Có nên sản xuất gạch nung từ đất đồi? ​

(Baonghean.vn) - Cấp phép hay không cấp phép cho các dự án sản xuất gạch xây từ đất đồi và đất bãi ven sông theo công nghệ mới, đang là vấn đề khó xử của các địa phương và có những luồng ý kiến trái chiều.

Sau đây là trao đổi của ông Tống Văn Nga - Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, kiêm Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng về vấn đề này.

Phóng viên: Hiện nay, một số DN đã và đang muốn đầu tư sản xuất gạch nung từ đất đồi và đất bãi ven sông theo công nghệ (CN) mới với giá thành thấp, chất lượng đảm bảo nhưng có địa phương cấp phép, có nơi không và có nhiều luồng ý kiến trái chiều về vấn đề này. Vậy xin ông cho biết quan điểm của Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam?

Ông Tống Văn Nga: Trước tiên phải nói rằng, gạch đất sét nung là loại vật liệu xây đã được cha ông ta dùng từ hàng trăm năm nay và không ai có thể phủ nhận các đặc tính ưu việt của nó như chống thấm nước, cách âm, cách nhiệt và đẹp. Tuy nhiên, gạch đất sét nung được sản xuất từ đất trồng lúa, nếu chỉ dùng gạch đất sét nung sẽ làm giảm diện tích đất canh tác, ảnh hưởng tới an ninh lương thực, thêm vào đó, sản xuất gạch đất sét nung sẽ phải sử dụng than là loại khoáng sản không tái tạo và khi nung sẽ gây ô nhiễm môi trường.

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) đến năm 2020. Mục tiêu nhằm phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ: 20 - 25% vào năm 2015, 30 - 40% vào năm 2020. Như vậy, song song với việc sản xuất VLXKN vẫn tiếp tục sản xuất vật liệu đất sét nung để đảm bảo đủ vật liệu xây cung cấp cho thị trường.

Sản phẩm gạch sản xuất từ đất đồi theo công nghệ mới.
Sản phẩm gạch sản xuất từ đất đồi theo công nghệ mới.
Mới đây, trên thị trường đã phát triển CN mới sản xuất gạch đất nung từ đất đồi và đất bãi ven sông, hoàn toàn không sử dụng đất sét (đất ruộng) mà vẫn đảm bảo chất lượng như gạch đất sét nung, thậm chí một số chỉ tiêu còn cao hơn, mà giảm chi phí năng lượng, giá thành thấp hơn nhiều so với gạch Tuynel từ đất sét nung. Đây là điều đáng mừng. Tuy nhiên, các địa phương cần cân đối theo khả năng sản xuất và nhu cầu thị trường để ưu tiên phát triển VLXKN, một loại vật liệu mới tiên tiến, bảo vệ môi trường, song song với sản xuất gạch đất nung theo tỷ lệ phù hợp. Cần chú ý là gạch đất nung chứ không phải gạch đất sét nung.
Phóng viên: Thưa ông, như đã nói: Cần phân biệt giữa gạch đất nung và gạch đất sét nung, vậy để cho người ngoài ngành hiểu rõ, xin ông nói cụ thể hơn?
Ông Tống Văn Nga: Gạch đất sét nung là gạch sản xuất theo công nghệ cũ, phải sử dụng đất sét, nghĩa là đất trồng lúa để đảm bảo độ dẻo và độ ẩm nhất định khi sản xuất mới tạo hình được viên gạch và nung không bị nứt. Hiện nay, công nghệ mới là công nghệ bán khô, nguyên liệu không cần dẻo, mịn vẫn ép được, không cần phơi trước khi vào lò nung, giảm được nhiều chi phí sản xuất, đặc biệt là sử dụng đất đồi và đất bãi ven sông, đất phế thải, phế thải CN: tro, xỉ nhiệt điện để sản xuất gạch. Đây là một bước tiến lớn về CN sản xuất gạch.
Trong khi chúng ta chưa thể phát triển được 100% VLXKN  thì nên cho phép các DN sản xuất loại gạch đất nung này. Hơn nữa, cần hiểu rằng gạch đất nung sẽ luôn song hành với VLXKN theo một tỷ lệ nhất định chứ không bao giờ bị thay thế hoàn toàn, mà nó sẽ được sử dụng vào các công trình cao cấp cần xây tường không trát để tạo sự phong phú về thẩm mỹ hoặc dùng để ốp, lát, trang trí kiến trúc.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Tin mới