Đức và Mỹ khi mới “ra mắt”: 55% ủng hộ tại Đức và 53% tại Mỹ. Nhưng cùng với thời gian, mối hoài nghi bắt đầu tăng dần. Người ta lo ngại việc loại bỏ các rào cản thương mại với thương mại và đầu tư nước ngoài có thể dẫn tới các tiêu chuẩn thấp hơn với người tiêu dùng và bảo vệ môi trường cũng như an toàn lao động. Bởi vậy, nếu tỷ lệ ủng hộ tại Đức giảm từ 55% xuống 17% sau 2 năm, thì Mỹ cũng chứng kiến tình trạng tương tự: 53% giảm xuống 18%.

Hơn nữa, những người phản đối TTIP ở Đức – giống như tại các nước châu Âu khác – còn cho rằng quyền của người lao động Mỹ thấp hơn nhiều so với quyền của người lao động châu Âu. Với sức ảnh hưởng của các tập đoàn, các công ty lên quá trình soạn thảo Hiệp định, TTIP có thể gây bất lợi cho người lao động châu Âu khi có hiệu lực.

Dù vẫn còn nhiều hoài nghi từ phía công chúng, song cả Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Angela Merkel đều rất ủng hộ Hiệp định TTIP. Đặc biệt từ phía Tổng thống Barack Obama, ông thực sự muốn hoàn thành quá trình đàm phán Hiệp định này trước khi ông chính thức rời nhiệm sở vào ngày 20/1/2017, ghi dấu ấn cho nhiệm kỳ Tổng thống thứ 2 của mình sau những thành công như đạt thỏa thuận hạt nhân Iran, bình thường hóa quan hệ với Cuba…

Các biểu ngữ phản đối TTIP. Ảnh: AP.
Các biểu ngữ phản đối TTIP. Ảnh: AP.

Bởi vậy, việc Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Đức không chỉ là tiếp động lực cho bà Merkel vượt qua giai đoạn vô cùng khó khăn hiện nay, mà còn là giúp chính mình. Ngay trước khi ông Obama tới Đức, bà Merkel đã có động thái trấn an dư luận khi khẳng định rằng TTIP sẽ không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân, cho rằng cả châu Âu và Mỹ sẽ có cơ hội để thống nhất về các nguyên tắc bảo vệ môi trường và bảo vệ người tiêu dùng khi hình thành một thị trường thống nhất lớn hơn, và đó là các tiêu chuẩn mang tính toàn cầu.

Quan điểm này cũng đã được Tổng thống Mỹ Barack Obama đề cập trước đó trong chuyến thăm Vương quốc Anh, rằng những tiêu chuẩn của TTIP sẽ không phải là sự hạ thấp các tiêu chuẩn hiện có của mỗi bên, mà nó là sự chuẩn hóa để các nước cùng tuân thủ.

Trước khi đến Đức, ông Barack Obama cũng dành những lời tốt đẹp dành cho bà Angela Merkel: “Kể từ khi tôi tiếp nhận vị trí Tổng thống cho tới bây giờ, chúng tôi đã phải đối mặt với rất nhiều thách thức, từ khủng bố, di cư, tình hình tại Ukraine, và bà Angela luôn là đối tác chủ chốt”.

Cả bà Angela Merkel và ông Barack Obama đều cho thấy họ sẵn sàng sát cánh bên nhau để cùng giải bài toán TTIP. Tuy nhiên những nỗ lực của họ sẽ mang lại kết quả đến đâu, vòng đàm phán thứ 13 về TTIP bắt đầu hôm nay tại New York sẽ là “bài kiểm tra” đầu tiên.

Thúy Ngọc

TIN LIÊN QUAN

Tin mới