Cô gái tự xưng là cán bộ Sở Nội vụ tỉnh, lừa chạy việc tiền tỷ

(Baonghean.vn) - Bị tật nguyền với đôi chân teo tóp nhưng Mạc Thị Lệ Quyên vẫn “nổ” mình làm việc tại Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An có thể chạy biên chế vào các bệnh viện, trường học, nhà máy thủy điện… cho ai có nhu cầu.

Ngày 22/9, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử Mạc Thị Lệ Quyên (SN 1984, quê xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn), đăng ký hộ khẩu thường trú tại xã Nghi Kim, TP Vinh về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, do cần tiền trả nợ và tiêu xài cá nhân nên trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2019, mặc dù không có quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ bố trí việc làm cho người khác, nhưng Quyên đã giới thiệu bản thân đang làm việc tại Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An. Chưa hết, Quyên còn “nổ” quen biết lãnh đạo các sở: Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An nên có thể xin việc làm biên chế tại các bệnh viện, trường học, một số cơ quan, đơn vị khác để chiếm đoạt tiền của các bị hại.

Bị cáo Mạc Thị Lệ Quyên tại tòa. Ảnh: Trần Vũ
Bị cáo Mạc Thị Lệ Quyên tại tòa. Ảnh: Trần Vũ

Mạc Thị Lệ Quyên đã 20 lần thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt của 20 bị hại với tổng số tiền hơn 3,4 tỷ đồng. Trong đó, bị hại bị lừa ít tiền nhất là 60 triệu đồng, người nhiều nhất 330 triệu đồng.

Thủ đoạn mà Quyên thực hiện chung đối với các bị hại là tiếp cận “con mồi”. Sau đó, “nổ” mình công tác trong Sở Nội vụ quen biết nhiều lãnh đạo cấp tỉnh có thể xin việc rồi đưa ra mức giá. Khi người cần tìm việc đồng ý, Quyên yêu cầu đưa tiền và hẹn thời gian nhận quyết định đi làm.

Hết thời gian cam kết, Quyên liên tục đưa ra các lý do để trì hoãn. Sau đó, Quyên lên mạng tìm kiếm mẫu văn bản có chữ ký của đơn vị tuyển dụng, tự chèn danh sách người cần xin việc rồi phô tô đưa cho họ. Người xin việc hoàn toàn không phát hiện ra sự lừa đảo của Quyên cho đến khi cầm quyết định giả đển nơi tuyển dụng mới tá hỏa biết mình bị lừa.

Cơ quan điều tra xác định, để thực hiện hành vi lừa đảo Mạc Thị Lệ Quyên có lập danh sách trúng tuyển và quyết định tiếp nhận công tác của một số người có chữ ký, con dấu của cơ quan tổ chức. Tuy nhiên, các con dấu, tài liệu Quyên sử dụng của cơ quan tổ chức là do Quyên tự truy cập vào các trang mạng xã hội tìm kiếm in ra, sau đó cắt ghép lên các danh sách, quyết định trúng tuyển và phô tô đưa cho các bị hại. Hành vi đó của Quyên là thủ đoạn làm cho bị hại tin tưởng, giao tiền rồi chiếm đoạt nên không có căn cứ xử lý Quyên về tội sử dụng con dấu của cơ quan tổ chức.

Ảnh Trần Vũ
Bị cáo Mạc Thị Lệ Quyên (áo đỏ) bị tuyên phạt 20 năm tù. Ảnh: Trần Vũ

Tại tòa, bị cáo khai tất cả số tiền chiếm đoạt của các bị hại đã tiêu xài cá nhân hết. Các bị hại tham dự tòa yêu cầu bị cáo phải hoàn trả lại toàn bộ tiền và đề nghị xử lý nghiêm.

HĐXX nhận định, việc bị cáo thực hiện nhiều lần là tình tiết tăng nặng trong vụ án nên tuyên phạt Mạc Thị Lệ Quyên 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (cao hơn mức VKS đề nghị từ 9 đến 10 năm tù).

Tin mới