Con đường khổ ải 10 năm ở Tân Kỳ

(Baonghean.vn) - Hàng ngày, người dân các xã: Phú Sơn, Nghĩa Hành (Tân Kỳ) hết sức vất vả để lưu thông trên tuyến đường và cầu đã thi công gần 10 năm nhưng chưa hoàn thành.
Các em học sinh hết sức vất vả đi bên chiếc cầu chậm tiến độ. Ảnh: Hồ Phương
Các em học sinh hết sức vất vả đi bên chiếc cầu chậm tiến độ. Ảnh: Hồ Phương

Đã hơn 10 năm người dân phải lội trên con đường đất, bùn đỏ nhầy nhụa và chênh vênh qua đò trên dòng sông Con nếu muốn sang bờ bên kia.

10 năm trước, người dân ở đây đã hết sức vui mừng khi máy móc, xe cộ rầm rộ về địa bàn thi công đường và cầu bắc qua sông Con. Thế rồi chỉ sau 2 năm ì ạch, công trình đang thi công dở dang đã ngừng hẳn.

Tháng 6/2009, dự án đường và hệ thống cầu vào trung tâm xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ được khởi công xây dựng với dự toán kinh phí 117 tỉ đồng. Công trình do Công ty cổ phần đầu tư phát triển Constrexim số 16 (trụ sở tại phường Hưng Dũng, TP. Vinh) thi công; UBND huyện Tân Kỳ làm chủ đầu tư; dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng sau 36 tháng. Tuyến đường mới được xây dựng sẽ nối đường Hồ Chí Minh vào trung tâm xã Phú Sơn, kỳ vọng góp phần phát triển kinh tế địa phương cũng như giao thương giữa các địa bàn trong huyện.

Do cầu chậm tiến độ nên người dân vẫn phải qua đò vất vả và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn cao. Ảnh: Xuân Thủy
Do cầu chậm tiến độ nên người dân vẫn phải qua sông trên những chiếc đò  ngang. Ảnh: Xuân Thủy

Đặc biệt, công trình hoàn thành sẽ chấm dứt việc người dân nơi đây hàng ngày phải chèo đò qua sông, nhất là vào mùa mưa lũ, rất nguy hiểm. Tuy nhiên, đến nay, sau 8 năm khởi công, đã 2 lần thay đổi nhà thầu, 4 lần gia hạn thời gian thi công, cây cầu vẫn dang dở.

Chiếc cầu mơ ước của người dân vẫn chưa thể đem lại niềm vui cho họ mặc dù đã được khởi công 10 năm nay. Ảnh: Hồ Phương
Chiếc cầu mơ ước của người dân vẫn chưa thể đem lại niềm vui cho họ mặc dù đã được khởi công 10 năm nay. Ảnh: Hồ Phương

Tính đến thời điểm này, chỉ mới khoảng 13 km trong tổng số 18 km của tuyến đường được hoàn thành, còn nhiều đoạn vẫn nguyên hiện trạng ban đầu. Tại những đoạn đường đã hoàn thiện, nhiều chỗ đã xuống cấp, có dấu hiệu bong tróc. Cá biệt, nhiều đoạn bị đứt gãy, phần nhựa trôi hoàn toàn, đất đá lộ thiên trở thành cái "bẫy” đối với người đi đường.

Từ vài tháng nay, phần mố cầu đã bị bong tróc, nhiều sắt thép của công trình đã hoen rỉ, lơ chơ như bẫy chông.
Những điểm nối giữa cầu được bắc tạm bợ trên cầu Phú Sơn để người dân tạm thời đi lại. Ảnh: Hồ Phương
Những điểm nối giữa cầu Phú Sơn được lấp tạm bợ để người dân tạm thời đi lại. Ảnh: Hồ Phương

Ông Chu Văn Thành, một người dân sống cạnh tuyến đường này cho biết, ở những đoạn đường chưa thi công, ngày nắng bụi bay mịt mù, ngày mưa bùn lầy, xe cộ rất khó lưu thông vì trơn trượt. “Mỗi lần muốn đi ra khỏi xã đều phải mất 10.000 đồng. Thật không có nỗi khổ nào hơn” - ông Thành bức xúc.

Trong khi đó, hàng chục học sinh tại xóm Nghĩa Trung, xã Nghĩa Hành vẫn phải đi đò hàng ngày để sang xã Phú Sơn học tập.

Ông Nguyễn Hải Đông - Chủ tịch UBND xã Phú Sơn cho biết: “Dự án triển khai đã 8 năm, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành, gây rất nhiều khó khăn cho người dân địa phương. Người dân đã nhiều lần phản ánh qua các cuộc tiếp xúc cử tri, UBND xã cũng đã báo cáo lên UBND huyện Tân Kỳ. Tuy nhiên, đến nay, công trình vẫn dang dở, người dân nơi đây vẫn phải chịu cảnh chờ đợi”.

“Vừa qua lãnh đạo của tỉnh đã trực tiếp lên làm việc với huyện, dự kiến cầu sẽ hoàn thành trước tết dương lịch nhưng đến nay vẫn chưa cầu vẫn chưa thông” - ông Đông cho biết thêm.

Người dân đi trên con đường chậm tiến độ đoạn qua xã Nghĩa Hành. Ảnh: Xuân Thủy
Hiện trạng tuyến đường đoạn qua xã Nghĩa Hành. Ảnh: Xuân Thủy

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Viết Đức - Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình xây dựng huyện Tân Kỳ, đại diện chủ đầu tư, ông cho biết: “Dự án đường và cầu vào xã Phú Sơn được khởi công từ tháng 6/2009. Với tổng kinh phí ban đầu là 117 tỷ đồng. Tuy nhiên đến thời điểm nay kinh phí toàn bộ dự án đã lên đến 162 tỷ đồng do trượt giá... Hiện dự án đã được gia hạn 4 lần nhưng vẫn chưa hoàn thành để đưa vào sử dụng theo như dự kiến”.

“Hy vọng đến dịp Tết âm lịch, cầu sẽ hoàn thiện và người dân không còn cảnh lội bùn, gọi đò mỗi lần qua cầu nữa” - ông Đức chia sẻ.

Tin mới