Có những điều phải viết, dù đau…

(Baonghean.vn) - Khi đặt bút viết những dòng viết liên quan đến nghề, đến người làm cùng nghề, hẳn không ai muốn viết về góc khuất…

“Sự cố” Châu Bính

Đầu tháng 10/2020 là thời điểm Báo Nghệ An tiếp nhận những thông tin đầu tiên từ xã nghèo Châu Bính (Quỳ Châu), về một số người xưng danh là phóng viên, nhà báo có hành vi sách nhiễu địa phương.

Theo báo cáo từ xã Châu Bính "vào khoảng 16 giờ 30 phút, ngày 23/9/2020, có 3 người (1 nam, 2 nữ), khoảng 30 - 35 tuổi đến đi quanh các phòng làm việc tại trụ sở UBND xã Châu Bính, họ sử dụng điện thoại cá nhân chụp ảnh, quay phim; xin số điện thoại của lãnh đạo xã… Sau đó, gửi hình ảnh, video đã quay, chụp được cho một vài cán bộ, đồng thời, nhắn tin với hàm ý dọa dẫm".

Bài viết trên Báo Nghệ An liên quan đến vụ việc. Ảnh chụp màn hình
Bài viết trên Báo Nghệ An liên quan đến vụ việc. Ảnh chụp màn hình

Cùng với những hành vi “khác lạ” trên, tại giấy giới thiệu mà 1 trong 3 người này sử dụng, không đúng với quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đó là đề những thông tin chung chung, không rõ ràng như “Được cử đến các cơ quan doanh nghiệp”, để “Liên hệ về việc khai thác thông tin phục vụ công tác báo chí”; đặc biệt, thời hạn của giấy giới thiệu kéo dài đến 10 tháng. Chính vì vậy, xã Châu Bính băn khoăn đặt ra vấn đề: Những người này đã có hành vi vi phạm đạo đức nghề báo, hay còn cả mạo danh người làm báo?.

Bằng linh cảm, và cùng cả với thực tế của hoạt động báo chí dăm năm trở lại nay trên địa bàn tỉnh, dù chưa xác minh, tiếp cận hồ sơ liên quan nhưng chúng tôi nhận định sự việc xảy ra ở xã nghèo Châu Bính sẽ là thêm một “vết đen”, ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của người làm báo.

Cán bộ xã Châu Bình phản ánh với phóng viên Báo Nghệ An. Ảnh: PV
 

Ứng xử sao đây trước thông tin cơ sở gửi về? Có những đắn đo. Nhưng quyết định tiếp nhận, xử lý thông tin xã Châu Bính được đưa ra. Bởi chỉ ít thời gian sau, chúng tôi tiếp nhận được thông tin từ Sở TT&TT: Tạp chí Dân tộc và Thời đại có văn bản xác nhận đối tượng ở Châu Bính (đang sử dụng giấy giới thiệu có đóng dấu, đề tên tạp chí này) không phải là cán bộ, phóng viên của họ. Hơn nữa, khi có thông tin phản ánh chính danh từ cơ sở, việc xác minh làm rõ và có phản hồi đã là nguyên tắc, thuộc phạm vi chức trách, nhiệm vụ của cơ quan báo chí, và cũng là trách nhiệm, đạo đức của người làm báo đối với xã hội. Riêng với báo Đảng Nghệ An, còn là góp phần cùng các cơ quan chức năng loại bỏ những vấn nạn đang tồn tại trên địa bàn, gây bức xúc cho các địa phương cơ sở.

Những trang viết nhọc nhằn

Ngược lên Châu Bính tiếp cận những biên bản, tài liệu liên quan, trò chuyện với những cán bộ biết chuyện, thì những băn khoăn, hồ nghi về nhóm đối tượng nêu tại Văn bản số 74/BC-UBND của chính quyền xã là rõ ràng có cơ sở. Đáng nói, qua các tài liệu, gồm giấy giới thiệu, các bản hợp đồng tuyên truyền quảng cáo, phát hành đã cho thấy nhóm người này không những có dấu hiệu quan hệ với tạp chí Dân tộc và Thời đại, mà còn với cả tạp chí Tri thức Xanh.

Những bài viết về vụ việc ở Châu Bính sau đó đã được đăng tải trên cả hai ấn phẩm báo in, báo điện tử của Báo Nghệ An. Ngoài thông tin chi tiết về sự việc đã diễn ra, những bài viết này còn đưa ra các thông tin cho thấy dấu hiệu mối quan hệ của họ với hai cơ quan tạp chí trên. Sở dĩ vậy, bởi điều chúng tôi hướng đến không chỉ nhằm làm rõ các hành vi vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật đối với nhóm người này, mà còn mong muốn các cơ quan chức năng trên cơ sở thông tin tài liệu đã có, làm rõ thêm trách nhiệm của hai cơ quan tạp chí.


Những bài viết liên quan đến vụ việc ở Quỳ Châu. Ảnh chụp màn hình Báo Nghệ An.
Những bài viết liên quan đến vụ việc ở Quỳ Châu. Ảnh chụp màn hình Báo Nghệ An.

Lý do bởi trong thời gian đã qua, tình trạng mượn danh, núp bóng cơ quan báo chí nhũng nhiễu đã trở thành vấn nạn, gây nên những bức xúc cho địa phương cơ sở, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân; và làm mất niềm tin của xã hội đối với báo chí, với người làm báo chân chính. Mà một trong những nguyên nhân chính yếu là “nở rộ” các báo, tạp chí điện tử.

Những cơ quan báo chí này được cấp phép hoạt động trên nền tự chủ về tài chính; trong số đó đã tuyển dụng cán bộ, phóng viên dễ dãi, tùy tiện; tổ chức hoạt động nghề nghiệp không hướng đến tôn chỉ mục đích đã đề ra để được cấp phép hoạt động; phóng viên, công tác viên của họ cốt yếu chỉ tập trung săm soi những sai sót của các địa phương cơ sở, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân để tìm cách bắt lỗi, để sau đó ép chung chi hoặc viết bài tuyên truyền..  

Chúng tôi đã động viên nhau đây là việc cần làm, phải làm. Để nếu những hành vi sai trái ở Châu Bính có nguyên do từ cách tiếp nhận, sử dụng người của hai  cơ quan tạp chí thì việc xử lý sẽ tận gốc, hoặc cũng sẽ là câu chuyện thực tiễn từ cơ sở, góp phần giúp các cơ quan có thẩm quyền chấn chỉnh hoạt động báo chí.

Nhưng viết ra những dòng chữ đề cập đến mảng tối nghề nghiệp, thật nhọc nhằn và đau lòng. Chút an ủi là sau khi được đăng tải, tuyến bài đã được không chỉ xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu, mà nhiều các địa phương cơ sở trong tỉnh đón nhận với thái độ trân trọng.

Và điều chúng tôi hướng đến đã được các cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý. Đó là việc ngày 16/10/2020,  Sở TT&TT có Công văn số 1425/STTTT- TTBCXB về việc “xử lý thông tin liên quan đến hoạt động báo chí tại huyện Quỳ Châu” gửi đến Công an tỉnh. Tại đây, Sở TT&TT  đề nghị Công an tỉnh vào cuộc vụ “dấu hiệu nhà báo sách nhiễu ở Quỳ Châu”. Ngay ở những ngày đầu tháng 11/2020 này, chúng tôi tiếp tục nhận được thông tin, Công an tỉnh đã chỉ đạo phòng chức năng điều tra làm rõ, trong đó, căn cứ trên những thông tin chứng cứ, sẽ hướng đến những vấn đề Báo Nghệ An đề cập.

Tin mới