Có những âm thầm, lặng lẽ…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Chúng tôi muốn nói về những người đã tin tưởng, trao gửi những thông tin quý; đồng hành, hỗ trợ làm sáng rõ những vấn đề phức tạp, nhưng không bao giờ xuất hiện trên mặt báo…

Hai lần vào vùng vàng

Đầu năm 2013, trước khi ngược Tương Dương tìm hiểu về tình trạng khai thác trái phép vàng, chúng tôi được Ban Biên tập nhắc: “Cần gì cứ đề xuất nhưng cố gắng có thông tin, hình ảnh sát thực, và phân tích được nguyên nhân…”. Ngày đó, Tương Dương “nổi tiếng” cả nước về tình trạng “vàng tặc”. Nếu chỉ tìm hiểu viết bài phản ánh thì không khó, nhưng để hoàn thành yêu cầu của Ban Biên tập thì quả có khó khăn.

Suy đi tính lại, đề xuất duy nhất đó là “Cho phép làm việc độc lập, không liên hệ với bất kỳ cơ quan nào ở Tương Dương…”. Được đồng ý, lên đến Tương Dương, chúng tôi xác định ngay được “vàng tặc” có nhiều tại các địa phương Yên Thắng, Yên Na, Yên Hòa, Yên Tĩnh và Hữu Khuông. Nhưng làm thế nào để tiếp cận những đối tượng hoạt động khai thác thì tính nát nước mà không ra cách. May nhờ bạn bè, chúng tôi liên hệ được một người tình nguyện đưa vào các hầm vàng chỉ với một yêu cầu duy nhất “giữ kín các thông tin cá nhân”.

Một bài báo về nạn khai thác vàng trên Báo Nghệ An điện tử. Ảnh: HG

Một bài báo về nạn khai thác vàng trên Báo Nghệ An điện tử. Ảnh: HG

Anh gốc người Nam Định, lang bạt tứ xứ rồi lên Tương Dương hành nghề săn đồ sinh vật cảnh. Làm nghề này, anh thông thạo tất cả vùng đồi núi, khe suối, cũng là nơi người ta thường tổ chức khai thác vàng. Nhờ có giọng nói của người xứ Bắc, anh vào vai dân Thái Nguyên đi tìm vỉa vàng rất “ngọt”. Đến hầm vàng nào, với chiêu thăm dò mua lại vỉa để khai thác, anh được các đối tượng làm vàng “săn đón”. Để rồi khi đối tượng “mất cảnh giác”, anh xoáy vào những nội dung “trọng tâm”, là phản ứng của chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đối với việc khai thác trái phép như thế nào. Còn chúng tôi, như những người giúp việc, lặng lẽ ghi lại thông tin, hình ảnh…

Nhờ có anh, trọn 2 ngày rong ruổi chúng tôi đầy ăm ắp những thông tin Tòa soạn yêu cầu. Khẳng định được nguyên nhân dẫn đến nạn “vàng tặc”ở Tương Dương kéo dài bởi có một bộ phận cán bộ có trách nhiệm, nhất là địa phương cơ sở đã dung túng, hỗ trợ. Loạt bài viết về vấn nạn “vàng tặc” đã được khởi đăng sau đó chỉ một thời gian ngắn…

Dịp cuối tháng 11/2021, chúng tôi lại ngược Tương Dương để lên núi Pu Phen - thủ phủ vàng tặc một thời - xác minh việc Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác vàng cho Công ty cổ phần Xây dựng và thương mại tổng hợp Thủ đô (Công ty Thủ đô). Nguyên nhân bởi cấp ủy, chính quyền và cử tri xã Yên Tĩnh chán ghét hoạt động khai thác vàng, rất bức xúc với công ty này khi có các hoạt động thăm dò trữ lượng vàng trên núi Pu Phen từ nhiều năm trước.

Việc thực tế núi Pu Phen, nắm bắt tâm tư của người dân địa phương diễn ra thuận lợi. Nhưng để tập hợp được đầy đủ hồ sơ, tài liệu cấp phép của Công ty Thủ đô thì không đơn giản. Vì Giấy phép là do Bộ TN&MT cấp; doanh nghiệp sau khi được cấp phép (năm 2017), không cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan cho các cấp, các ngành ở địa phương. Mất nhiều thời gian, tìm hỏi nhiều người, may nhờ một cán bộ từng công tác ở Tương Dương gợi mở các thông tin liên quan. Anh khẳng định vào khoảng năm 2014 - 2015, khi lập hồ sơ khai thác vàng trên núi Pu Phen, huyện Tương Dương có được hỏi ý kiến và có trả lời bằng văn bản...

Lần theo thông tin gợi mở, việc khai thác hồ sơ, tài liệu tiến đến cấp phép cho Công ty Thủ đô khai thác vàng trên núi Pu Phen đã đơn giản hơn rất nhiều. Nhờ đó, chứng minh được việc lập hồ sơ khai thác vàng của Công ty Thủ đô không chuẩn; việc cấp Giấy phép khai thác vàng không đảm bảo sát, đúng với quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Luật Khoáng sản. Loạt bài viết “Dứt điểm rút giấy phép khai thác vàng trên núi Pu Phen” đã được ra đời đúng thời điểm HĐND tỉnh tổ chức kỳ họp thứ 4, thực hiện chất vấn các vấn đề liên quan lĩnh vực khoáng sản.

Ghi nhớ ân tình

Thực ra, hai câu chuyện trên chỉ là những ví dụ nhỏ trong rất nhiều những vấn đề mà chúng tôi đã thực hiện. Như vài năm gần đây, nhận thấy tình trạng dự án treo, dự án chậm tiến độ, dự án sử dụng đất không đúng mục đích gây nên nhiều hệ lụy, dư luận xã hội bức xúc, Báo Nghệ An đã vào cuộc mạnh mẽ.

Mặt trái tại nhiều dự án có quy mô sử dụng đất lớn đã được Báo Nghệ An làm rõ, công khai minh bạch thông tin ở nhiều tuyến bài. Bởi tính chân thực, khách quan và phản ánh rõ ràng những vi phạm, sai phạm của các cá nhân, tổ chức liên quan, vì vậy, những tuyến bài này được độc giả đón nhận, cấp thẩm quyền và các cơ quan chức năng quan tâm, xử lý.

Bìa một bài viết về dự án treo trên Báo Nghệ An điện tử. Ảnh: HG
Bìa một bài viết về dự án treo trên Báo Nghệ An điện tử. Ảnh: HG

Đây là một trong những phần việc mà Báo Nghệ An đã làm được. Nhưng nếu không có sự đồng hành, giúp đỡ thì Báo Nghệ An chỉ có những bài viết phản ánh bề nổi, chứ không thể có những tuyến bài đào sâu, lý giải được bản chất vấn đề. Chúng tôi cũng biết rằng, những người đã giúp đỡ mình đều mong muốn những vấn đề bức xúc, bất công trong xã hội được giải quyết. Mục đích đó sáng trong, không vụ lợi, ngàn lần tốt đẹp.

Nhưng khi tác phẩm báo chí ra đời, vấn đề liên quan được xem xét giải quyết, người làm báo không chỉ hoàn thành nhiệm vụ được giao, mà được bạn đọc biết đến, và còn có thể đạt được những thành tích, được tôn vinh. Còn sự đồng hành, giúp đỡ hết sức quý báu của rất nhiều người thì vì những lý do tế nhị, phải giấu kín, không được xã hội biết đến.

Bởi vậy, chúng tôi xin tri ân, và luôn ghi nhớ. Để thêm trách nhiệm, xứng đáng với những người đã âm thầm, lặng lẽ giúp đỡ mình…

Tin mới