Có nên quy định mại dâm là một nghề?

Từ lâu, với nhiều người, "buôn phấn bán hương" vẫn là một nghề để kiếm sống, tuy nhiên tại Việt Nam đây là hành vi bị pháp luật ngăn cấm.
Mại dâm là một hoạt động tồn tại đã lâu, theo báo cáo của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), hoạt động mại dâm ở Indonesia, Thái Lan, Malaysia đóng góp 2-14% GDP và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động. Ở một số nước, mại dâm được coi là nghề, nhưng đa số các nước trên thế giới hoạt động này bị coi là vi phạm pháp luật, trong đó có cả các nước phát triển và có tư tưởng rất thoáng về quan hệ tình dục như Mỹ, Việt Nam cũng nằm trong nhóm này.
Có nên quy định mại dâm là một nghề? ảnh 1
Tại một số nước, mại dâm được coi như một nghề. Ảnh minh họa.
Báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH cho thấy, tại Việt Nam, hoạt động mại dâm giảm về bề nổi, nhưng đi vào tinh vi hơn, có các đường dây hoạt động mại dâm liên tỉnh, ra nước ngoài, mại dâm nam, mại dâm đồng giới buôn bán người vì mục đích mại dâm, mại dâm có yếu tố nước ngoài gia tăng…
Số liệu từ ILO cho thấy nước ta hiện có khoảng 100.000 người bán dâm, trong đó, có khoảng 75.000 người là nữ giới.
Để giảm thiểu những tác động tiêu cực của mại dâm, nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh việc có nên hình sự hóa hay hợp pháp hóa hoạt động mại dâm, coi đây là một nghề hay không?
Tại “Hội thảo với các đại biểu Quốc hội về quan điểm, định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm” do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, phối hợp với tổ chức Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức ngày 28/3, ông Trần Văn Đạt, Phó vụ trưởng Vụ Các vấn đề xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cho rằng xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu đổi mới thì quan điểm xây dựng luật về phòng, chống mại dâm cần hướng dần đến việc công nhận mại dâm là một nghề. Nhà nước nên thừa nhận mại dâm và tổ chức quản lý hoạt động mại dâm trong các khu riêng biệt như một số quốc gia lân cận và trên thế giới. Chỉ như vậy, Việt Nam mới có thể quản lý cũng như hạn chế tối đa việc lây nhiễm các bệnh về tình dục.
“Trong những năm qua, chúng ta đã rất quan tâm đến việc phòng chống mại dâm. Ban hành pháp lệnh về phòng chống mại dâm năm 2003, cho đến thời điểm này, đã thực hiện được gần 20 năm, nhưng vẫn có những hạn chế nhất định. Tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có vấn đề về cơ chế, chúng ta chưa công nhận mại dâm là một nghề.
Nếu chúng ta coi đây là một nghề, sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề khác nhau, chẳng hạn như những người hành nghề phải đăng ký, khám sức khỏe định kỳ, không có chuyện lây lan bệnh tật, thậm chí, có thể thành lập những tổ chức chuyên biệt để giám sát hoạt động này. Đây là biện pháp chúng ta cần tính toán đến”, ông Đạt nêu quan điểm.
Tuy nhiên, Phó vụ trưởng Vụ Các vấn đề xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cũng cho rằng, đây là vấn đề cần có đánh giá, nghiên cứu một cách nghiêm túc, thấu đáo. Bởi lẽ, mại dâm là một vấn đề xã hội, để giải quyết cần có những biện pháp mang tính xã hội, phù hợp, trong một thời điểm nhất định. Mặt khác, giải quyết vấn đề này, cần xem xét dưới nhiều góc độ, nhiều yếu tố văn hóa xã hội khác nhau.
Còn theo ông Nguyễn Trọng Đàm, Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, nên hình sự hóa, hay công nhận mại dâm là một nghề là vấn đề phức tạp ở Việt Nam. Trên thế giới, không có quốc gia nào hình sự hóa hoàn toàn hay phi hình sự hóa hoàn toàn các hoạt động mại dâm mà đều có những mức điều chỉnh khác nhau.
Đưa vào hoàn cảnh của Việt Nam, ông Đàm cho rằng: "Nếu vẫn tiếp tục cấm các hình thức mại dâm như hiện nay, quy định chặt chẽ hơn trong việc xử lý các hành vi này, tương lai đoán trước được sẽ không có gì thay đổi so với hiện tại. Mại dâm vẫn sẽ tồn tại, nguy hại cao".
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cũng băn khoăn rằng: “Nếu coi mại dâm là một nghề, liệu có xuôi? Tôi đoán chắc là không. Vấn đề này còn liên quan đến nhiều vấn đề khác, phải có điều kiện làm nghề, quy định rõ làm ở đâu, quản lý vấn đề giới thiệu, quảng cáo ra sao”.
Thực tế, vấn đề coi mại dâm là một nghề đã được đưa ra thảo luận ở nhiều hội thảo trước đây. Có quan điểm cho rằng, khi Việt Nam xây dựng các đặc khu kinh tế, có thể xây dựng các phố đèn đỏ trong khu vui chơi giải trí.
Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục phòng chống Tệ nạn xã hội, Bộ LĐ-TB-XH cho rằng cần nghiên cứu thấu đáo vấn đề này, không thể cứ có đặc khu kinh tế, vui chơi giải trí là có hoạt động mại dâm: “Theo quan điểm cá nhân, hiện nay tại Việt Nam, chưa thể phi hình sự hóa hoàn toàn, phát triển nghề mại dâm, bởi lẽ đây là vấn đề liên quan đến thuần phong mỹ tục, đạo đức, lối sống, các vấn đề liên quan đến luật giáo dục nghề nghiệp, mô hình thành lập nghề nếu công nhận cũng rất phức tạp”.
Ông Lập cho rằng, Việt Nam cần tôn trọng công ước về quyền con người Việt Nam đã ký tham gia cũng như tôn trọng hiến pháp; loại bỏ khỏi đời sống xã hội những hình thức tổ chức, hoạt động mại dâm trái pháp luật, đặc biệt liên quan đến bóc lột tình dục, buôn bán phụ nữ và trẻ em.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác giảm hại đối với những người mua bán dâm và chính gia đình của họ, nâng cao chất lượng, khả năng tiếp cận dịch vụ cho người bán dâm và an sinh xã hội để những người này có thể hòa nhập cộng đồng.
Kinh nghiệm từ Thái Lan
Theo ông Đinh Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em Bộ Y tế, nước láng giềng Thái Lan không cho phép mại dâm, nhưng họ có quan điểm "hài hòa lợi ích" và từ đó quản lý tốt hơn hoạt động này, tiếp cận được những người hành nghề để hỗ trợ họ khám sức khỏe, can thiệp giảm nguy cơ.
Cụ thể, Thái Lan triển khai mô hình 100% bao cao su rất hiệu quả trong việc phòng chống HIV và các bệnh lây qua đường tình dục. Đây cũng là điểm thay đổi lớn so với khi nước này quản ký theo kiểu cấm đoán nghiêm ngặt, rất khó để tiếp cận nhằm kiểm soát tác hại.
Từ kinh nghiệm nghiên cứu các nước trên thế giới, đại diện tổ chức UNFPA phân tích, nếu phi hình sự hóa mại dâm sẽ không làm gia tăng tình trạng này. Ngược lại, còn giúp người mại dâm tiếp cận với các dịch vụ HIV và sức khỏe tình dục, tạo điều kiện hỗ trợ pháp lý cho người mại dâm để họ tiếp cận được nguồn thông tin và chương trình liên quan đến công việc, bảo hiểm, giao thông và các chương trình trợ cấp.
Tuy nhiên, nếu hợp pháp hóa mại dâm, coi đây là một nghề lại có thể tiềm ẩn những nguy cơ nhất định. Bởi đa số người mại dâm hoạt động bên ngoài hệ thống đăng ký. Cách tiếp cận này có thể đẩy số đông người mại dâm ra bên lề xã hội.
Hơn nữa, việc hợp pháp hóa, cũng có thể dẫn đến việc vi phạm các quyền con người, xuất phát từ việc cấp phép đăng ký kinh doanh, do buộc phải xét nghiệm, đăng ký người mại dâm với chính quyền./.

Tin mới