Chuyện V-League và các đội trẻ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Nhiều đội bóng chỉ đủ “nuôi” đội 1, còn các tuyến trẻ thì đến đâu hay đó mà vẫn cứ tồn tại dai dẳng ở V-League nhờ vô vàn những cách thức co kéo.

Một giải đấu bóng đá chất lượng, cụ thể là V-League, không có nghĩa chỉ liên quan đến các điều kiện về tài chính, cơ sở vật chất, giải đấu đi đến nơi, về đến chốn, xác định được ngôi vô địch và đội xuống hạng, đội tham gia các giải khu vực và châu lục… là đủ.

Hiện tại, ở V-League, có những đội bóng được coi là mạnh nhờ đầu tư mua sắm thầy giỏi trò hay, thi đấu khởi sắc nhưng các tuyến trẻ lẹt đẹt, lứa có, lứa không. Tất nhiên đó chỉ là lối làm bóng đá lấy thành tích tạm thời, kiên quyết không phải là lối làm ăn căn cơ, lâu dài. Nói thế và biết thế, nhưng lâu nay bóng đá Việt không mấy đội trưởng thành vững mạnh nhờ gốc bền rễ sâu như mong muốn.

V-League 2022 sẽ thi đấu theo thể thức sân nhà, sân khách với 26 vòng đấu. Ảnh tư liệu Minh Đức

V-League 2022 sẽ thi đấu theo thể thức sân nhà, sân khách với 26 vòng đấu. Ảnh tư liệu Minh Đức

Còn nhớ, người ta từng chỉ cần bỏ tiền ra là mua được một “suất” ở V-League như câu chuyện trước đây của Thể Công, Quân khu 4… từng được “bán” cho đội khác. Thật khó khăn khi nói rằng, gần đây bóng đá Việt có đội bóng nào lần lượt đi từ đội hạng 3 lên hạng nhì, hạng nhất rồi lên V-League? Phần lớn là “đi tắt, đón đầu” để tìm đến hạng cao nhất hoặc là chấp nhận không tụt hạng, yên thân ở hạng nhất chẳng hạn. Có thể cái khó bó cái khôn, có thể không có lực thì không có tham vọng bởi làm bóng đá tốn kém, không dễ thành công. Chuyện cố sức một đôi lần lên ngôi vua rồi tụt dài như Long An, Đồng Tháp hay Bình Dương, Sông Lam Nghệ An chẳng hạn, không là chuyện lạ.

Lạ là nhiều đội bóng chỉ đủ “nuôi” đội 1, còn các tuyến trẻ thì đến đâu hay đó mà vẫn cứ tồn tại dai dẳng ở V-League nhờ vô vàn những cách thức co kéo. Hải Phòng từng mượn hết quân Sông Lam đến Hoàng Anh Gia Lai, tới đây không biết còn mượn tiếp ở đâu nữa để đáp ứng cho tham vọng ngút trời của ông bầu và nhiều cổ động viên chuyên vào sân để đốt pháo sáng như một “thương hiệu đặc sản” mà không thấy một đội trẻ nào tỏa sáng ở các giải U hàng năm?

Hiện tại, có chăng các tuyến trẻ căn cơ chỉ có ở Sông Lam Nghệ An, Hà Nội FC, Viettel, Hoàng Anh Gia Lai… Nhưng ngay ở đây cũng có chuyện khác nhau một trời một vực. Các tuyến trẻ của Hà Nội FC và Sông Lam Nghệ An chẳng hạn. Một nơi giàu tiềm lực nên có thầy ngoại, giáo án ngoại, phương pháp tiên tiến, các tuyến được giao lưu, cọ xát trong và ngoài nước thường xuyên. Một nơi tập chay, thi đấu chay, nội bộ, anh đấu em và ngược lại. Khi vào các giải U, lứa ban đầu của Sông Lam Nghệ An không khó để lấy hết các giải thưởng. Nhưng lên đến lứa U17, U19 trở lên thì ôi thôi, cứ gặp PVF, Viettel hay Hà Nội FC là y như rằng đoạt Huy chương Đồng và giải Phong cách? Là bởi người ta có tiềm lực để áp dụng giáo án mới, khoa học thể thao mới nên thể hình, thể lực tốt hơn, kỹ năng tốt hơn.

Tập đoàn Tân Long đã quyết định thành lập thêm đội bóng đá trẻ để tham dự Giải bóng đá hạng Ba Quốc gia 2022. Ảnh tư liệu Đức Anh

Tập đoàn Tân Long đã quyết định thành lập thêm đội bóng đá trẻ để tham dự Giải bóng đá hạng Ba Quốc gia 2022. Ảnh tư liệu Đức Anh

Ngay chỉ lứa U19, Hà Nội FC và Viettel đã trình làng Văn Trường, Văn Khang để làm thủ lĩnh U20 Việt Nam, làm ngôi sao sáng ở U23 Việt Nam, ở cả đội tuyển Việt Nam dù họ chưa một lần được xỏ giày lên chơi giải hạng nhất hay V-League. Trong khi đó từ U19, những Xuân Tiến, Văn Cường tiến thẳng lên V-League với Sông Lam Nghệ An. Trên thực tế, các tiềm năng trẻ này gặp vô vàn khó khăn để thể hiện mình. Rất khó để Xuân Tiến, Văn Cường được gọi lên U23 Việt Nam, nói gì đến đội tuyển Việt Nam khi họ thi đấu vượt cấp, ít nhiều “chín non” như hiện tại. Nên nhớ, cùng lứa, Đình Duy, Phi Hoàng của SHB Đà Nẵng đã được đôn lên V-League từ 2020 và phải 2-3 mùa mới chứng minh được tài năng và được biết đến như hiện tại.

Ngày đầu Sông Lam Nghệ An có nhà tài trợ mới, một vị lãnh đạo đã hé mở về việc bên cạnh đội 1 là các đội hạng nhất, hạng nhì thi đấu liên tục để tạo nguồn. Nay thì Sông Lam Nghệ An đang có một đội hạng 3 sắp thi đấu với tham vọng tiến lên hạng nhì khi giải đấu cuối tháng 10 này kết thúc. Đó là tin tốt bên cạnh nhiều tin chưa tốt đang vây bủa đội 1 đá 5 trận không biết thắng ở V-League.

Được thi đấu, được cọ xát thường xuyên sẽ là điều tốt nhất với các cầu thủ trẻ có tham vọng. Ai cũng biết, khi các lò đào tạo khác đang chứng minh năng lực thì các sản phẩm của lò Sông Lam đang bị cạnh tranh quyết liệt và không còn “đắt đỏ” như trước. Lo các tuyến trẻ chuyên nghiệp thực sự, không quá chủ quan với thành tích dễ dàng khi thi đấu phong trào, Sông Lam Nghệ An mới hy vọng có được những sự bổ sung chất lượng cho đội 1, cho U23 và đội tuyển Việt Nam. Và phải đến lúc vào mỗi ngày cuối tuần, bên cạnh theo dõi kết quả thi đấu của đội 1, người hâm mộ còn náo nức với kết quả mỹ mãn từ các tuyến trẻ. Khi và chỉ khi đó, Sông Lam Nghệ An nói riêng và bóng đá Việt nói chung mới thực sự đang vận hành nền bóng đá chuyên nghiệp, mới đủ thực lực để “nói chuyện phải quấy” với bóng đá châu lục và thế giới./.

Tin mới