Con đường huyền thoại trên đất lửa Quảng Bình

(Baonghean) - Quảng Bình là “hậu phương kế cận”, là nơi khởi nguồn cho hai nhánh Đông và Tây Trường Sơn. Những con đường, những trọng điểm... trên mảnh đất Quảng Bình mãi mãi là khúc tráng ca trong bản hùng ca bất diệt của Đường Hồ Chí Minh...

Con đường huyền thoại trên đất lửa Quảng Bình ảnh 1
 Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thắp hương tại hang Tám Cô.

Ngày 19.5.1959, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương quyết định mở tuyến đường chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh (HCM), khẳng định quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Trong 16 năm (1959-1975) con đường được tôn đắp bằng sự mưu trí sáng tạo, ý chí quyết chiến, quyết thắng, chấp nhận hy sinh, tất cả vì miền Nam ruột thịt và nghĩa vụ quốc tế cao cả của hàng vạn vạn bộ đội, TNXP, trong đó có xương máu của hơn 20.000 liệt sỹ anh dũng hy sinh, gần 30.000 thương binh và thương tích chất độc da cam.

 

Bộ đội, TNXP và đồng bào các dân tộc dọc đường Trường Sơn đã vượt lên muôn vàn khó khăn, gian khổ, bất chấp mọi vũ khí huỷ diệt tối tân nhất với những thủ đoạn tinh vi, thâm độc nhất để đánh phá, huỷ diệt, ngăn chặn của kẻ thù.

 

Quảng Bình vừa là tuyến đầu của hậu phương vừa là tiền tuyến lớn. Suốt chiều dài, chiều rộng của vùng đất lửa là tâm điểm của các trục đường ngang nối Đông - Tây Trường Sơn (đường 12, 20, 10, 16 và 18). Quảng Bình cũng là tâm điểm của trục dọc đường HCM Đông Trường Sơn. Hình thành mạng lưới đường chằng chịt với hàng chục ngàn km đường bộ, đường thuỷ, đường không đến đường ống xăng dầu, đường dây thông tin…

Cùng với mạng lưới giao thông vận tải, hệ thống căn cứ, sở chỉ huy, các tổng kho, các chân hàng của các binh trạm của Bộ Tư lệnh Trường Sơn để dự trữ vật chất, tập kết binh lực chi viện cho miền Nam cũng được bố trí tập trung chủ yếu trên địa bàn Quảng Bình. Tại đây đã hình thành khu hậu cứ của Bộ đội Trường Sơn, như: sở chỉ huy, kho chứa hàng, trạm khách, bệnh xá, trại sản xuất… Quảng Bình đã đưa đón và bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, tướng lĩnh cao cấp, như các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp...và Hoàng thân Nôđôm-Xianúc (Campuchia) đến thăm, làm việc với các đơn vị, địa phương trên đường HCM, trong những thời điểm ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cũng trên mảnh đất Quảng Bình, hàng triệu tấn vũ khí, thiết bị quân sự, lương thực, 5,5 triệu m3 xăng dầu cùng hai triệu lượt cán bộ, chiến sỹ…được các binh trạm bộ đội Trường Sơn tiếp nhận để hòa vào hệ thống đường HCM tỏa ra các chiến trường đánh Mỹ.

 

Con đường huyền thoại trên đất lửa Quảng Bình ảnh 2
 Tượng đài TNXP tại xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Chính vì vậy, đế quốc Mỹ đã tập trung đánh phá ác liệt, coi Quảng Bình là nơi cần phải huỷ diệt, trút xuống hàng triệu tấn bom đạn....Suốt ngày đêm nơi đây không lúc nào ngớt tiếng bom đạn. Đất đá bị cày lên, xới lại nhiều lần, hố bom chồng lên hố bom. Ban ngày chúng đánh chặn lối ra vào trên các tuyến đường. Ban đêm chúng thả pháo sáng, ném bom bi, bắn rốc-két, nhằm tiêu diệt lực lượng ứng cứu đường của ta. Bằng mọi thủ đoạn, chúng muốn biến nơi đây thành hoang mạc, thành điểm chết, hòng ngăn chăn sự chi viện cho chiến trường miền Nam. 

 

Thế nhưng trong cuộc chiến trang dai dẳng nhất, hao người, tốn của nhất trong lịch sử 200 năm của nước Mỹ với bao bom đạn và vũ khí tối tân nhất đã không thể khuất phục được ý chí thống nhất Tổ quốc của cả dân tộc và tấm lòng kiên trung của người dân Quảng Bình. Cũng như các tỉnh có đường Trường Sơn đi qua, với tinh thần “Vì miền Nam ruột thịt”, với lời thề son sắt “Tim có thể ngừng đập, mạch máu giao thông quyết không ngừng chảy”, hàng vạn người sẵn sàng ra mặt đường làm nhiệm vụ giải tỏa giao thông, tiếp tế lương thực, thực phẩm, đạn dược, chăm sóc thương binh, chôn cất tử sĩ, xây dựng trận địa… phục vụ cho các lực lượng chiến đấu. Lòng yêu nước của người dân Quảng Bình còn được phát huy cao độ với tinh thần "Xe chưa qua, nhà không tiếc"... nhiều gia đình đã nhường nhà, nhường vườn để làm kho tàng, sẵn sàng dỡ nhà để lát đường cho xe qua... Trong những năm tháng khốc liệt đó, trên mảnh đất nghèo đầy nắng, gió và cát này, mỗi làng là một công sự chiến đấu, mỗi xã là mỗi trạm trung chuyển, mỗi nhà là một kho chứa hàng... 

 

Con đường huyền thoại trên đất lửa Quảng Bình ảnh 3
 Đường Hồ Chí Minh ngày nay.

Nhiều tên đất, tên núi, tên sông, tên làng đã trở thành bất tử: Cha Lo, Cổng Trời, Mụ Giạ, Bãi Dinh, ngầm Rinh, dốc Ba Thang, cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phulanhích, ngầm Trạ Ang, Xuân Sơn, Long Đại... Rồi đến Km 28 đường 16 Làng Ho, ngã ba Khe Ve, ngã tư Thạch Bàn, đồi Y Leng trên đường 12A với sự kiện bi tráng của Đại đội 759 TNXP Tuyên Hóa Anh hùng. Km 16,5 đường 20, hang Tám Cô, Ngầm Trạ Ang,...

 

Con đường đã trở thành biểu tượng của ý chí kiên cường  và tinh thần bất khuất của dân tộc mà theo lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Đường HCM là một công trình vĩ đại, nói lên ý chí, nghị lực, tinh thần dũng cảm và sáng tạo phi th­ường của dân tộc Việt Nam, quyết đem sức người sức của hậu phương lớn chi việc cho tiền tuyến lớn; là một trong những nhân tố chiến lư­ợc có ý nghĩa quyết định đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”.

Đường HCM có thể sánh với con đường mòn Hannibal qua đỉnh Alpơ

Nhiều tướng lĩnh Mỹ đã từng tham chiến ở Việt Nam đã phải thốt lên, đường mòn HCM vẫn còn là một bí ẩn và không thể tưởng tưởng nổi con đường đó như thế nào! Con đường được xây dựng ngay dưới những đợt không kích thảm khốc của không quân Mỹ. Đây được coi là một trong những kỳ công vĩ đại nhất trong lịch sử chiến tranh.

Bai, ảnh: Thành Châu

Tin mới