Chuyện về nam điều dưỡng Khoa Cấp cứu và những lặng thầm hy sinh

(Baonghean.vn) - Nghề điều dưỡng đòi hỏi “phải có chí chịu khổ, chịu khó, phải giàu lòng bác ái, hy sinh”. Công việc ấy tưởng chừng chỉ phù hợp với nữ giới nhưng vượt qua tất cả, bằng tâm nguyện “chăm sóc người bệnh như người thân của mình”, anh Hồ Văn Bảo - Điều dưỡng trưởng Khoa Thường trực Cấp cứu, Bệnh viện ĐKTP Vinh đã cống hiến với nghề hơn 8 năm qua.

Luôn sát cánh với người bệnh

6h sáng, khi nghe tiếng còi cấp cứu báo là anh Hồ Văn Bảo cùng các điều dưỡng Khoa Thường trực Cấp cứu nhanh chóng tiếp nhận bệnh nhân từ xe cứu thương. Đó là một bệnh nhân nặng cần được xử lý cấp cứu ngay, cả ekip cùng nhanh chóng vào cuộc; đo các dấu hiệu sinh tồn, thiết lập đường truyền, hỗ trợ bác sĩ đặt ống nội khí quản...và thực hiện theo y lệnh của bác sĩ.

Chỉ khi được chứng kiến công việc của anh và các đồng nghiệp, chúng tôi mới thấu hiểu nỗi vất vả của những cán bộ điều dưỡng. Họ như những chiến sỹ, không chỉ nhanh, kịp thời mà luôn trong tâm thế sẵn sàng thực hiện lệnh điều động cấp cứu cả trong và ngoài viện.

Chú thích?
Khoa Thường trực Cấp cứu, Bệnh viện  ĐKTP Vinh nơi thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân nặng, đòi hỏi các bác sĩ và điều dưỡng căng mình xử lý cấp cứu kịp thời. Ảnh: Lâm Tùng

Một ngày làm việc mới của Điều dưỡng trưởng Hồ Văn Bảo thường bắt đầu như thế. Anh luôn có mặt sớm nhất khoa, đi kiểm tra, nắm bắt tình hình bệnh nhân từ đêm hôm trước; rồi cẩn thận xem lại các thiết bị y tế trong khoa để chuẩn bị cho ngày tiếp đón bệnh nhân mới.

Mỗi ngày, tiếp nhận từ 80-100 bệnh nhân nhưng Khoa Thường trực Cấp cứu chỉ có 8 điều dưỡng, nên anh Bảo luôn phân công công việc khoa học; để đáp ứng hết khối lượng công việc đồ sộ. Như thường lệ, bệnh nhân đông nên anh thường xuyên cùng các điều dưỡng viên của khoa luôn túc trực đón tiếp, chăm sóc bệnh nhân.

Anh Bảo chia sẻ: Với bệnh nhân nhẹ, công việc của chúng tôi có phần nhẹ nhàng hơn. Nhưng đối với những trường hợp người bệnh nhân nặng, điều dưỡng viên là người trực tiếp hỗ trợ khám, tiêm truyền, xử lý các tình huống cấp cứu khẩn cấp, theo dõi 24/24h để tránh các nguy hiểm có thể xảy ra để xử lý kịp thời, phối  hợp nhịp nhàng với bác sĩ, thực hiện đúng y lệnh; cho đến những việc vệ sinh cá nhân cho người bệnh…

Dù đặc thù công việc thường xuyên tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch, anh Bảo và các đồng nghiệp luôn phải căng mình làm hết công suất. Nhưng người bệnh luôn cảm nhận ở anh sự ân cần, tận tụy, nhiệt tình lắng nghe tâm tư, tình cảm; đồng hành với họ chiến đấu với bệnh tật.

Công việc đòi hỏi sự tận tụy, kiên trì và có cả hy sinh ấy tưởng chừng như chỉ phù hợp với những cán bộ nữ nhưng anh lại cho rằng với sức khỏe và sự mạnh mẽ của nam giới sẽ là thế mạnh giúp anh thực hiện “sứ mệnh” của mình; với một tâm nguyện “chăm sóc người bệnh như những người thân yêu”.

Chú thích?
Điều dưỡng trưởng Hồ Văn Bảo hướng dẫn, nâng cao kiến thức chuyên môn cho các điều dưỡng viên trong khoa. Ảnh: Lâm Tùng

Những lặng thầm hy sinh

Sẽ không quá lời khi nói rằng điều dưỡng viên là người gần gũi, gắn bó với bệnh nhân hơn cả. Họ không chỉ thực hiện vai trò chăm sóc mà có khi còn như một người thân, người bạn đồng hành với người bệnh trong quá trình chiến đấu với bệnh tật. Có những tình huống bệnh nhân đối mặt với tử thần thì việc gần gũi để hiểu, chia sẻ với họ và gia đình, tuyệt nhiên không phải là chuyện dễ dàng.

Anh Bảo chia sẻ, anh đã không ít lần tiếp nhận với các bệnh nhân say rượu, ma túy, hung hăng, người nhà bệnh nhân bất hợp tác… Công việc của các điều dưỡng lúc ấy lại khó thêm bội phần. Nhưng vì nhiệm vụ, bằng lương tâm nghề nghiệp, bất chấp khó khăn và có cả hiểm nguy, chúng tôi vượt qua tất cả, tiếp tục nhiệm vụ cứu người.

Phải có một tình yêu nghề tha thiết lắm những cán bộ điều dưỡng mới có thể làm được những điều tuyệt vời ấy.

Chú thích?
Trực  tiếp hỗ trợ các bác sĩ trong thăm khám, điều trị và theo dõi sát sao diễn biến  của người bệnh, điều dưỡng trưởng Hồ Văn Bảo luôn tận tụy, tận tâm và biết chấp nhận hy sinh. Ảnh: Lâm Tùng

Công việc điều dưỡng đòi hỏi hội đủ sự nhanh nhẹn, tận tụy mà còn can đảm và biết chấp nhận những khó khăn, nhận về mình không ít thiệt thòi. Đó là phần lớn thời gian của anh là làm việc ở bệnh viện. Cùng với các bác sĩ, các điều dưỡng cũng thường phải chia ca túc trực ban đêm. Làm việc trái giờ nhưng anh và các đồng nghiệp luôn  phải tỉnh táo để ứng phó với những tình huống khẩn cấp. Không kịp nghỉ ngơi sau một đêm dài căng thẳng, đến sáng hôm sau họ vẫn tiếp tục công việc thường nhật của mình. Rồi những ngày lễ, Tết anh và đồng nghiệp phải hi sinh thời gian bên gia đình để làm nhiệm vụ.

Nhưng những nỗ lực cứu sống người bệnh chỉ trong gang tấc, chứng kiến khoảnh khắc đoàn tụ, ngập tràn hạnh phúc của người bệnh bên gia đình lại tiếp thêm động lực lớn lao để anh và tiếp tục miệt mài trên con đường không ít gian nan.

Khi hỏi anh chia sẻ về những câu chuyện đồng hành với người bệnh vượt qua sinh tử, anh dừng lại nghĩ một lúc bởi những trường hợp ấy nhiều lắm... Như gần đây nhất là một bệnh nhân được người nhà đưa vào viện lúc giữa trưa, bác sĩ xác định đã ngừng tuần hoàn. Dù chỉ còn tia hi vọng nhỏ nhoi, anh Bảo đã cùng các đồng nghiệp nhanh chóng thực thiện các biện pháp cấp cứu tích cực, đặt ống khai thông đường thở, thiết lập đường truyền, sốc điện…

Sau hơn 40 phút, bệnh nhân có mạch trở lại, dấu hiệu sinh tồn ổn định và được chuyển sang khoa hồi sức tích cực. Những giọt nước mắt hạnh phúc của người thân vỡ òa… Với anh, chiến đấu giành lại được sự sống cho người bệnh, niềm hạnh phúc lớn lao ấy đã xóa hết bao mệt mỏi, khó khăn.

Chú thích?
Không chỉ chăm sóc người bệnh mà có khi điều dưỡng còn như một người thân, người bạn đồng hành trong quá trình chiến đấu với bệnh tật. Ảnh: Lâm Tùng

Những hy sinh thầm lặng của chiến sĩ áo trắng ấy, ta càng thấy nghề y cao quý biết nhường nào. Đóng góp của anh đã được ghi nhận bằng những bằng khen, giấy khen của Hội Điều dưỡng tỉnh và Sở Y tế. Nhưng với anh, sự sẻ chia, đồng cảm của người bệnh, người nhà là ghi nhận ý nghĩa nhất; tiếp thêm sức mạnh cho anh và đồng nghiệp tiếp tục gieo tấm lòng nhân ái và lan tỏa tình yêu thương; san sẻ bớt nỗi đau với người bệnh.

"Cán bộ điều dưỡng Hồ Văn Bảo như một điển hình của cán bộ  trẻ của bệnh viện. Thực tế, nhu cầu người bệnh ngày càng cao, mong muốn được cung cấp dịch vụ y tế hoàn hảo. Trong khi nhân lực điều dưỡng của bệnh viện hiện đang thiếu so với lượng bệnh nhân KCB mỗi ngày một tăng bởi vậy đòi hỏi các cán bộ làm việc cật lực. Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, điều dưỡng trưởng Hồ Văn Bảo luôn vững vàng về chuyên môn và chịu khó học hỏi, cập nhật kiến thức và sáng tạo trong công việc; là hạt nhân của bộ phận thường trực cấp cứu và khoa khám bệnh. Đồng chí góp phần lan tỏa về tinh thần tận tụy, hết lòng vì người bệnh; tiên phong, xung kích, trong các phong trào phát triển của đơn vị”.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Phương - Trưởng Phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Đa khoa TP Vinh chia sẻ.

Tin mới