Con Cuông: Nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới

(Baonghean.vn) - Với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự hưởng ứng của người dân, các tiêu chí nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí giảm tỷ lệ hộ nghèo đã và đang được Con Cuông thực hiện hiệu quả, góp phần phát triển đời sống cho người dân nơi đây.

Điểm sáng Chi Khê

Chi Khê là xã nằm về phía Tây Nam của huyện miền núi Con Cuông, có 9 thôn bản (8/9 thôn bản có đồng bào dân tộc Thái sinh sống lâu đời), với 1.572 hộ và 6.438 khẩu. Là một xã thuần nông, những năm trước, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Năm 2015, Chi Khê bước vào xây dựng Nông thôn mới với nhiều thách thức lớn. Thách thức lớn nhất chính là tiêu chí giảm tỷ lệ hộ nghèo... Để hoàn thiện các tiêu chí, xã đã có nhiều nỗ lực cố gắng, đặc biệt là trong chỉ đạo, hỗ trợ người dân thực hiện hiệu quả các mô hình hỗ trợ sản xuất, nâng cao thu nhập.

Tiêu biểu là trường hợp chị Lao Thị Duyên ở bản Tổng Chai, trước đây là hộ nghèo do thiếu phương tiện, phương thức sản xuất, không có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Đây là lần đầu tiên mô hình bí được triển khai trồng tại xã Môn Sơn, nhưng bước đầu đã đem lại hiệu quả cao
Đây là lần đầu tiên mô hình bí được triển khai trồng tại xã Môn Sơn, nhưng bước đầu đã đem lại hiệu quả cao. Ảnh: Bá Hậu

Để giúp đỡ gia đình chị Duyên vươn lên thoát nghèo, huyện Con Cuông và xã Chi Khê đã thực hiện hỗ trợ cho 2 con bò giống sinh sản vào năm 2019. Đây chính là sự trợ lực, động viên rất lớn để gia đình vươn lên phát triển kinh tế. Đến nay, 2 con bò đã phát triển thành 4 con. Gà, lợn sinh sôi tốt. Năm 2020, gia đình đã chính thức thoát khỏi hộ nghèo.

Bản Tổng Chai, xã Chi Khê có gần 200 hộ dân, trong đó 95% là người dân tộc Thái. Những năm trước đời sống người dân rất khó khăn. Nhưng 5 năm trở lại đây, tất cả đã đổi thay khi mà huyện, xã đã tập trung hỗ trợ các điều kiện phát triển kinh tế cho người dân, nhất là theo hình thức đào tạo nghề, hỗ trợ con giống, hướng dẫn kỹ thuật chuyển đổi cây trồng vật nuôi, phát triển sản xuất gắn với tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, toàn bản chỉ còn 4 hộ nghèo.

“Đời sống được nâng lên, người dân dần ý thức rõ giá trị của việc xây dựng nông thôn mới là nhằm nâng cao hơn nữa đời sống. Đường sá có mở mang thì việc vận chuyển hàng hóa thuận tiện hơn, ngành nghề phát triển. Để rồi người hiến đất, hiến công và đường làng, ngõ xóm ở Chi Khê cơ bản đã được bê tông hóa”.

Ông Lô Văn Thuyền - Trưởng bản Tổng Chai 

Không riêng gì Tổng Chai, toàn xã Chi Khê đều có sự phát triển mạnh mẽ. Người dân xã đã mạnh dạn chuyển đổi từ sản xuất các cây trồng truyền thống sang trồng các cây trồng có giá trị cao hơn, như mô hình trồng mía, trồng ngô nguyên liệu, trồng keo nguyên liệu, trồng sắn nguyên liệu, nhà lưới trồng rau an toàn. Có nhiều mô hình vườn - rừng có thu nhập cao ở các bản Bãi Ổi, Lam Khê, Chằn Nằn... Công tác đào tạo nghề, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển mạnh. Tính đến cuối năm 2020, Chi Khê chỉ còn 4.6% hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 36,14 triệu đồng/năm.

Anh Thái Đăng Tiến ở xã Châu Khê, nhờ đam mê đã thổi hồn vào những sản phẩm từ tre, nứa
Anh Thái Đăng Tiến ở xã Châu Khê, nhờ đam mê đã thổi hồn vào những sản phẩm từ tre, nứa. Ảnh: Bá Hậu

Bà Nguyễn Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Chi Khê cho hay: “Bắt tay vào triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trong điều kiện của một xã miền núi khó khăn nhưng nhờ làm tốt công tác hỗ trợ người dân phát triển kinh tế; tạo tiền đề cho sự chung sức, đồng lòng nên Chi Khê là xã thứ 3 của huyện Con Cuông được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Trên nền tảng sẵn có, hiện nay xã vẫn đang tiếp tục ra sức duy trì và phát triển nâng cao các tiêu chí...”.

Phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo

Chi Khê chính là hình ảnh đại diện cho huyện Con Cuông trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Là huyện miền núi nên Con Cuông có điểm xuất phát thấp so với Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới quy định. Tính đến hết năm 2020, cấp xã có 3 xã/12 xã được tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (xã Yên Khê, Bồng Khê và Chi Khê), đối với thôn, bản có 18 thôn, bản/107 thôn, bản (sau khi sáp nhập đơn vị hành chính) được UBND huyện Quyết định công nhận thôn đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí của tỉnh, bình quân toàn huyện đạt 12,08/19 tiêu chí/xã.

Non nước Trà Lân
Toàn cảnh huyện Con Cuông nhìn từ trên cao. Ảnh: Thành Cường 

Ông Lương Đình Việt - Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho hay: “Huyện đã và đang đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng để làm thay đổi căn bản về nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng áp dụng tiến bộ kỹ thuật và có sự liên kết chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất và phát triển bền vững; thực hiện hỗ trợ sản xuất cho người dân; huy động mọi nguồn lực để đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại phục vụ có hiệu quả yêu cầu về phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân”.

Dưới sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt thực hiện của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ huyện đến xã, phong trào xây dựng nông thôn mới ở Con Cuông từng bước khởi sắc, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, tự nguyện đóng góp tiền của, công sức, đất đai. Tổng nguồn lực huy động thực hiện giai đoạn 2016 - 2020 đạt gần 200 tỷ đồng, trong đó vốn huy động từ cộng đồng dân cư hơn 3 tỷ đồng…

Huyện đã hình thành nên nhiều vùng chuyên canh rau hàng hóa, vùng trồng cây dược liệu, vùng chuyên canh trồng cam, mía hàng hóa. Hàng chục cơ sở chăn nuôi tập trung đã được hình thành. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại có bước phát triển khá.

Người dân bản Khe Ló xã Môn Sơn lần đầu tiên đưa cây bí xanh vào trồng trên đất chuyển đổi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao
Người dân bản Khe Ló, xã Môn Sơn lần đầu tiên đưa cây bí xanh vào trồng trên đất chuyển đổi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Bá Hậu

Với những nỗ lực triển khai, tiêu chí giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương đã thành quả tốt. Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 15,79% (2.861 hộ); hộ cận nghèo còn 16,59% (3.007 hộ). Đặc biệt, ở huyện đã có tới 523 hộ nghèo tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Điều này đã cho thấy người dân có ý thức trách nhiệm, không muốn dựa dẫm vào hỗ trợ của Nhà nước; phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở địa phương ngày càng đi vào chiều sâu.

“Đời sống kinh tế phát triển đã thúc đẩy văn hóa xã hội được nâng cao. Chất lượng giáo dục, y tế ngày càng tốt lên, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát triển, môi trường sinh thái được bảo vệ, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự xã hội được đảm bảo, hệ thống tổ chức chính trị ngày càng vững mạnh, dân chủ ở cơ sở được phát huy...

Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Đình Việt 

Non nước Trà Lân. Ảnh Thành Cường
Non nước Trà Lân. Ảnh: Thành Cường

Ông Nguyễn Đình Hùng - Bí thư Huyện ủy Con Cuông chia sẻ: “Thời gian tới, Con Cuông sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, phát huy cao sự tham gia tích cực chủ động của nhân dân và sự quan tâm của toàn xã hội để công tác xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào thi đua sôi nổi rộng khắp trong toàn huyện (Nhà nước định hướng, hỗ trợ; phát huy vai trò chủ thể của người dân nông thôn trong xây dựng nông thôn mới).

Tiêu chí giảm tỷ lệ hộ nghèo và thu nhập bình quân đầu người vẫn đang là một thách thức với Con Cuông, do vậy, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất coi đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của quá trình thực hiện chương trình; xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả, tăng thu nhập cho bà con nông dân để vươn lên làm giàu; xây dựng các tổ hợp tác, Hợp tác xã để liên kết trong bao tiêu sản phẩm...”.

Tin mới