Có một Đồng Thành đổi mới!

(Baonghean.vn) - Đồng Thành giờ đây đã thực sự chuyển mình, từ một vùng đất cằn cỗi nay đã được thay thế bằng những vườn cam bạt ngàn màu xanh đem lại thu nhập và làm giàu cho người dân nơi đây.
Bài viết dưới đây của tác giả cao tuổi có bút danh Trường Sơn sinh sống tại huyện Yên Thành, cụ cũng là một độc giả quen thuộc của Báo Nghệ An nhiều năm qua. Mặc dù năm nay đã 91 tuổi nhưng tinh thần, trí tuệ vẫn rất mẫn tiệp, hằng ngày cụ Trường Sơn vẫn chăm đọc báo, theo dõi tình hình thời sự. Báo Nghệ An trân trọng cảm ơn cụ Trường Sơn đã theo dõi và cộng tác. Kính chúc cụ sức khỏe!

Đồng Thành là xã miền núi ở phía Tây Bắc huyện Yên Thành, cách thị trấn 7km, cách thành phố Vinh 62km. Xã có diện tích tự nhiên 3.082,24ha trong đó 2/3 là đồi núi. Dân số có 2.160 hộ với 8.500 nhân khẩu. Ở giữa xã có 6 dãy lèn đá vôi lớn nhỏ. Lớn nhất là lèn Cò với diện tích 55ha, cao 254 mét so với mặt biển. Dưới chân lèn trước đây là căn cứ của cụ Nguyễn Xuân Ôn trong phong trào văn thân chống Pháp. Lèn Vũ Kỳ nằm ở phía Bắc của xã diện tích 25ha trải dài gần 1km trông xa như một con rồng khổng lồ, trong lèn Vũ Kỳ có chùa Thiên Tạo, giếng ngọc, hang tiền, hang lúa, cuối năm 1929 nơi đây Chi bộ đầu tiên của Đông Dương cộng sản Đảng tỉnh Nghệ Tĩnh đã ra đời. Trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, ngày 7/11/1930 đông đảo nhân dân trong xã Đồng Thành đã tham gia.

Lèn Vũ Kỳ thuộc vùng giáp ranh giữa hai xã Đồng Thành và Phúc Thành (Yên Thành). Ảnh tư liệu: Huy Thư
 Lèn Vũ Kỳ thuộc vùng giáp ranh giữa hai xã Đồng Thành và Phúc Thành (Yên Thành). Ảnh tư liệu: Huy Thư

Tự hào đất cách mạng

Ngày 26/6/1939, Huyện ủy Yên Thành đã tổ chức cuộc họp tại đình làng Tiên Kỳ để thành lập nhóm thanh niên phản đế nhằm tuyên truyền vận động nhân dân chuẩn bị mọi mặt để giành chính quyền khi thời cơ đến. Từ đó phong trào yêu nước của nhân dân xã Đồng Thành ngày một phát triển. Ngày 18/9/1945, Chi bộ Đảng đầu tiên ở xã Đồng Thành được thành lập gồm 9 đồng chí do đồng chí Lương Cận làm Bí thư.

Ngày 22/8/1945 dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, nhân dân xã Giai Lạc đã vùng lên giành chính quyền trong niềm vui hân hoan của đất nước. Từ đó nhân dân dốc hết trách nhiệm, nhiệt tình cách mạng đóng góp vào công cuộc xây dựng và cũng cố chính quyền ra sức diệt giặc đói và giặc dốt. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ trong 2 cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân Đồng Thành đã đóng góp cho tiền tuyến 4.224 tấn thóc, 162 tấn thực phẩm, 867 thanh niên gia nhập quân đội, 83 TNXP, 164 dân công hỏa tuyến. Toàn xã có 87 liệt sỹ đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc, hơn 100 thương, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học.

Ngày nay Đảng bộ Đồng Thành đã trưởng thành và phát triển lớn mạnh, từ một chi bộ có 9 đảng viên nay có 15 chi bộ với 301 đảng viên. Trong quá trình lãnh đạo nhân dân làm cách mạng đánh đuổi thực dân, đế quốc giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương. Đảng bộ đã không ngừng đổi mới tư duy phương pháp lãnh đạo, chú trọng chỉnh đốn để xây dựng tổ chức trong sạch vững mạnh.

Xây dựng giao thông ở xã Đồng Thành. Ảnh tư liệu: V.T
Xây dựng giao thông ở xã Đồng Thành. Ảnh tư liệu: V.T

Đổi mới, tạo bứt phá ở vùng đất khó

Vùng phía Nam xã Đồng Thành có 3 dãy núi đá vôi, xung quanh có gần 200ha đất ba-zan thích hợp với trồng các loại cây có múi. Trước đây nhân dân chỉ trồng keo, tràm, mía và dứa năng suất, hiệu quả thấp nay trên cơ sở Nghị quyết của Đảng bộ xã, các chi bộ họp bàn vận động nhân dân cải tạo vườn tạp để trồng cam, bưởi, mít, ổi... Cán bộ đảng viên đã đầu tàu xung phong đi trước. Đảng viên Trương Văn Việt ở xóm Đồng Trổ đã cải tạo 15ha đồi trồng 10ha với 5.000 gốc cam mỗi năm lợi nhuận trên 500 triệu đồng. Mô hình này đầu năm 2021 đã được Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung về thăm và khen ngợi.

Đồng chí Phan Văn Bảo - nguyên Bí thư Đảng ủy xã đã về hưu đã đi đầu trong cải tạo vườn tạp trồng 350 gốc cam; đồng chí Thái Văn Thành - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã trồng được 300 gốc cam, bưởi mỗi năm thu hoạch hàng trăm triệu đồng; đồng chí Thái Duy Đại - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Giám đốc HTX DVNN đã cải tạo vườn tạp trồng 700 gốc cam, chanh, bưởi. Trang trại Hà Đại Phú của anh Nguyễn Văn Hà Giám đốc HTX Cam Đồng Thành đã cải tạo đất vườn trồng được 3ha cam.

Năm 2015 toàn xã Đồng Thành chỉ có 2 hộ trồng với 15ha cam, đến nay đã có 70 hộ trồng được trên 130ha, mỗi năm cho thu hoạch trên 1.500 tấn, trị giá trên 30 tỷ đồng, tương đương với giá trị của 350ha lúa toàn xã.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra mô hình trồng cam ở xã Đồng Thành (Yên Thành). Ảnh tư liệu: Phạm Bằng
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra mô hình trồng cam ở xã Đồng Thành (Yên Thành). Ảnh tư liệu: Phạm Bằng

Hiện tại đã có 10 trang trại trồng cam, trang trại lớn nhất trên 20ha, nhỏ nhất cũng 1ha. Đồng Thành giờ đây đã thực sự chuyển mình, từ một vùng đất cằn cỗi nay đã được thay thế bằng những vườn cam bạt ngàn màu xanh đem lại thu nhập và làm giàu cho người dân nơi đây. Để duy trì chất lượng và phát triển thương hiệu, xã đã thành lập Hợp tác xã cam Đồng Thành. Cam Đồng Thành đã khẳng định được thương hiệu, tham gia nhiều hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh và được chứng nhận là cam sạch, an toàn chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP.

Vùng phía Bắc xã có 4 cánh đồng gần 310 ha chủ yếu là đất cát pha. Trước đây khi công tác thủy lợi chưa phát triển nhân dân chỉ cấy được một vụ lúa còn lại bỏ hoang, năng suất chỉ đạt từ 130 đến 150 kg/sào. Trong mấy năm qua Đảng bộ đã lãnh đạo, thu hút nguồn đầu tư cùng với ngân sách địa phương đã nâng cấp các hồ đập lớn nhỏ để đảm bảo nước phục vụ sản xuất. Nhờ chủ động được nước nhân dân các xóm Đồng Phúc, Đồng Hoa, Long Nam, Đồng Phú, Xuân Phú đã thay đổi các giống lúa cũ sang cấy giống mới.

Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình sản xuất tập trung, đưa máy móc vào thay sức lao động của con người nên năng suất, sản lượng đã được nâng lên rõ rệt, năng suất bình quân năm 2020 đạt 57,6 tạ/ha tăng gần 30% so với năm 2015, tổng sản lượng lương thực đạt 4700 tấn là năm đạt cao nhất từ trước tới nay.

Hồ Vệ Vừng. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn
Hồ Vệ Vừng. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn

Hồ Vệ Vừng lớn nhất huyện Yên Thành có trữ lượng nước hơn 17 triệu mét khối tưới cho 3 xã Đồng Thành, Phúc Thành, Văn Thành và một xóm của xã Hoa Thành. Xung quanh hồ Vệ Vừng có gần 100ha rừng dẻ tạo nên một vùng sinh thái hấp dẫn. Đảng ủy xã Đồng Thành đã tập trung thu hút đầu tư để biến đập Vệ Vừng trở thành khu du lịch sinh thái hấp dẫn.

Năm 2021 là năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm (2021- 2025), tuy gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội, song với sự đoàn kết nỗi lực phấn đấu và quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền các ngành đoàn thể, các tầng lớp nhân dân nên kinh tế-xã hội của xã tiếp tục có sự tăng trưởng ổn định. Các công ty doanh nghiệp đóng trên địa bàn vẫn hoạt động ổn định và giải quyết việc làm cho gần 500 lao động. Giá trị sản xuất đạt 129,3 tỷ đồng tăng 7,8% so với 6 tháng đầu năm 2020. Đảng ủy luôn quan tâm đến công tác bồi dưỡng, phát triển tổ chức Đảng và đảng viên theo Đề án 5155-ĐA/TU của Tỉnh ủy, và đã thành lập được một chi bộ doanh nghiệp trực thuộc Đảng bộ xã Đồng Thành với 8 đảng viên.

Nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế xã Đồng Thành tiếp tục có bước tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất đạt 348.082 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10,15%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu nhập bình quân đầu người đạt 43,6 triệu đồng/người/năm tăng 15,8 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ. Hộ khá và giàu chiếm 30%, hộ nghèo chỉ còn 1,81%. Cuối năm 2017 được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. 

Toàn cảnh lễ đón Bằng công nhận xã nông thôn mới ở Đồng Thành, huyện Yên Thành. Ảnh tư liệu: Thái Hồng
Toàn cảnh lễ đón Bằng công nhận xã nông thôn mới ở Đồng Thành, huyện Yên Thành. Ảnh tư liệu: Thái Hồng

Tin mới