Còn đó nét Vinh xưa…

(Baonghean.vn) - Chợ Vinh “trên bến dưới thuyền”, từ thuở nhỏ chúng tôi đã luôn ao ước được đi chợ Vinh để thỏa sức ngắm nhìn muôn màu sắc của hàng hóa bày bán ở đây. Chợ nay đã được xây dựng lại bề thế, khang trang, nhưng phía sau đình, vẫn còn đó những không gian xưa với hàng thúng mủng, giỏ cua, những hàng lưới, hàng trống, hàng nón… Người bán vẫn ngồi mà khách thì vắng ...

Hàng thúng, mủng, mẹt, đó, giỏ cua… nằm khuất phía sau của đình phụ D1. Ở đây, tôi được thấy lại những vật dụng gắn bó với mỗi mái nhà của người nông dân xứ Nghệ: những chiếc rế để nồi cơm, cái mẹt, cái nia, chùm giỏ bắt cua, đó, lờ bắt cá, trúm bắt lươn…  “Bao nhiêu một cái rế nhắc nồi cơm ạ?” “500 đồng cháu ạ”- ông cụ bán hàng trả lời. Rẻ quá, tôi thầm nghĩ, cái rế tròn được đan rất khéo tay mà ngày trước bên mâm cơm ở quê nhà, ngoại tôi thường nhắc những cái nồi đít đen thui vào đó cho đỡ bẩn nhà khi cả gia đình quay quần bên “mươn” cơm cũng đan bằng tre.

Ông cụ bán hàng Phạm Văn Trực, người làng Nghi Phong- TP Vinh, ngày ngày đạp xe lên chợ Vinh bán hàng. Hàng của ông rất đẹp, chắc, những cái thúng đựng lúa dày, màu cánh dán được thưng tỷ mỉ của người thợ giàu kinh nghiệm, mỗi cái giá 70.000 đồng, ông cho biết có thể dùng 8 năm mới hỏng. Ông cho hay:  Làng Nghi Phong bây giờ đã đan hàng mỹ nghệ hết rồi, nhưng những cụ già không có việc nhớ nghề vẫn đan hàng này, tôi mua lại bán cho người ta kiếm chút lời, trông thế thôi, chứ đan một thúng, một người hai ngày mới đan được một cái đó.

Hàn thúng mủng phía sau đình chợ vắng khách, ông Trực ngắm nghía từng cái giỏ cua.

Rít điếu thuốc lào khoan khoái, ông kể: Cũng mấy chục năm rồi, từ khi chợ chưa xây dựng, tôi đi bán hàng rong khắp nơi, xe đạp chở cồng kềnh, rồi người ta xếp chỗ cho vào ngồi đây...

Trong trí nhớ của ông, hàng thúng mủng “lên ngôi” vào cái thời còn bao cấp, các cửa hàng lương thực, các doanh nghiệp nhà nước, HTX mua rất nhiều để đựng lương thực, thực phẩm, lúc đó hàng nhựa rất hiếm. Còn bây giờ hàng nhựa đã chiếm lĩnh thị trường, lại rẻ hơn nên hàng đan này khó bán lắm, chỉ có người quê mua, người thành phố rất ít đến, có chăng chỉ có vài nhà hàng, quán cà phê đến mua vài món trưng bày. Nhưng ngày nào cũng như ngày nào, ông cụ cũng đến mở cửa hàng bán. Cả chợ trước đây có 17 hộ bán hàng này giờ chỉ có 2 quầy, ông Trực và bà Vân bên cạnh. Bà Vân (cũng ở Nghi Phong) cho hay: Chỉ đến ngày mùa, người nhà quê mới đến mua nhiều, còn ngày thường vắng khách lắm.

Giờ đang là ngày mùa, tôi thấy một vài nông dân Hưng Nguyên, Nam Đàn vào mua thúng về đựng lúa và ủ giống. Họ mân mê, lật qua lật lại xem thúng, mẹt, vẻ ưng lắm, những cái thúng được “hầm” qua khói nhiều lần để chống mối mọt, được nức mây cẩn thận nhưng giá đắt quá. Một chị nông dân bỏ đi, sau lại thấy chị quay lại mua 1 đôi thúng. Chị cho hay ở quê chị không có hàng đan đẹp thế này. Ông Trực đăm chiêu: “Năm sau có lẽ tôi nghỉ, hàng ế quá”, còn bà Vân thì cho biết: đã mấy năm nay thành phố không thu thuế mặt hàng của bà vì “mạt” quá.

                                                Hàng ngư lưới cụ ở chợ Vinh.

              Hàng trống duy nhất ở chợ Vinh nhưng vẫn vắng khách.

Kế hàng thúng, mủng là hàng trống, lưới… - những mặt hàng phục vụ cho bà con ngư dân vùng biển. Người bán chủ yếu là người Diễn Châu, thông thuộc các loại lưới, vó đánh cá. Chợ vắng khách, chủ ngồi đan lưới, quấn dây. Ông Ngô Thi quê Diễn Châu – có thâm niên bán lưới đã hơn 20 năm bộc bạch: Hàng ngư cụ bán ở ở chợ Vinh khá nhiều nhưng ngư dân thì ít tiền, lời lãi chẳng đáng là bao nên phải bán thêm các loại lưới trồng rau, hay các loại dây rợ để thêm thu nhập. Chị hàng trống tên Nguyệt lại bán thêm gậy chống cho người già. Quầy chỉ có dăm cái trống bày ra,  chị cho hay có khi cả tuần không bán được cái nào nhưng có khi cũng bán được mấy cái cho các nhà thờ, cho đội thiếu nhi. Cả chợ chỉ có chị bán trống nên cũng không muốn nghỉ, trống được làm ở các làng nghề trong tỉnh như Nghi Đức, Đô Lương… đưa đến. Lời lãi không nhiều nhưng cái nghề đã “ăn” vào người rồi giờ cũng không chuyển sang bán hàng khác- chi Nguyệt cho hay.

Ở quầy bán nón, cụ già đon đả mời khách đi qua nhưng chẳng thấy ai mua. Nhớ lại ngày xưa thời đi học, chúng tôi náo nức vào chợ Vinh chọn mua nón biếu các thầy cô nhân ngày 20/11. Cô cũng biếu nón mà thầy cũng kính tặng… nón! Hồi đó hàng nón ở chợ Vinh rất nhiều, chúng tôi như lạc vào thế giới đầy màu sắc, những chiếc quai nón mỏng tơ hồng tía, tím huế, xanh lơ… còn mãi trong ký ức, rồi lớn hơn chút nữa chúng tôi e ấp trong vành nón lá tới trường. Giờ đây đi xe máy, ô tô, nón đội không hợp nữa, chỉ ngoái nhìn trong hoài niệm.

Vẫn lấp lánh như xưa là hàng ri đô, những chiếc mành hình quả trám nhiều màu, những chiếc in phong cảnh tôi đã thấy từ hàng chục năm qua ở thành phố Vinh. Bây giờ nhiều gia đình đã đặt may ri đô loại vải đắt tiền, những chiếc ri đô này mua về có lẽ làm kỷ niệm. Cụ bán hàng da trắng tinh, những đường nét thanh tú trên gương mặt nhắc nhớ về một thời con gái xuân sắc . Dường như cụ  không quan tâm nhiều đến việc bán hàng, cụ ngồi đó như một hoài niệm về chợ xưa.

Chợ Vinh xưa tấp nập sầm uất hội đủ thượng vàng hạ cám các mặt hàng. Sau chợ là dòng sông Vinh tấp nập thuyền bè, trước chợ thỉnh thoảng vẫn thấy người Mường, người Thái  xúng xính váy thổ cẩm gùi hàng xuống bán các đặc sản vùng cao. Bây giờ chợ Vinh đã được xây dựng lại khang trang bề thế, với diện tích hàng chục ngàn mét vuông, gồm 3 tầng nổi và một tầng hầm. Những gian hàng trong đình chính hầu như thuộc về những tiểu thương nhiều vốn. Những mặt hàng nhà nông, nhà ngư phía sau đình phụ như hoài niệm một nét xưa của Vinh còn mãi trong ký ức của nhiều người…

Tin mới