Có một vệ tinh trong chân các cầu thủ ở World Cup 2018

Telstar 18, tên của trái bóng chính thức mùa World Cup năm nay không chỉ gợi nhớ lần đầu tiên một quả bóng Adidas được dùng tại Mexico 1970. Có một lịch sử li kì hơn đằng sau đó.
Tại sao lại là Telstar? Theo trang History.com, câu trả lời nằm cách đây hơn 50 năm lịch sử.

Ngày 10/7/1962, một vệ tinh nhỏ mang tên Telstar được phóng vào vũ trụ và thay đổi mãi mãi ngành truyền hình thế giới. Vệ tinh Telstar dài gần một mét, hình cầu, màu trắng với các tấm bảng đen lắp quanh thân. Nó cho phép tín hiệu điện thoại, hình ảnh fax và tín hiệu truyền hình truyền đi xuyên qua các đại dương.

Nhờ vậy mà khán giả toàn cầu có thể cùng xem một chương trình, tạo cơ sở cho việc phát sóng World Cup trên toàn thế giới. Trước Telstar, đó chỉ là một giấc mơ chưa thành.

Có một vệ tinh trong chân các cầu thủ ở World Cup 2018 ảnh 2
Vệ tinh Telstar, 1962. Đây là dự án của NASA kết hợp với hai gã khổng lồ của ngành truyền hình Mỹ AT&T và Bell Labs, cùng với Bưu điện Trung tâm Anh quốc, French National Post, Telegraph và Telecom Office. Ảnh: Getty Images.

Telstar bắt đầu truyền dẫn tín hiệu xuyên Thái Bình Dương ngay sau khi được phóng lên, nhưng phải đến 13 ngày sau thì mới thực sự có tác động. Ngày 23/7/1962, lần đầu tiên chương trình thời sự của huyền thoại truyền hình Mỹ Walter Cronkite xuất hiện trong phòng khách của các gia đình tại châu Âu. Bản tin 20 phút đó là một thành công vang dội trong lịch sử truyền hình.

Nhưng giống như mọi lần ra mắt, bản tin này cũng có sự cố. Tổng thống John F. Kenedy dự định mở đầu chương trình bằng một bài phát biểu, nhưng tín hiệu lại truyền đi trước khi ông sẵn sàng. Thế nên những hình ảnh đầu tiên được truyền từ Mỹ đến châu Âu hóa ra lại là cảnh quay trận bóng chày giữa Philadelphia Phillies và Chicago Cubs. Các hình ảnh khác trong chương trình là Tượng Nữ thần tự do, tháp Eiffel và ca sĩ người Pháp Yves Montand.

Chiếc vệ tinh nhỏ ấy vẫn đang xoay quanh trái đất, dù không ai biết chính xác nó ở đâu. Chỉ ít lâu sau khi được phóng lên, trong cùng năm 1962, người ta vô hiệu hóa Telstar và thay bằng một vệ tinh khác thực hiện cùng nhiệm vụ.

Tại World Cup Mexico 1970, ban tổ chức quyết định đặt tên quả bóng là Telstar để nhớ về chiếc vệ tinh đã giúp cho người hâm mộ toàn cầu theo dõi và hò reo khi bóng lăn.

World Cup 2018 đánh dấu kỉ niệm 50 năm quả bóng Telstar ra đời (quả bóng này được ra mắt vào năm 1968, trong giải vô địch châu Âu). Quả bóng năm nay được gắn chip NFC, cho phép tương tác với smart-phone.

Đây là lần đầu tiên FIFA, vốn bảo thủ về công nghệ, đồng ý chuyện này. Các chuyên gia của History cho rằng điều đó thật xứng đáng để tưởng nhớ vệ tinh Telstar huyền thoại.

Tin mới