Chuyện về người thương binh "tàn nhưng không phế"

(Baonghean) - Là thương binh, tay chân cử động khó khăn nhưng làm theo lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông Nguyễn Công Huyền, xóm 1, xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn đã nỗ lực vươn lên trở thành thợ sửa điện tử có  tiếng của vùng, xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy 4 con học đại học…

Vốn là lính đặc công chiến đấu ở chiến  trường miền Đông Nam bộ, trong một lần đi trinh sát, ông Nguyễn Công Huyền bị phục kích, bị thương và bị đích bắt đưa về nhà tù Biên Hòa. Do bị thương vào đốt sống nên ông gần như bị liệt, cử động hết sức khó khăn. Năm 1973, ông được  trao trả và được đưa đi an dưỡng ở Hà Nam Ninh với tỷ lệ thương tật 91%. Sau đó, ông được chuyển về Đoàn 200 - Quân khu 4 và đến năm 1976 thì về Trại thương binh 4 Nghệ An. Tuy đi lại, hoạt động khó khăn nhưng lúc nào thương binh Nguyễn Công Huyền cũng lạc quan, vui vẻ, tin yêu vào cuộc sống.

Mỗi ngày ông đều kiên trì tập vận động để khỏi teo cơ và có thể tự làm mọi việc sinh hoạt cá nhân. Ông còn nhiệt tình  giúp đỡ, động viên các đồng chí thương binh  khác trong cuộc sống hàng ngày. Nhờ vậy, ông nhận được sự cảm thông, chia sẻ của người con gái cùng xã, cũng là bộ đội Trường Sơn phục viên, thương binh 4/4 Nguyễn Thị Tân. Năm 1979, hai người nên vợ nên chồng trong sự mừng vui của họ hàng, làng xóm. Cả hai gia đình đều làm nông nghiệp, đông con (ông Huyền là con thứ sáu trong gia đình có 8 người con) không giúp được gì nhiều, vợ chồng ông phải nỗ lực để gây dựng cuộc sống từ hai bàn tay trắng. Bốn đứa con lần lượt ra đời, ngoài trợ cấp thương tật của chồng, vợ ông tất tả với 6 - 7 sào ruộng, nuôi con lợn, chăm đàn gà để nuôi con ăn học. 

Ông Nguyễn Công Huyền.
Ông Nguyễn Công Huyền.
Năm 1989, Nguyễn Công Huyền quyết định rời Trại thương binh 4 về nhà để phụ giúp vợ phát triển kinh tế gia đình với niềm tin “thương binh tàn nhưng không phế”. Ông  mày mò sửa chữa điện tử, bắt đầu từ những vật dụng gia đình như quạt, ti vi, máy bơm… Tuy tay chân cử động khó khăn, thao tác chậm, nhưng nhờ kiên trì, cẩn thận nên dần dần ông trở thành thợ sửa chữa điện tử có uy tín, có học trò đến theo học nghề và phụ giúp. Khách hàng của ông rất đông, thời kỳ đầu khi nghề sửa chữa điện tử chưa phát triển, không chỉ người dân trong xã, trong huyện mà còn có nhiều người dân Hưng Nguyên, Nghi Lộc cũng tìm đến ông nhờ sửa giúp. Ông được Bộ LĐ-TB&XH tặng bằng khen “đối tượng chính sách khắc phục khó khăn vươn lên đạt thành tích xuất sắc trong lao động và sản xuất”. 
Ý chí vượt khó của người cha cũng là tấm gương cho con cái vươn lên. 4 người con của ông đều học giỏi, chăm ngoan. Hai người  học Đại học Vinh giờ đang là giáo viên, một người học đại học chuyên ngành Ngoại ngữ ở Hà Nội giờ làm phiên dịch viên, còn cậu út mới tốt nghiệp Đại học Bách Khoa đang làm cho Công ty Sam Sung ở Hà Nội. Giờ đây, đã 70 tuổi, tay chân ngày một yếu, con cái trưởng thành, cuộc sống đi vào ổn định, ông chỉ nhận sửa giúp đồ điện tử hư hỏng cho người thân, bạn bè, bà con lối xóm quanh khu vực chợ Chùa (Nam Xuân). Người dân quí ông bởi đức tính “đã không nhận thì thôi, nhận rồi phải cố gắng sửa cho bằng được, đảm bảo có chất lượng”. Cuộc đời của thương binh nặng Nguyễn Công Huyền như một câu chuyện cổ tích có hậu bắt nguồn từ tinh thần lạc quan, nghị lực phi thường và ý chí vươn lên “tàn nhưng không phế” của người lính Cụ Hồ.
Bài, ảnh: Khánh Ly

Tin mới