Cơ hội cho lao động Nghệ An 'ly nông bất ly hương'

(Baonghean.vn) - Trong khi nhiều lao động phải sang xứ người để tìm kiếm kế sinh nhai, đối mặt với nhiều rủi ro thì ngay tại quê nhà Nghệ An, nhiều người tìm được việc làm với mức thu nhập ổn định. Xu hướng về làng làm công nhân tại quê nhà không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương mà còn góp phần giải quyết các vấn đề xã hội...

Về làng làm công nhân

Trước đây, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, đất sản xuất ít, lại gặp thiên tai, sâu bệnh mất mùa nên vợ chồng chị Nguyễn Thị Thủy ở xã Quang Sơn (Đô Lương) đành để lại con thơ cho ông, bà nội chăm sóc, vào Bình Dương làm công nhân may. Đất khách quê người, sống ở đô thị đắt đỏ nên hai vợ chồng làm thêm cật lực, mỗi tháng cũng chỉ gửi được 2 triệu đồng về quê cho ông bà nuôi cháu.

Với hàng chục công ty may quy mô lớn đi vào hoạt động đã mở ra cơ hội việc làm cho lao động Nghệ An. Ảnh: Thanh Phúc
Với hàng chục công ty may quy mô lớn đi vào hoạt động đã mở ra cơ hội việc làm cho lao động Nghệ An. Ảnh: Thanh Phúc và tư liệu

Năm 2018, khi con trai đầu vào lớp 1, để tiện lo cho con học hành, vợ chồng chị bàn nhau về quê xin vào làm công nhân may cho một nhà máy may tại xã Quang Sơn (Đô Lương). “Làm việc sáng đi tối về nên tiện lắm. Thu nhập tuy có ít hơn các công ty trong miền Nam nhưng đổi lại không tốn tiền thuê trọ, không tốn tiền tàu xe đi về, không  phải chịu cảnh cơm niêu nước lọ và nhất là được ở gần con, chăm lo cho con. Làm theo ca nên tranh thủ chăn nuôi thêm lợn, gà nên cuộc sống cũng ổn định”, chị Thủy chia sẻ.

Hiện toàn xã Quang Sơn có 1.000 lao động làm việc tại nhà máy may trên địa bàn với mức lương trên 5 triệu đồng/người/tháng.

Sau khi đi xuất khẩu lao động ở Li-Bi về, anh Hồ Xuân Trung (Xuân Hòa, Nam Đàn) tìm đến trung tâm lao động việc làm tỉnh để tìm cho mình công việc phù hợp ngay tại quê nhà. Ảnh: Thanh Phúc
Sau khi đi xuất khẩu lao động ở Libi về, anh Hồ Xuân Trung (xã Xuân Hòa, Nam Đàn) đến Trung tâm lao động - việc làm tỉnh được giới thiệu công việc phù hợp ngay tại quê nhà. Ảnh: Thanh Phúc

Không chỉ riêng xã Quang Sơn, hiện trên địa bàn huyện Đô Lương, số lao động đi làm ăn xa giảm nhiều so với trước đây. Nhiều lao động quay về quê làm công nhân cho các nhà máy, công xưởng, nhất là các nhà máy may thu hút một lượng lớn lao động trên địa bàn huyện. Tính đến thời điểm hiện tại, Đô Lương có trên 170.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó 55.000 người sản xuất, kinh doanh, làm công nhân… tại địa phương. Trong đó, có 8.000 lao động làm công nhân tại 20 doanh nghiệp, công ty trên địa bàn huyện.

Với sự phát triển của các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài… nên nhu cầu về lao động khá cao, lao động có nhiều lựa chọn, nhiều cơ hội để tìm được việc làm phù hợp với năng lực, trình độ và mức thu nhập. Và hiện nay, xu thế của lao động Nghệ An đang có sự chuyển dịch từ làm ăn xa về làm công nhân ngay tại quê nhà.

Níu chân lao động ở lại quê nhà

Tuy nhiên, trên thực tế, việc tuyển dụng công nhân của các công ty, doanh nghiệp trong tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chỉ tính riêng địa bàn xã Vĩnh Thành (Yên Thành) có 3 đơn vị sản xuất, kinh doanh đồ mộc, mỹ phẩm và may mặc cần số lượng lao động lên đến hàng ngàn song địa phương không đáp ứng đủ.

Thiếu công nhân, dây chuyển một nhà máy may ở Vĩnh Thành (Yên Thành) đành để không. Ảnh: Văn Trường
Thiếu công nhân, dây chuyển một nhà máy may ở xã Vĩnh Thành (Yên Thành) đành để không. Ảnh: Văn Trường

Đơn cử như chi nhánh một công ty mỹ phẩm đứng chân ở xóm Tân Vĩnh, xã Vĩnh Thành cần tuyển dụng 50 lao động với mức lương từ 8 -10 triệu đồng/người/tháng, tuy nhiên đến nay, chi nhánh mới tuyển dụng được 30 lao động; hoặc một công ty may đóng ở xã Vĩnh Thành đi vào hoạt động vào tháng 6/2019, đang cần tuyển khoảng 500 công nhân với mức lương 6 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn có phụ cấp chuyên cần, hỗ trợ tiền xăng xe… song vẫn chưa tuyển đủ công nhân.

Ông Thái Danh Giá - Chủ công ty may ở xã Vĩnh Thành (Yên Thành) chia sẻ: “Đến nay công ty mới chỉ tuyển dụng được 80 lao động, còn thiếu hơn 400 lao động, nhiều máy móc và các thiết bị được đầu tư mua về đều phải nằm chờ vì không có người vận hành”.

Nhiều địa phương thiếu nhân lực các ngành mộc, cơ khí... Ảnh: Văn Trường
Nhiều địa phương thiếu nhân lực các ngành mộc, cơ khí... Ảnh: Văn Trường

Ông Vũ Văn Quyền - Phó phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Yên Thành cho biết: Địa bàn huyện Yên Thành có trên 154.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó riêng xuất khẩu lao động trên 15.000 người, có trên 100.000 lao động làm việc tại các tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh… Số còn lại ở địa phương chỉ 40.000 người. Địa bàn huyện Yên Thành hiện có 7 nhà máy may, quy mô từ 500 – 2.000 công nhân, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương. Chưa kể Yên Thành còn thiếu lao động trong các lĩnh vực như cơ khí, mộc, sản xuất nông nghiệp, trang trại.

Theo kế hoạch năm 2019, tỉnh Nghệ An thu hút đầu tư vào địa bàn khoảng trên 120 dự án với tổng số vốn từ 25.000 - 30.000 tỷ đồng, trong đó vốn FDI khoảng 3.000 - 5.000 tỷ đồng, qua đó tạo việc làm mới cho khoảng 11.000 - 12.000 lao động.
 

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2019 có hơn 38.000 lượt lao động được giải quyết việc làm.

Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An có 10.488 doanh nghiệp đang hoạt động với số lao động khoảng 202.000 người (số liệu tính đến năm 2018), trong đó có 54 doanh nghiệp Nhà nước, 10.384 doanh nghiệp ngoài Nhà nước và 50 doanh nghiệp FDI. Năm 2019, nhu cầu tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh Nghệ An khoảng 20.430 người; các doanh nghiệp ngoại tỉnh hơn 68.000 người.
Dự báo dân số Nghệ An đến năm 2025 đạt khoảng 3.510.000 người, lực lượng lao động trong độ tuổi khoảng 2.101.880 người, nguồn nhân lực để cung cấp các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh 88.200 người, ngoại tỉnh 81.100 người, xuất khẩu lao động 97.700 người.
Thời gian qua, nhiều hoạt động phúc lợi xã hội dành cho công nhân được các công ty, doanh nghiệp quan tâm. Ảnh: Thanh Phúc
Thời gian qua, nhiều hoạt động phúc lợi xã hội dành cho công nhân được các công ty, doanh nghiệp quan tâm. Ảnh: Thanh Phúc

Xu hướng chung là vậy, song thực tế nhiều doanh nghiệp, công ty vẫn còn khó tuyển dụng, thiếu lao động trầm trọng, nhất là lĩnh vực dệt may. Do đó, để thu hút lao động địa phương vào làm việc, các doanh nghiệp cần thay đổi tác phong và môi trường sản xuất theo hướng chuyên nghiệp; thực hiện tốt các chính sách đãi ngộ, chăm lo đời sống cho người lao động: mua bảo hiểm rủi ro; hỗ trợ ăn sáng và ăn trưa; hỗ trợ tiền thuê trọ đối với những công nhân ở xa; tổ chức các hoạt động phúc lợi xã hội…

Tin mới