Chuyện về liệt sĩ người Nghệ An hy sinh ở nhà giàn DK1

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Trong 11 liệt sĩ hy sinh tại nhà giàn DK1, có một liệt sĩ quê hương xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Liệt sĩ Dương Văn Bắc đã ghi vào sổ truyền thống của DK1 dòng mực đỏ. Anh đã ra đi, để lại người vợ trẻ cùng 2 con trai nhỏ bé. Chị Vương Thị Trâm luôn tự hào về chồng, hai con trai luôn tự hào về bố.

Niềm đau chưa nguôi

Trong căn nhà liệt sĩ Đại úy Dương Văn Bắc ở cuối hẻm 1480 đường 30 tháng 4 phường 12 TP. Vũng Tàu, chị Vương Thị Trâm bật khóc khi thấy chúng tôi đến thắp hương cho anh. Đến bên bàn thờ chồng, chị gọi tên chồng: “Anh Bắc ơi, đồng đội của anh đến thăm anh đây này”, rồi nghẹn ngào “Em không thể quên được anh ấy”.

Trên bàn thờ, mấy tờ báo, 2 tập thơ đồng đội viết về anh đặt cạnh di ảnh. Chúng tôi bùi ngùi thắp nén hương tưởng nhớ đồng đội.

Di ảnh liệt sĩ Dương Văn Bắc. Ảnh: Mai Thắng

Di ảnh liệt sĩ Dương Văn Bắc. Ảnh: Mai Thắng

Mời chúng tôi ly nước trà xanh trong phòng khách thoảng mùi hương buồn, chị Trâm cố nén lòng nhưng nước mắt vẫn trào dâng: “Hơn 7 năm rồi, em vẫn chẳng nguôi ngoai được. Nhiều đêm nằm bên hai con, khuôn mặt anh cứ hiện về. Thằng lớn biết ba hy sinh, còn thằng em thì chẳng biết gì cả. Có bữa nó hỏi mẹ ơi sao ba chẳng về. Em bảo ba đi nhà giàn DK1. Lúc đó em chỉ muốn khóc. Nhưng mình không thể giấu mãi được. Cũng có ngày em phải nói cho con hiểu ba nó đã hy sinh”. Chị Trâm nhìn lên bàn thờ chồng rưng rưng nước mắt

Dẫu vẫn hiểu đau thương cũng dần mờ phai theo theo năm tháng, song hơn 7 năm vẫn chưa đủ thời gian để nén nỗi đau khi nửa phần máu thịt của mình không còn nữa. Có lẽ vì quá đau thương nên tuần nào chị Trâm cũng chạy xe máy lên mộ chồng. Dẫu cũng chỉ để khóc, nhưng mỗi lần bàn tay chị chạm vào phần mộ, chị cảm thấy nhẹ lòng phần nào và vơi nỗi cô đơn. Chị cởi áo lau mộ cho chồng rồi chở hai con về nhà.

Chị Vương Thị Trâm tìm lại những di ảnh của chồng. Ảnh: Mai Thắng

Chị Vương Thị Trâm tìm lại những di ảnh của chồng. Ảnh: Mai Thắng

Từ ngày liệt sĩ Bắc hy sinh, gia đình chị Trâm luôn có các anh, chị của anh Bắc đến giúp đỡ đưa hai cháu đi học và động viên chị Trâm.

Xét hoàn cảnh đặc biệt của gia đình và nhằm chăm lo cho thân nhân gia đình liệt sĩ, năm 2015, chị Trâm vào làm quản lý ở Chi đội kiểm ngư số 2. Đồng lương “ba cọc ba đồng” tằn tiện lắm cũng chưa đủ cho hai con học hành. “Hai thằng nhỏ được hỗ trợ 1.150.000 đồng/tháng/cháu. Số tiền ấy chỉ đủ cho nó ăn thôi. Tiền học hành luôn thiếu trước thiếu sau”, chị Trâm chia sẻ

Tấm thiệp cưới cuối cùng

Chị Trâm bê cái rương sắt dưới bàn thờ chồng mở cho chúng tôi xem. Trong đó có rất nhiều di vật của anh Bắc đem về từ Nhà giàn DK1/11. Một chiếc mũ cối, đôi găng tay dùng để kéo gạo mỗi lần chở hàng từ đất liền ra, chiếc bi đông nước, đôi giày cao cổ, cái thắt lưng, chiếc đai cột người rời nhà giàn xuống tàu tránh bão, 2 bịch gạo rang anh đem theo để khi say sóng đổ nước sôi vào uống cầm hơi lấy sức. Trong nhiều di vật ấy, có một thứ thiêng liêng mà lần đi biển nào anh Bắc cũng đem theo. Đó là tấm thiệp đám cưới màu hồng.

Tấm thiệp cưới cuối cùng của vợ chồng anh Bắc - chị Trâm. Ảnh: Mai Thắng

Tấm thiệp cưới cuối cùng của vợ chồng anh Bắc - chị Trâm. Ảnh: Mai Thắng

Chị Trâm kể lại: Sau 2 năm yêu nhau, anh chị làm đám cưới. Lúc đi chọn thiệp cưới ở nhà hàng, anh Bắc thích màu xanh nước biển, còn chị thích màu hồng. Anh Bắc bảo chọn thiệp màu xanh nước biển thể hiện sóng nước hải quân, nhưng chị lại thích màu hồng vì cho rằng đó là màu của tình yêu nồng thắm. Chiều ý vợ, cuối cùng anh Bắc đồng ý in thiệp cưới màu hồng. Trước khi đi Nhà giàn, anh Bắc cầm tấm thiệp theo bỏ vào ba lô, bảo đem theo cho đỡ nhớ vợ. Ở biển cô đơn lắm. Mỗi lần nhớ vợ lấy thiệp cưới ra ngắm là đỡ nhớ.

Chị Trâm ép tấm thiệp cưới vào ngực như tìm lại những ngày hạnh phúc. Tấm thiệp cưới còn đây, nhưng chú rể ngày ấy không còn nữa. Giờ nó trở thành kỷ vật thiêng liêng của chị Trâm. “Ai ngờ tấm thiệp màu hồng đã hóa thành sóng biển xanh rồi anh”. Chị Trâm nghẹn khóc.

Tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại nhà giàn DK1. Ảnh: Mai Thắng

Tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại nhà giàn DK1. Ảnh: Mai Thắng

Cho đến bây giờ sau nhiều năm, câu chuyện về liệt sĩ đại úy Dương Văn Bắc hy sinh tại nhà giàn DK/11 vẫn in đậm trong ký ức của nhiều cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1.

Thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh - nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn DK1 kể lại: Ngày 7/10/2014, lúc đó Dương Văn Bắc đeo quân hàm Thượng úy chuyên nghiệp. Trên cương vị là nhân viên trắc thủ radar của nhà giàn Tư chính 3 (DK1/11), Bắc đi kiểm tra thiết bị vật cản dưới sàn cập tàu trong điều kiện sóng to, gió lớn. Bắc đã trượt chân rớt xuống biển và bị sóng nhấn chìm. “Mặc dù nhà giàn đã nỗ lực tìm kiếm, cấp cứu, nhưng đồng chí Bắc không qua khỏi. Đồng chí đã hy sinh sau 3 giờ cứu chữa tích cực”, Thượng tá Dĩnh kể lại.

Liệt sĩ Dương Văn Bắc hy sinh, cuốn sổ truyền thống Tiểu đoàn DK1 thêm một dòng mực đỏ. Xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An mất thêm một người con kiên trung dũng cảm.

Dẫu niềm đau đã qua, song mỗi năm đến ngày 27/7, tên những liệt sĩ DK1 lại được chúng tôi nhắc nhớ như một lời tri ân sâu nặng. Các anh đã ngã xuống cho biển thêm xanh, cho nhà giàn mãi mãi trường tồn bất tử.

Tin mới