Con đường và sự lựa chọn

Cho đến bây giờ trong tôi vẫn vẹn nguyên cảm giác của những ngày thơ bé, cảm giác khi đi trên những con đường…

Lối đi đầu tiên của tôi là con ngõ nhỏ, con ngõ với hàng rào bằng mạn hảo và những cây râm bụt hoa đỏ chói. Bố tôi, vì sợ tôi – cô bé con 1, 2 tuổi lẫm chẫm tập đi là tôi ngày ấy bị trơn, ngã – đã đầm gạch vữa và đóng rải trên những lối đi. Nó chỉ là quãng rất ngắn để nối ra đường làng, chừng dăm bảy bước chân thôi nhưng mỗi lần bước qua, tôi được vững vàng và nâng đỡ bằng tình yêu, bằng chở che của bố.

Ngõ nhỏ đã đón tôi ra với một thế giới rộng lớn hơn căn nhà, bờ mạn hảo, những bông râm bụt vốn ở trong tầm mắt của tôi. Bắt đầu là con đường làng, để dẫn ra cánh đồng, dòng sông, mặt trời rạng rỡ lên từ chân trời xa, lũ cào cào chiều về bay loạn xạ trên bờ đê chập chờn sắc tím cỏ may, cho tôi gặp mặt bao người quê mỗi tinh sương vội vã ra đồng với cày cuốc…

Đường làng tôi ngày ấy đất bùn lầy lội những ngày Đông rét mưa bụi. Tôi xách dép, đi chân đất trên con đường bùn để đi học lớp 1 ở đình làng. Tôi chạm chân vào đất quê, đi lên những dấu chân mà người làng và lũ trâu đã đi sớm trước cả tôi. Có những hôm, tôi còn cảm thấy hơi ấm của người, cả trâu đi trước còn đọng lại. Tôi luôn thầm cảm tạ hơi ấm ấy, hơi ấm đã giúp tôi vững bước, thấy lòng mình nhiều thêm những thương yêu, dịu dàng… Tôi luôn nghĩ, hẳn người đi trước muốn gửi lại cho tôi chút tình ấm áp…

Từ đường làng, tôi đi ra với nhiều con đường rộng lớn hơn. “Thế gian này vốn dĩ làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Câu nhà văn Lỗ Tấn nói, tôi thấm thía và yêu thích ở cái nghĩa trần trụi nhất ấy. Dù suốt quãng thơ bé, tôi chưa biết tới câu nói ấy của ông. Nhưng dù đi đâu, khi bước đi, tôi cũng giữ thói quen chậm rãi nhìn dưới chân mình, để nghĩ, tôi đang đi trên hàng triệu dấu chân từng qua. Tôi đang đi trên một con đường có công của người đầu tiên mạo hiểm khai phá, và hàng trăm ngàn con người khác cùng mở rộng thêm, rõ thêm tạo nó thành lối mòn, thành đường lớn… Tôi đang đi qua bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, khát vọng, hy vọng và có khi trong đó có cả những tuyệt vọng, khốn cùng. Những dấu chân của người khổ đau, người hạnh phúc, người vội vã, người thong dong… Nhưng họ đã giúp cho con đường của tôi hôm nay đi rõ ràng hơn, rộng rãi hơn và luôn luôn ấm áp, tự tin hơn.

Sau này, trong cuộc sống, tôi ngẫm về câu chuyện “con đường”- từng tồn tại trong tôi ở nghĩa trần trụi nhất để thấy hóa ra, tất cả những “lối đi” của chúng ta đều là chuyện của “con đường”. Có biết bao nhiêu lối đi, bao nhiêu ngã rẽ mà chúng ta chọn lựa. Chúng ta đến được bến bờ nào là cách chúng ta chọn lựa, bằng nhận thức, bằng kinh nghiệm, sự tỉnh ngộ, óc phán đoán, và nếu có thể, bạn mạo hiểm hay thông thái, hãy làm người khai mở một lối đi riêng. Nhưng nhất định, bạn không thể phủ nhận được lịch sử, không thể phủ nhận được con đường bạn đã từng đi có dấu chân của những người khai phá. Không thể phủ nhận con đường bạn đã phải qua, đến được với kinh nghiệm hôm nay là bạn đã phải vấp ngã và trả giá…

Dân mạng bây giờ hay dùng từ “quay xe”, ý nói về sự thay đổi quay ngoắt trong nhận thức, tư tưởng, tư duy và hành động. Ừ thì quay xe. Bạn vẫn phải trở lại con đường mà bạn đã đi để trở lại vạch đích. Hoặc bạn vẫn phải đi trên con đường khác để tới nơi bạn muốn đến, nhưng làm sao bạn phủ nhận được, bạn đã có một quãng chúng ta song hành hay có thể với những con đường lớn hơn thì là con đường được tạo lập bởi tiền nhân.

Vậy nên, dù thế nào cũng hãy nói lời biết ơn, dù có thể ngày mai, chúng ta mỗi người một ngã rẽ…


Hình ảnh minh họa: Tư liệu