Cơ hội xuất khẩu nông sản khi TPP có hiệu lực

(Baonghean) - TPP có hiệu lực, nông nghiệp là ngành được hưởng lợi khá nhiều và cũng cạnh tranh khốc liệt.

Dây chuyền sản xuất dịch chanh leo xuất khẩu của Công ty Nafoods
Dây chuyền sản xuất dịch chanh leo xuất khẩu của Công ty Nafoods. Ảnh Internet

Ngành nông nghiệp nước ta đang tạo ra khoảng 20% GDP và thu hút trên 55% lao động cả nước. Việt Nam hiện có hàng chục mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực mang tầm vóc thế giới, trong đó xuất khẩu hạt tiêu đứng thứ nhất, gạo, cà phê, sắn đứng thứ 2, cao su đứng thứ 4, thủy hải sản đứng thứ 5, chè đứng thứ 7 thế giới và nhiều mặt hàng khác nữa.

Năm 2010, Việt Nam mới chỉ có 18 thị trường xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD, nhưng đến năm 2016 đã tăng lên 28 thị trường. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các thị trường trên 1 tỉ USD chiếm gần 90% kim ngạch xuất khẩu chung cả nước. Đặc biệt, có sự cải thiện cơ cấu theo hướng nâng cao tỷ lệ thành phẩm cao cấp và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, bảo quản nông sản xuất khẩu.

Khi TPP có hiệu lực, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ có nhiều cơ hội khởi sắc hơn do nhu cầu thị trường tăng, cải thiện cơ cấu sản phẩm, mở rộng áp dụng công nghệ cao, thúc đẩy liên kết và đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp và có thêm các xung lực từ ưu đãi thuế theo lộ trình triển khai các cam kết hội nhập quốc tế… Dù còn không ít khó khăn, nhưng nhiều mặt hàng sẽ tăng xuất khẩu như: gạo, hạt điều, hạt tiêu, gỗ, sắn và rau, quả. Một thuận lợi cho ngành điều là hầu hết 11 nước thành viên TPP đều có nhu cầu cao nhập khẩu điều của Việt Nam. Nếu theo đúng cam kết, khi TPP có hiệu lực, thuế nhập khẩu điều vào các thị trường này giảm từ 2 - 5% xuống còn 0% sẽ khiến Điều Việt Nam tăng sức cạnh tranh….

Định hướng thị trường khi TPP có hiệu lực sẽ được điều chỉnh tập trung nhiều hơn vào thị trường các nước thành viên TPP và các FTA khác , nhất là những thị trường trọng điểm, như Hoa Kỳ, thị trường châu Âu, ASEAN, Nga và các nước Đông Âu, Trung Quốc, châu Phi. Hoa Kỳ và EU sẽ là các thị trường dẫn đầu về nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam (gỗ và sản phẩm gỗ, hạt điều, hạt tiêu, cà phê và sản phẩm mây tre, cói thảm. cao su, chè và rau quả…).

Sức hấp dẫn của các thị trường này cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam chịu nhiều áp lực cạnh tranh xuất khẩu cao vào thị trường này từ Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia – những nước tương đồng với Việt Nam về các mặt hàng xuất khẩu; ngoài ra, còn những rào cản về kỹ thuật, nhất là về chất lượng, an toàn thực phẩm đối với chè, rau quả, thủy sản, nguồn gốc xuất xứ đối với gỗ và thuế chống bán phá giá tăng cao đối với cá tra, các yêu cầu của Chương trình thanh tra cá da trơn...

Đặc biệt, thực hiện Cộng đồng kinh tế AEC trong ASEAN đang và sẽ tạo điều kiện và thách thức cho hàng hóa của các nước trong khu vực xâm nhập vào thị trường lẫn nhau, trực tiếp gia tăng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu trong ASEAN và ngay tại chính thị trường nội địa.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa về xuất khẩu cá ngừ. Ảnh TTXVN

Tại hầu hết các thị trường lớn, xuất khẩu cá tra sẽ tiếp tục  gặp nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu chậm, giá bán không tăng, các yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm khắt khe hơn. Theo Chương trình giám sát cá da trơn của Mỹ, từ tháng 9/2017, nếu các nước không nộp danh sách doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ và các chứng minh về chương trình an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia theo yêu cầu của Cục Thanh tra và An toàn thực phẩm Mỹ sẽ không được tiếp tục xuất khẩu.

Để phát triển và xuất khẩu nông nghiệp thành công, Việt Nam cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường nước ngoài, nhất là đặc điểm khí hậu, quy mô thị trường, đặc tính tiêu dùng và văn hóa; nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu để đáp ứng được tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng của các nước nhập khẩu; Đẩy mạnh  xúc tiến thương mại, xây dựng mạng lưới thông tin thông suốt, kết nối giữa các thị trường với Việt Nam; nâng cao năng lực cập nhật và vượt qua các rào cản kỹ thuật, thông tin về thực hiện các cam kết hội nhập trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam với các đối tác song phương và đa phương.

Đặc biệt, cần đầu tư cơ sở hạ tầng điện, đường, nước và khuyến khích các hình thức hợp tác, liên kết tổ chức sản xuất gắn với chế biến, xây dựng, quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm giữa người sản xuất, các trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp trong đổi mới cơ cấu giống và ứng dụng quy trình sản xuất tiên tiến, cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, năng suất và giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường, đáp ứng tốt nhất các tiêu chuẩn kỹ thuật và thương mại; chủ động đối phó thách thức từ biến đổi khí  hậu;  giảm phụ thuộc đầu vào và đầu ra; tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ, nhất là giống, công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản, chế biến, công nghệ thông tin, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, hướng vào các sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có chất lượng, có giá trị cao về kinh tế, đối tượng chính là rau, hoa, quả, chăn nuôi, thủy sản,... phù hợp chủ trương tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

TS. Nguyễn Minh Phong

Tin mới