Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư có ý nghĩa hết sức quan trọng

Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa và tầm ảnh hưởng hết sức quan trọng tới quan hệ Việt - Trung trong thời kỳ mới.

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, từ ngày 12 - 15/1.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Trung Quốc- Đặng Minh Khôi trả lời phỏng vấn về bối cảnh, mục đích ý nghĩa của chuyến thăm.

chuyen tham trung quoc cua tong bi thu co y nghia het suc quan trong hinh 1
Đại sứ Đặng Minh Khôi trả lời phỏng vấn.

PVSắp tới là dịp hai nước kỷ niệm 67 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, xin Đại sứ đánh giá khái quát về tình hình quan hệ Việt - Trung thời gian qua?

Đại sứ Đặng Minh Khôi: Chỉ còn ít ngày nữa chúng ta sẽ kỷ niệm 67 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc (18/1/1950 - 18/1/2017). Trong 67 năm qua, đặc biệt là những năm gần đây, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc có bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực.

Điều đầu tiên ghi nhận đó chính là quan hệ chính trị giữa hai nước có bước phát triển, tăng cường củng cố vững chắc. Điều này thể hiện rất rõ qua các chuyến thăm cấp cao cũng như những văn kiện chung mà hai bên ra nhân dịp các chuyến thăm cấp cao. Hai nước đã xác lập khuôn khổ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện từ năm 2008 trên cơ sở tinh thần "mười sáu chữ" và phương châm "bốn tốt".

Thứ hai, điều đáng ghi nhận trong 67 năm qua, hai nước đã nỗ lực thông qua đàm phán để giải quyết những vấn đề vướng mắc, tồn tại trong quan hệ hai nước. Chúng ta và Trung Quốc đã giải quyết xong vấn đề biên giới trên bộ và hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc vào năm 2008. 

Hiện nay, biên giới Việt Nam - Trung Quốc là đường biên giới hoà bình, hữu nghị và nhân dân hai bên là những người hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định biên giới này. Năm 2000, ta và Trung Quốc đã ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ. Ta cũng đã giải quyết vấn đề trên biển với tất cả các nước láng giềng bao gồm cả Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Campuchia, nhưng phân định biển với Trung Quốc có thể nói có bước tiến triển hết sức quan trọng.

Thứ ba, hợp tác về kinh tế thương mại có những phát triển vượt bậc. Năm 1991, khi hai nước bình thường hoá quan hệ, kim ngạch buôn bán thương mại giữa hai bên mới có 37 triệu USD. Năm 2001, kim ngạch thương mại giữa hai bên mới đạt được 3 tỷ USD, đến nay đã có bước phát triển vượt bậc, đạt gần 100 tỷ USD.

Thứ tư, về giao lưu nhân dân có bước phát triển hết sức mạnh mẽ. Mỗi năm có khoảng gần 3 triệu người dân của hai nước qua lại lẫn nhau. Số lượng lưu học sinh cũng rất lớn, hiện nay có gần 10.000 lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại Trung Quốc, ngược lại Trung Quốc có khoảng 3.000 lưu học sinh đang ở Việt Nam. Các bạn lưu học sinh chính là những sứ giả tương lai trong quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc.

PV: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 12 – 15/1. Theo Đại sứ, chuyến thăm này có ý nghĩa như thế nào trong việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước?

Đại sứ Đặng Minh Khôi: Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ có chuyến thăm chính thức đến Trung Quốc, từ ngày 12 - 15/1.

Chuyến thăm lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, vì đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư thăm Trung Quốc trên cương vị Tổng Bí thư kể từ sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII tổ chức thành công vào đầu năm 2016. Đây là lần thứ ba Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc trên cương vị Tổng Bí thư. Chuyến thăm lần này đúng vào dịp hai nước chuẩn bị kỷ niệm 67 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và đón năm mới Đinh Dậu 2017.

Trong những năm qua, với nỗ lực của cả hai bên, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc có những bước phát triển hết sức mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá, giao lưu nhân dân, đồng thời hai bên cũng tăng cường duy trì hoà bình, ổn định ở Biển Đông. Chuyến thăm lần này là chuyến thăm của vị khách nước ngoài đầu tiên đến Trung Quốc trong dịp năm mới. Chuyến thăm lần này, chúng tôi hi vọng sẽ tạo đà mới, đưa quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Theo quan điểm của tôi, điều quan trọng nhất trong quan hệ hai Đảng, hai nước chúng ta là làm sao để không ngừng tăng cường, củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống và tăng cường hơn nữa sự tin cậy chính trị giữa hai bên. Nếu như chúng ta có sự tin cậy thì bất cứ vấn đề gì cũng rất dễ trao đổi, nếu vẫn có sự e ngại, nghi ngờ lẫn nhau thì trao đổi vấn đề gì cũng rất khó khăn. Tôi cho rằng đây là mục tiêu bao trùm của chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, để trao đổi với lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc, ở tầm cao nhất để tăng cường, củng cố hơn nữa quan hệ chính trị giữa hai bên.

Thứ hai, chuyến thăm lần này cũng nhằm tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước, đặc biệt cả hai nước đang trong giai đoạn then chốt, không ngừng đi sâu đổi mới, cải cách và mở cửa, chúng ta bước vào năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Trung Quốc bước vào năm cuối cùng chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIX, nhiệm vụ phát triển là hết sức quan trọng đối với hai nước và hai dân tộc, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới đang hết sức khó khăn thì đây là một trọng tâm hết sức quan trọng.

Thứ ba, chuyến thăm lần này cũng là dịp để tăng cường hơn nữa giao lưu nhân dân giữa hai bên. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Bí thư sẽ tham dự chiêu đãi nhân dịp kỷ niệm 67 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và sẽ có các cuộc gặp gỡ sâu, rộng với nhiều nhân sỹ Trung Quốc cũng như những người có quan hệ, có tình cảm với Việt Nam để bày tỏ mong muốn của Đảng và nhà nước ta tăng cường hơn nữa giao lưu nhân dân giữa hai bên.

Thứ tư, trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực diễn biến nhanh chóng và phức tạp, thậm chí có nhiều bất ổn, có nhiều điều khó đoán định trước, thì chuyến thăm lần này, chúng ta đặt kỳ vọng sẽ nhằm tăng cường hơn nữa việc duy trì hoà bình, ổn định ở Biển Đông, qua đó để duy trì hoà bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới, góp phần tăng cường môi trường bên ngoài của đất nước ta thuận lợi để tập trung phát triển kinh tế. Đây là ý nghĩa hết sức quan trọng của chuyến thăm lần này.

Chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ là chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước ta đến Trung Quốc từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII và sẽ có cuộc gặp cấp cao nhất giữa hai bên, do đó có ý nghĩa và tầm ảnh hưởng hết sức quan trọng tới quan hệ Việt - Trung trong thời kỳ mới.

PV: Kinh tế thương mại luôn là lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước, xin Đại sứ cho biết những kết quả nổi bật trong hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước trong thời gian qua?

Đại sứ Đặng Minh Khôi: Trong quan hệ giữa các nước thì quan hệ chính trị là hết sức quan trọng. Quan hệ chính trị mở đường cho quan hệ kinh tế thương mại, ngược lại quan hệ chính trị thể hiện rõ trên quan hệ kinh tế, hợp tác kinh tế thương mại củng cố thêm nữa quan hệ chính trị.

Thời gian qua, quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc hết sức mạnh mẽ. Chúng ta nhìn lại hai nước bình thường hóa quan hệ từ năm 1991, kim ngạch thương mại giữa 2 nước chỉ là 37 triệu USD. Bước đầu thế kỷ 21, kim ngạch 2 nước chỉ là 3 tỷ USD thì trong những năm gần đây tăng trưởng hết sức nhanh chóng, bình quân tăng trưởng 20% năm.

Theo số liệu của Việt Nam, năm 2015 kim ngạch thương mại song phương đạt gần 70 tỷ USD, còn theo số liệu của Trung Quốc thì đạt gần 100 tỷ USD. Điều đáng mừng là cùng với đà tăng trưởng mạnh mẽ của xuất nhập khẩu song phương, thì xuất khẩu của chúng ta vào Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng. Cho đến nay Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam chỉ sau Mỹ. Chúng ta đã trở thành nước đứng đầu ASEAN tăng trưởng xuất khẩu vào Trung Quốc.

Điều này thể hiện Đảng và Chính phủ hai nước rất quan tâm đến việc đẩy mạnh thương mại, từng bước giảm dần nhập siêu của Việt Nam để lành mạnh hóa cơ cấu xuất nhập khẩu giữa hai bên.

Hiện nay, chúng ta không chỉ xuất vào Trung Quốc các mặt hàng truyền thống như nông, lâm, thủy hải sản mà mở rộng nhiều mặt hàng công nghiệp. Đây là một xu thế đáng mừng, chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam đang có bước phát triển hết sức lành mạnh.

PV: Xin cảm ơn Đại sứ.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Tin mới