Con Cuông: Cần đánh thức tiềm năng di tích, danh thắng

(Baonghean) - Nằm ở vùng Tây Nam của Nghệ An, huyện Con Cuông được biết đến là một vùng đất cổ, có bề dày lịch sử và văn hóa với nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng. Tuy nhiên, việc khai thác giá trị hệ thống di tích, danh thắng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện còn ở mức khiêm tốn.

Một miền Trà Lân giàu trầm tích

Khoảng 500 năm trước, Trạng Bùng - Phùng Khắc Khoan đã viết thơ vịnh cảnh về vùng đất Con Cuông: “Núi chẳng cao, nước cũng chẳng sâu/ Tranh sơn thủy một màu ai khéo vẽ”. Hai câu thơ đã phác họa được núi non, sông nước của một miền quê hữu tình, dễ làm say đắm các bậc tao nhân mặc khách. Về phương diện lịch sử - văn hóa, mảnh đất Trà Lân từng gắn với chiến công vang dội của triều đại nhà Trần và nghĩa quân Lam Sơn trong các cuộc chiến đấu chống quân xâm lược nhà Minh.
Những vườn chè chạy dọc theo dãy núi đá vôi ở Bồng Khê (Con Cuông)
Những vườn chè chạy dọc theo dãy núi đá vôi ở Bồng Khê (Con Cuông)
Trải qua hàng trăm năm với bao thăng trầm, biến thiên, những chiến tích ấy vẫn hiện hữu trên từng ngọn núi, vách đá, bờ đất ven sông. Nói cách khác, vùng đất Con Cuông được thiên nhiên và lịch sử ưu ái ban tặng nhiều di tích và danh thắng.
Theo kết quả kiểm kê do Ban Quản lý Di tích - Danh thắng tỉnh mới tiến hành cuối tháng 10/2015, Con Cuông hiện có tổng số 41 di tích, danh thắng và di chỉ khảo cổ học. Các di tích, danh thắng ấy được phân bố hầu khắp các xã trong huyện, nhiều nhất là địa bàn các xã Yên Khê, Chi Khê, Bồng Khê, Đôn Phục, Lục Dạ và Môn Sơn.
Trong đó, có những di tích, danh thắng và di chỉ khảo cổ học được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến như: Thẩm Hoi, Thẩm Nàng Màn, bia Ma Nhai, Nhà cụ Vi Văn Khang, Vườn quốc gia Pù Mát, sông Giăng, suối Nước Mọc... Những danh lam, thắng cảnh này kết hợp với nét văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc của đồng bào Thái, Đan Lai cư trú trên địa bàn là tiềm năng để địa phương phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Và trên thực tế, người dân Con Cuông đã bắt đầu triển khai theo hướng đi này và có được những kết quả nhất định. 
Vẻ đẹp của Thẳm Tông - một danh thắng vừa được phát hiện tại Bình Chuẩn (Con Cuông).
Vẻ đẹp của Thẳm Tông - một danh thắng vừa được phát hiện tại Bình Chuẩn (Con Cuông).
Nơi quần tụ hang động
Thung lũng Yên Khê được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi tạo nên cảnh quan hùng vỹ và thơ mộng, ở đó có những hang động kỳ thú và hấp dẫn mời gọi người dân và du khách đến khám phá. Mới đây, trên địa bàn Yên Khê phát hiện thêm các di chỉ khảo cổ học: Pha Phầng, Thẩm Quài, Thẩm Tôn và hang Lò Cô. Tất cả gần như đang được giữ nguyên trạng với hệ thống nhũ đá phong phú, nhiều màu sắc, khi gõ vào phát ra luồng âm thanh như tiếng gió, tiếng chuông, cả tiếng suối.
Những công cụ bằng đá của người Việt cổ được tìm thấy tại
Những công cụ bằng đá của người Việt cổ được tìm thấy tại di chỉ khảo cổ học Pha Phầng (Yên Khê - Con Cuông)
Cùng với đó các loại vỏ sò, vỏ ốc hóa thạch và những viên đá được chế tác làm công cụ lao động (ghè, đẽo, nghiền) chứng tỏ đây từng là nơi cư trú của người Việt cổ. Điều đó giúp Yên Khê trở thành điểm đến đối với những ai ưa thích khám phá núi non, hang động và có những trải nghiệm thú vị trước vẻ đẹp bởi sự kiến tạo của bàn tay tạo hóa. 
Từ Yên Khê, vượt dốc Bù Ông, du khách sẽ đặt chân lên mảnh đất Lục Dạ thuộc vùng Mường Quạ, nơi cư trú của đồng bào Thái với lịch sử lâu đời cùng với những nét văn hóa mang đậm bản sắc. Bên cạnh thác Khe Kèm (Bộc Bố) được rất nhiều người biết đến và ca ngợi bởi vẻ đẹp hùng vỹ và thơ mộng, vùng đất này mới phát hiện thêm hang Noong Thẩm (Noong Mu) và Hoóng Nàng. Cũng như ở Yên Khê, hang động ở Lục Dạ vừa có cảnh quan đẹp, hệ thống nhũ đá phong phú về hình dáng, màu sắc, lại vừa có dấu vết sinh sống của người Việt cổ.
Bình Chuẩn là địa bàn giáp ranh giữa các huyện Con Cuông, Tương Dương và Qùy Hợp, mỗi lần nhắc đến đều gợi lên cảm giác xa xôi, cách trở. Nhưng nếu có cơ hội đặt chân đến đây, hầu hết mọi người đều ghé đến chiêm ngưỡng và khám phá Thẳm Tông, một danh thắng vừa mới được phát hiện với một vẻ đẹp nguyên sơ và kỳ ảo. Đây là một hang đá nằm trong dãy Phá Tông (điểm giáp ranh giữa bản Tông và bản Mét).
"Thác đá" trong Thẳm Nàng Màn (Yên Khê- Con Cuông)
"Thác đá" trong Thẳm Nàng Màn (Yên Khê- Con Cuông)
So với nhiều hang động khác trên địa bàn Con Cuông nói riêng và Nghệ An nói chung, Thẳm Tông chinh phục mọi người bằng hệ thống nhũ đá vô cùng đẹp mắt, có thể xem là một “kỳ quan thiên tạo”. Thẳm Tông có trần rộng, nền khá bằng phẳng, có dòng suối xanh mát chảy qua càng tôn thêm sự hấp dẫn. Càng đi sâu càng có thêm nhiều ngách, các ngách đều thông nhau và thông ra cửa chính, theo người dân địa phương, phải bỏ công từ 2 - 3 ngày mới dạo hết các ngách của Thẳm Tông. Thẳm Tông còn hấp dẫn bởi những phiến đá với những dáng phong phú, có phiến như chiếc giường lộng lẫy, chiếc ghế vững chãi, chiếc tủ cất giữ báu vật, chiếc rèm lấp lánh kim tuyến... làm nên dáng vẻ như một cung điện nguy nga, tráng lệ. 
Riêng xã Đôn Phục cũng vừa phát hiện 4 di tích, đó là nhà thờ họ Lang Vi, đình bản Xiềng, đền Xộp Ó và đền Quan Bang. Những di tích này chứa đựng những giá trị lịch sử của dòng họ, bản làng và vùng đất của người Thái bên tả ngạn sông Lam. Những di tích này cần tiếp tục được giữ gìn, tôn tạo và nghiên cứu để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 
Cần đánh thức tiềm năng
Ngoài các di tích lịch sử đã được công nhận (bia Ma Nhai, nhà cụ Vi Văn Khang), những thắng cảnh được biết đến từ khá lâu (Vườn quốc gia Pù Mát, thác Khe Kèm, suối Nước Mọc), những di tích và danh thắng còn lại đang như những “người đẹp ngủ trong rừng”. Nghĩa là giá trị của những di tích, danh thắng ấy chưa được khai thác và chưa được nhiều người biết đến, kể cả người dân trong huyện. Điều đó thể hiện nó chưa được quan tâm đúng mức. 
Anh Nguyễn Hồng Hiền, cán bộ phụ trách di tích - danh thắng của Trung tâm Văn hóa huyện Con Cuông là một người thường xuyên đi điền dã để tìm hiểu các vùng đất trên địa bàn. Anh cũng là người đã có công phát hiện ra một số địa điểm có giá trị khảo cổ học như hang Pha Phầng (Yên Khê) và Hoóng Nàng (Lục Dạ).  Xuất phát từ niềm đam mê, ý thức trách nhiệm với công việc và truyền thống quê hương, anh Hiền đã cất công ghi hình, dựng phim và viết lời bình về một số di tích, danh thắng với mong muốn làm tư liệu học tập ngoại khóa cho các trường học. Nhưng rồi mong muốn ấy không được các cấp, các ngành ở địa phương chấp nhận với lý do không đủ nguồn kinh phí để in sao đĩa tư liệu. 
Nhũ đá hình con voi trong hang Pha Phầng, Yên Khê
Nhũ đá hình con voi trong hang Pha Phầng, Yên Khê
Từ năm 2013, huyện đã ban hành Đề án “Bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái”. Mục tiêu Đề án là góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Nội dung đề án tập trung bảo tồn, khôi phục những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể để “níu chân” du khách. Đồng thời, vấn đề này còn có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống, xây dựng ý thức tự hào và xây dựng quê hương cho các thế hệ con cháu.
Bà Kha Thị Tím - Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định: “Với việc phát hiện thêm các di tích, danh thắng trên địa bàn, đưa tổng số lên 41, chúng tôi sẽ tiến hành phân loại, phân cấp. Từ đó đề xuất xây dựng kế hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”. 
CÔNG KIÊN

Tin mới