Có nên học Vật lý từ lớp 6?

(Baonghean.vn) - Thầy Mai Văn Túc - giáo viên Vật lý, trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ những kinh nghiệm và trăn trở về quá trình dạy học môn Vật Lý lớp 6 - lớp học đầu tiên các em được tiếp cận với bộ môn khoa học lý thú này.
Một giờ học Vật lí đầy thú vị cùng thầy giáo Mai Văn Túc. Ảnh: Internet
Một giờ học Vật lí thú vị cùng thầy giáo Mai Văn Túc. Ảnh: Internet

Trước đây khi chưa dạy Vật lý lớp 6, nghe phụ huynh nói về kết quả học cũng như ý kiến phản hồi của con em mình về môn Vật lý không được tích cực, tôi và phần lớn các đồng nghiệp giảng dạy ở THPT có quan điểm do chương trình học và lứa tuổi chưa phù hợp để học Vật lý.

Sau một năm tham gia dạy Vật lý cho 4 lớp 6, nghiên cứu kỹ chương trình và được trực tiếp làm việc với khá nhiều đối tượng học sinh, quan điểm của tôi hoàn toàn bị thay đổi.

Về chương trình học, nội dung chương trình rất hay, khoa học và thiết thực. Chương trình Vật lý 6, kiến thức và kỹ năng được học rất cần thiết để tiếp tục học cao hơn (phép đo các đại lượng Vật lý, các khái niệm, hiện tượng tự nhiên; kỹ năng tiến hành thí nghiệm, viết kết quả...). Những kiến thức này được học sinh vận dụng trong cuộc sống thường ngày, góp phần nâng cao kỹ năng làm việc, giúp các em tự tin trong cuộc sống và mở rộng những hiểu biết thế giới tự nhiên... tránh được những tình huống nguy hiểm cho bản thân và người khác.  
v
Những kiến thức Vật lý lớp 6 rất thiết thực, giúp học sinh vận dụng trong cuộc sống thường ngày. Ảnh: Internet
Về lứa tuổi để tiếp thu kiến thức môn học, quá trình đi dạy, tôi thấy, buổi đầu lên lớp, khi nói về mục đích, đối tượng của Vật lý cũng như lịch sử các khám phá vĩ đại và thành quả mà nó mang lại cho nền văn minh nhân loại, hầu hết các em hào hứng và yêu thích môn học. Trong quá trình dạy, có rất nhiều câu hỏi, các thắc mắc được các em đưa ra thật bất ngờ và các câu trả lời khi thầy hỏi cũng thật sự đáng khâm phục.

Thậm chí, nhiều câu chất vấn ngược của các em đã khiến các thầy, cô giáo bối rối. Ví như, khi dạy xong nội dung về những kết quả khi một vật chịu tác dụng lực: "Khi một vật chịu tác dụng lực thì hoặc vật đó bị biến đổi chuyển động hoặc bị biến dạng...", tôi yêu cầu các em lấy các ví dụ thực tế minh họa.

Thầy Mai Văn Túc hướng dẫn học sinh tại Trung tâm thí nghiệm Vật lý Edison.
Thầy Mai Văn Túc hướng dẫn học sinh tại Trung tâm thí nghiệm Vật lý Edison.
 Một em giơ tay và nói: "Hình như lý thuyết vừa học sai thầy ạ". Em lập luận, ở nhà em mới giơ tay lên, chưa động vào con chó mà nó đã chạy rồi thì sao ạ? Một câu thắc mắc thật đáng yêu, khiến cho không khí lớp học trở nên hấp dẫn và cũng cần khả năng sư phạm tốt để xử lý tình huống này hay nhất!

Thực tiễn quá trình dạy và học Vật lý ở lớp 6, tôi thấy rằng: Để việc học đạt kết quả cao nhất, các trường THCS nên bố trí giáo viên tốt nhất cho môn Vật lý lớp 6. Về chương trình Vật lý 6, theo tôi là rất khoa học và thiết thực (không cần cải cách, nên đổi mới cách dạy sao cho các em thực hành nhiều hơn còn sách giáo khoa, sách bài tập thì nên sửa những chỗ sai và thiếu thực tế, bổ sung phần liên hệ thực tế).

Qua bài viết này, tôi muốn chia sẻ cùng các thầy cô, các bậc phụ huynh nói chung và các thầy cô dạy Vật lý 6 nói riêng một số nhìn nhận của tôi về chương trình cũng như đối tượng học sinh lớp 6. Mong muốn đây cũng là một thông tin phần nào có ý nghĩa đối với cán bộ quản lý chuyên môn của các trường THCS.

Đây là cảm nhận sau một năm trực tiếp giảng dạy Vật lý 6, chỉ là suy nghĩ chủ quan của tôi, rất mong nhận được những ý kiến của các đồng nghiệp, các phụ huynh học sinh để chúng ta cùng hoàn thiện hơn và phục vụ ngày càng tốt hơn trong sự nghiệp trồng người.

Tin mới