Có thể bảo tồn một phần Khu chung cư Quang Trung?

Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ nước CHDC Đức đã đồng ý viện trợ để quy hoạch và xây dựng lại thành phố Vinh. Ngày 22/10/1973, tại Berlin, Thủ đô CHDC Đức, Hiệp định Tái thiết thành phố Vinh sau chiến tranh được Thủ tướng hai nước ký kết. Hiệp định được thực hiện từ năm 1973 đến năm 1978, sau đó gia hạn thêm 2 năm đến năm 1980.

Theo đó, CHDC Đức không chỉ giúp Việt Nam quy hoạch tổng thể thành phố Vinh, xây dựng khu chung cư Quang Trung, mà còn giúp đỡ xây dựng gần 30 công trình khác về công nghiệp, về khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất cấu kiện bê tông, nâng cấp Nhà máy nước, xây dựng hoặc cải tạo hàng loạt các công trình văn hóa, dân sinh khác.

Phó Thủ tướng Đỗ Mười đặt viên gạch đầu tiên tại lễ khởi công xây dựng Khu chung cư Quang Trung, ngày 1/5/1974.
Phó Thủ tướng Đỗ Mười đặt viên gạch đầu tiên tại lễ khởi công xây dựng Khu chung cư Quang Trung, ngày 1/5/1974.

Ngay sau khi Hiệp định được ký kết, các chuyên gia Đức đã sang thành phố Vinh, cùng cán bộ Việt Nam khảo sát lập quy hoạch và chuẩn bị các điều kiện để tái thiết thành phố Vinh. Tính ra trong 7 năm đã có 213 chuyên gia Đức làm việc tại Vinh.

Ngày 1/5/1974, lễ khởi công xây dựng khu Quang Trung được tưng bừng tổ chức, với sự có mặt của Phó Thủ tướng Chính phủ Đỗ Mười, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHDC Đức. Phó Thủ tướng Đỗ Mười cùng Đại sứ CHDC Đức và Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An khi đó là ông Nguyễn Sỹ Quế đã trịnh trọng đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng công trình, mở đầu cho quá trình hồi sinh của thành phố Vinh sau chiến tranh. Có thông tin dưới chân móng tòa nhà A1, lúc bấy giờ các chuyên gia Đức và lãnh đạo Nghệ An đã cùng chôn một “báu vật” gửi các thế hệ mai sau, theo phong tục nước bạn và nghi thức ngoại giao.

Theo quy hoạch ban đầu, khu chung cư Quang Trung được xây dựng cả hai phía Đông và Tây đường Quang Trung, với diện tích 30 ha. Kế hoạch sẽ xây dựng 2.480 căn hộ, 65.800m2, cho 15.600 người cư trú, trong đó có 70% căn hộ gia đình và 30% căn hộ tập thể. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân, sau 7 năm xây dựng, đến đầu những năm 1980, khi Hiệp định giữa hai nước hết hạn, khu Quang Trung cũng xây dựng được 24 tòa nhà 5 tầng, 1.829 căn hộ, tổng diện tích 41.233m2, đủ chỗ ở cho gần 9.000 người.

Trong quần thể khu chung cư Quang Trung có 6 trường học các cấp, cùng các công trình văn hóa, thể thao và thương mại. Rạp chiếu phim 12/9, vốn được xây dựng trong giai đoạn trước cũng được cải tạo và nâng cấp, đủ chỗ cho 500 người, không chỉ chiếu phim, mà còn phục vụ các hội nghị của tỉnh và thành phố thời kỳ đó. Năm 1980, Nhà văn hóa Thiếu nhi Việt Đức, mang tên người cộng sản Éc-nét Ten-lơ-man được khánh thành. Chợ Vinh, Trung tâm thương mại Quang Trung và 2 khu chợ dân sinh và nhiều ki ốt khác cũng được mở ra, để phục vụ nhu cầu của hàng nghìn hộ dân trong khu vực.

Mặc dù đến năm 1982, khu Quang Trung mới cơ bản hoàn thành, nhưng ngay từ năm 1976, cứ mỗi nhà xây xong là lập tức làm lễ cắt băng khánh thành và đón các gia đình vào ở ngay. Có thể nói thời kỳ đó, hầu như không có địa phương nào ở miền Bắc có một khu chung cư cao tầng khang trang, hiện đại và tiện nghi như vậy.

Với gần 50 năm ra đời, khu chung cư Quang Trung được xem là một “di sản đô thị” quan trọng nhất của thành phố Vinh thời hiện đại. Giá trị nổi bật của di sản đô thị này, trước hết, đó là công trình có tính biểu tượng về sự hồi sinh mạnh mẽ của đô thị Vinh sau chiến tranh. Thứ hai, đây là công trình biểu tượng cho tình hữu nghị Việt – Đức nói riêng, cho sự ủng hộ của các nước trên thế giới đối với nhân dân thành phố Vinh, nhân dân Việt Nam nói chung. Những người bạn anh em CHDC Đức không chỉ quy hoạch thành phố Vinh, xây dựng khu Quang Trung, mà còn giúp đỡ xây dựng mới, hoặc cải tạo, nâng cấp gần 30 công trình công nghiệp, xây dựng và dân sinh quan trọng khác, góp phần làm thay đổi hẳn diện mạo thành phố Vinh. Không chỉ thế, CHDC Đức còn giúp đỡ thành phố Vinh và tỉnh Nghệ An xây dựng, đào tạo một đội ngũ cán bộ quản lý và kỹ thuật xây dựng đô thị hết sức quan trọng cho sự phát triển của thành phố.

Thứ ba, về mặt xã hội học đô thị, đây là một mô hình cư trú tách biệt. Hàng chục năm qua, đây là nơi sinh sống của gia đình cán bộ lãnh đạo, các trí thức hàng đầu, những người có công, những người có thành tích xuất sắc. Khu Quang Trung một thời là niềm tự hào của người ở và nỗi khát khao của hàng vạn người khác. Nếu không bảo tồn, chỉ dăm mười năm nữa thôi, người dân cũng như các nhà nghiên cứu sẽ không hình dung nổi một thời nổi bật của khu nhà tầng Quang Trung.

Thứ tư, về mặt kiến trúc và xây dựng, khu Quang Trung cũng là một mô hình quy hoạch đô thị độc đáo về không gian sống trong mỗi tòa nhà, mỗi căn hộ, được cho là hiện đại và tiện nghi một thời. Đặc biệt về quy hoạch toàn khu cho đến nay vẫn có giá trị rất cao. Kỹ thuật xây dựng các ngôi nhà cũng là những di sản cần lưu lại cho hậu thế. Đó là chưa kể quy hoạch tổng thể về không gian đô thị Vinh do các chuyên gia Đức lập đã tạo một nền tảng hiện đại cho sự phát triển của thành phố.

Hiện nay, sự xuống cấp của khu Quang Trung đang đe dọa cuộc sống của hàng trăm hộ gia đình là một thực tế. Việc cải tạo, xây dựng lại các tòa nhà to đẹp hơn, đàng hoàng hơn là cần thiết và cấp bách. Thế nhưng, với các giá trị nổi bật và độc đáo nói trên, khu chung cư Quang Trung xứng đáng là một di sản đô thị quan trọng, cần được bảo tồn và phát huy giá trị cho cuộc sống hiện tại cũng như tương lai. Tuy nhiên, bảo tồn lại tất cả như nó đã từng có là không thể và cũng không cần thiết, không nên. Được biết, hiện nay chủ trương và kế hoạch tái thiết lại khu Quang Trung đã và đang được triển khai. Nhiều tòa nhà đã được phá dỡ và xây dựng lại. Các tòa nhà khác cũng đã được giao cho các doanh nghiệp để tiếp tục dỡ bỏ, xây mới.

Thiết nghĩ, trong điều kiện hiện nay, cần thiết và có thể lựa chọn một tòa nhà, hoặc một phần của một tòa nhà để bảo tồn. Theo đó, nên gia cố, tu bổ lại, cố gắng phục dựng như nguyên trạng trước đây. Các căn hộ bên trong cũng vậy, cố gắng giữ lại và gia cố như nó đã từng. Ngành văn hóa cần khảo sát, lập hồ sơ khoa học, đề nghị công nhận tòa nhà, hoặc một phần của tòa nhà được chọn là di tích lịch sử, đại diện cho cả khu chung cư Quang Trung. Trên cơ sở đó, khoanh vùng bảo vệ theo Luật Di sản.

Quang cảnh khu C Quang Trung.
Quang cảnh khu C Quang Trung.

Tuy nhiên, không nên bảo tồn di sản này theo kiểu “di sản chết”, mà vẫn có thể khai thác. Có thể biến không gian những căn hộ được bảo tồn này thành chính nơi trưng bày các hiện vật, tài liệu, tranh ảnh, mô hình về quá trình xây dựng và hoạt động của khu chung cư Quang Trung. Cũng có thể cho những người thu nhập thấp ở, hoặc kinh doanh dưới những hình thức phù hợp. Tin rằng, khu bảo tồn độc đáo này không chỉ đáp ứng tâm nguyện của nhân dân thành phố, nhất là những cư dân “nhà tầng” đã từng gắn bó một phần đời với khu nhà này, mà còn là điểm đến thú vị của du khách và mô hình trực quan sinh động cho các thế hệ và các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa mai sau. Hy vọng tâm nguyện này sẽ được lãnh đạo tỉnh, thành phố ghi nhận và có hành động kịp thời.