Có những cặp vợ chồng tảo hôn ở Nghệ An chỉ mới 12 – 13 tuổi

(Baonghean.vn) - Tình trạng tảo hôn ở Nghệ An vẫn gia tăng hàng năm và độ tuổi tảo hôn ngày càng giảm, có những cặp tảo hôn ở độ tuổi 12 – 13 tuổi.
Đây là vấn đề được nêu ra tại cuộc làm việc giữa Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh với Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An sáng 2/4 về tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Mai Hoa
Bà Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Cùng tham dự có bà Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và đại diện một số ngành, đoàn thể liên quan. Mai Hoa

Chưa có trường hợp nào bị xử lý

Trên cơ sở khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở các địa phương đang kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến chất lượng dân số, duy trì giống nòi.

Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao và nguy cơ tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi; quyền của trẻ em cũng không được đảm bảo do tảo hôn nên không được đăng ký kết hôn và trẻ sinh ra không làm giấy khai sinh, không có thẻ BHYT…

Tình trạng tảo hôn cũng đồng nghĩa là thất học do nhiều cháu bỏ học giữa chừng và nghèo đói.

Theo kết quả khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh vừa qua tại 3 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, từ năm 2015 đến 2018 có hơn 713 cặp tảo hôn, trong đó có 192 cháu gái dưới 16 tuổi. Riêng hôn nhân cận huyết thống có hơn 30 cặp.

Điều đáng quan tâm là tình trạng tảo hôn gia tăng hàng năm và độ tuổi tảo hôn ngày càng giảm, từ độ tuổi dưới 16 đến dưới 18, nay có những cặp tảo hôn ở độ tuổi 12 - 13 tuổi.

Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội Nguyễn Thị Lan, cho rằng, mạc dù luật pháp quy định nhưng chưa có trường hợp nào bị xử lý liên quan đến kết hôn trái quy định. Ảnh: Mai Hoa
Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Lan cho rằng, mặc dù luật pháp quy định nhưng chưa có trường hợp nào bị xử lý liên quan đến kết hôn trái quy định. Ảnh: Mai Hoa

Tại cuộc làm việc, đại diện Ban Dân tộc tỉnh và một số sở, ngành, đoàn thể đã khẳng định sự quan tâm triển khai, tuyên truyền, vận động, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên hiệu quả mang lại chưa cao, khó khăn do nhận thức và tập tục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Lan - Phó Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh, quá trình khảo sát trực tiếp một số trường hợp thì tình trạng tảo hôn diễn ra trong cả các gia đình cán bộ, công chức; có cả con của Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, Hiệu trưởng trường học và công chức Tư pháp xã…

Mặt khác, mặc dù Luật Hôn nhân và Gia đình quy định, đối với các trường hợp kết hôn trái pháp luật, trong đó có tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, các cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.

Luật Hình sự có quy định, đối với hành vi tảo hôn hoặc tội giao cấu với trẻ em từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi thì bị xử lý hình sự; song qua khảo sát chưa có trường hợp nào bị xử lý.

Đồng tình với ý kiến Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh, bà Thái Thị An Chung - Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cũng cho biết: Chính phủ cũng có Nghị định quy định cụ thể, đặc biệt là đối với cán bộ, công chức, đảng viên cần xử lý hành vi vi phạm những điều cấm trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, trong đó tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Ông Lương Thanh Hải - Trưởng ban Dân tộc tỉnh chia sẻ mộ số khó khăn trong tuyên truyền, khảo sát tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: Mai Hoa
Ông Lương Thanh Hải - Trưởng ban Dân tộc tỉnh chia sẻ một số khó khăn trong tuyên truyền, khảo sát tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: Mai Hoa

Đổi mới công tác tuyên truyền

Kết luận tại cuộc làm việc, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hường nhấn mạnh: Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 và qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung tiếp tục đặt vấn đề cấm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Vì vậy, trách nhiệm thực hiện đối với nhiệm vụ này là của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị, chứ không riêng Ban chỉ đạo ở cấp tỉnh và cũng không phải riêng 9 xã của 4 huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong thuộc phạm vi của Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

BĐBP Nghệ An phát tờ rơi tuyên truyền phổ biến pháp luật cho phụ nữ vùng biên. Ảnh tư liệu
BĐBP Nghệ An phát tờ rơi tuyên truyền phổ biến pháp luật cho phụ nữ vùng biên. Ảnh tư liệu
Bà Nguyễn Thị Thu Hường đề nghị Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cần kiện toàn lại, đồng thời làm rõ trách nhiệm của từng thành viên; chú trọng công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều cách, hình thức nhằm thay đổi nhận thức, ý thức trách nhiệm không chỉ các đối tượng học sinh, trẻ vị thành niên, phụ huynh mà cả cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cấp huyện và xã; tuyên truyền cần lồng ghép với chống mù chữ, tái mù chữ; đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định.

Cấp ủy, chính quyền cấp huyện và xã cần có trách nhiệm xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm, có chỉ tiêu, giải pháp cụ thể, nhằm tạo bước chuyển thật sự trong nhiệm vụ này.

Tin mới