Chuyện về những đứa trẻ có nguồn gốc Trung Quốc

(Baonghean) - Theo một thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn huyện Tương Dương có hơn 50 đứa trẻ có bố là người Trung Quốc. Mẹ của chúng phần lớn là những lao động chui hoặc nạn nhân của đường dây buôn người sang Trung Quốc.

Những đứa trẻ mang 2 dòng máu

Ngày cuối tháng 6, trên một con dốc nhỏ ở bản Văng Môn (xã Yên Hòa, Tương Dương), gần 10 đứa trẻ đang mải mê chơi đùa. Trong nhóm trẻ đó, Lữ Lu Lu (5 tuổi), nổi bật hơn cả. Khác với những đứa trẻ đen nhẻm ở bản vùng cao này, Lu Lu có đôi mắt một mí, khuôn mặt trắng hồng. Ở cái bản này, vẻ bề ngoài của Lu Lu hoàn toàn khác biệt với những đứa trẻ khác, thậm chí là cái tên, bởi bé gái này có bố là người Trung Quốc.

Lữ Lu Lu (áo vàng) vui đùa cũng những đứa trẻ khác trong bản. Ảnh: Tiến Hùng
Lữ Lu Lu (áo vàng) vui đùa cùng với những đứa trẻ khác trong bản. Ảnh: Tiến Hùng

“Ngay cả cái tên của nó cũng là tên Trung Quốc đấy”, bà ngoại Lu Lu, bà Lô Thị Ty (41 tuổi) nói. “Tôi chẳng biết mặt bố nó là ai cả, chỉ biết cậu ta là người Trung Quốc. Chưa một lần về đây, cũng không biết đã bao nhiêu tuổi”.

Mẹ của Lu Lu, chị Lữ Thị Hương Lan (23 tuổi) là một trong hàng nghìn lao động của Tương Dương đã từng làm việc ở Trung Quốc. Hơn 7 năm trước, cũng như nhiều thiếu nữ khác ở Yên Hòa, nghe theo lời rủ rê của bạn bè, Hương Lan tìm giấc mơ đổi đời bằng con đường qua Trung Quốc làm việc chui. Chỉ sau một thời gian ngắn ở đây, Lan có con với một người đàn ông Trung Quốc.
Hơn 2 năm trước, trong một lần hiếm hoi về thăm quê, Hương Lan dắt theo đứa con gái lúc đó chưa đầy 3 tuổi. Lan kể với bà Ty tên đứa trẻ ở Trung Quốc gọi là Lu Lu, nhờ bà ngoại chăm sóc cháu rồi lại tiếp tục đi biền biệt. Người phụ nữ sau đó phải lên chính quyền đăng ký khai sinh cho cháu lấy họ mẹ cùng cái tên Trung Quốc ấy.

Theo khảo sát mới đây của Ban Dân vận Huyện ủy Tương Dương, trên địa bàn hiện có hơn 50 đứa trẻ có bố là người Trung Quốc trong độ tuổi dưới 10. Toàn huyện có 18 xã thì có đến 12 xã xảy ra tình trạng này. Phần lớn các cháu hiện được ông bà ngoại chăm sóc.

Chỉ tính riêng ở xã Yên Na đã có tới 10 phụ nữ có con với người Trung Quốc sau đó mang về nước nhờ người thân chăm sóc. Con số này ở xã Yên Hòa là 8 phụ nữ, tuy nhiên có những người mang về tới 2 đứa trẻ. Chị Lô Thị Hoa (34 tuổi, bản Đình Yên, xã Yên Hòa), là một trong số đó.

2 đứa trẻ có bố là người Trung Quốc ở bản Đình Yên. Ảnh: Phạm Bằng
2 đứa trẻ  của chị Hoa, có bố là người Trung Quốc ở bản Đình Yên. Ảnh: Phạm Bằng

“Tôi cũng ngại nên chẳng hỏi nhiều, không biết bố của các cháu là ai. Chỉ biết mẹ nó làm việc ở Trung Quốc rồi mang về nhờ nuôi”, bà Lô Thị Chành (47 tuổi), chị gái của Hoa nói. Nhiều năm nay, bà Chành phải bươn chải để nuôi giùm 2 đứa cháu con của em gái. Một đứa đã hơn 3 tuổi, đứa còn lại còn chưa biết đi.

Bà Chành kể rằng, trước đây Hoa đã có một đời chồng. Tuy nhiên, sau ngày cưới chẳng bao lâu, Hoa phát hiện chồng nghiện ma túy nặng. Không có tiền hút chích, người đàn ông thường xuyên đánh đập vợ.

“Hoa sau đó bỏ chồng, sang Trung Quốc mưu sinh. Người chồng trước hiện đang ở tù vì buôn bán ma túy”, bà Chành kể. Bà cũng chẳng biết em gái mình làm công việc gì ở nước ngoài. Vì sợ em giận, chưa một lần bà hỏi vì sao bố của những đứa trẻ lại bỏ rơi chúng.

Tương tự bà Chành, bà Lô Thị Ủi (60 tuổi, bản Xốp Mạt, Lượng Minh), nhiều năm nay phải nuôi 2 đứa cháu ngoại có bố là người Trung Quốc. Bà Ủi có 2 người con gái nhưng cả 2 lớn lên đều qua Trung Quốc làm việc chui. Cả hai người con gái này đều lần lượt có con với người Trung Quốc. Hai đứa cháu của bà Ủi đều có những cái tên “rất Trung Quốc” là Tiểu Doanh và Tiểu Quyên.

Lô Thị Hoàn (31 tuổi), một trong 2 người con gái của bà Ủi vốn là một thiếu nữ xinh đẹp. Trước đây, Hoàn được xem là bông hoa rừng giữa thủ phủ của ma túy. Tuy nhiên, học xong cấp 3, Hoàn đi theo con đường của chị gái - sang Trung Quốc “làm việc ở công ty”.

Bản Xốp Mạt của Hoàn vốn là thủ phủ ma túy một thời, gắn liền với những cái tên như “bản không chồng”, vì phần lớn đàn ông trong bản không đi tù vì buôn ma túy thì cũng chết sớm vì nghiện ngập, HIV.

Bà Ủi cho rằng, ở cái mảnh đất này, chẳng biết làm gì để có tiền tiêu cả. Vì thế, đi Trung Quốc “làm công ty” là con đường khả dĩ nhất để mong làm giàu. Tuy nhiên, sau bao nhiêu năm làm việc ở xứ người, tiền của hai cô con gái bà chẳng thấy gửi về, chỉ thấy gửi con về nhờ nuôi…

Ngôi nhà của . Ảnh: Tiến Hùng
Ngôi nhà của bà Lô Thị Ủi ở xã Lượng Minh. Ảnh: Phạm Bằng

“Về hai cô con gái của bà Ủi, mới đây người chị gái đã về nước, dẫn theo một người đàn ông về bản sinh sống. Còn cô em gái thì nghe bảo đang chuẩn bị sinh thêm một bé nữa với người Trung Quốc rồi mang về nhờ bà ngoại nuôi”, ông Vi Đình Phúc – Chủ tịch UBND xã Lượng Minh nói.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Nói về những trường hợp này, ông Lương Bá Vin – Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Tương Dương cho rằng, thời gian tới tình hình sẽ diễn biến phức tạp, có nguy cơ tiềm ẩn gây mất ổn định về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, gia tăng dân số...

“Vào thời điểm Tết Nguyên Đán hàng năm, các cặp vợ, chồng bất hợp pháp này thường đưa con về quê ăn Tết cùng ông, bà ngoại, sau lại đi. Có một số trường hợp thì để con ở lại với người thân, có một số sau khi đăng ký hộ khẩu xong thì lại đón con đi sang Trung Quốc”, ông Vin nói và cho hay, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Theo đó, có một số phụ nữ đã lập gia đình nhưng do chồng nghiện ma túy, cuộc sống gia đình bế tắc, người phụ nữ tìm cách tự giải phóng cho bản thân bằng cách đi sang Trung Quốc lấy chồng. Nhiều người khác, vì cuộc sống khó khăn, phải đi tìm kiếm việc làm có thu nhập ổn định, là xu thế chung của lao động nông thôn miền núi hiện nay, trong đó có lao động nữ.

“Lợi dụng 2 lý do trên, một số đối tượng buôn bán người đã lừa gạt lao động, môi giới để đưa những người phụ nữ này sang Trung Quốc. Thậm chí trong số người đi trước, lại về lôi kéo người thân trong gia đình cùng đi”, ông Vin cho hay.
Bà Lô Thị Chành nhiều năm nay phải bươn chải nuôi hai đứa con của em gái.  Ảnh: Tiến Hùng
Bà Lô Thị Chành nhiều năm nay phải bươn chải nuôi hai đứa con của em gái. Ảnh: Tiến Hùng

Trước tình trạng những đứa trẻ có bố người Trung Quốc đang ngày một gia tăng, huyện Tương Dương đã đặt ra nhiều giải pháp sắp tới, như chính quyền cấp cơ sở phải tăng cường công tác quản lý nhà nước về nhân hộ khẩu, lao động, khai sinh cho các cháu; phát hiện và đấu tranh ngăn chặn các đối tượng buôn bán người, phụ nữ, trẻ em, lừa gạt lao động, môi giới phụ nữ sang lấy chồng người Trung Quốc đến hoạt động trên địa bàn.

Cả hệ thống chính trị, nhất là Hội LHPN phải vào cuộc để tuyên truyền, vận động cho các tầng lớp nhân dân nói chung và phụ nữ nói riêng, không nghe theo, không tin theo những đối tượng buôn bán người, phụ nữ, trẻ em gái, lừa gạt lao động, môi giới phụ nữ sang lấy chồng người Trung Quốc.

“Về giải pháp lâu dài, Trung ương và chính quyền địa phương các cấp cần phải thực sự quan tâm giải quyết vấn đề này, coi đây là vấn đề bức xúc nổi lên, diễn biến phức tạp, có nguy cơ tiềm ẩn gây mất ổn định về an ninh trật tự, an toàn xã hội”, ông Lương Bá Vin nói.

Tin mới