Con gái mẹ học Y

Con gái yêu của mẹ!

Chỉ vài tháng nữa, con sẽ tốt nghiệp đại học với tấm bằng bác sĩ và được mang trên mình chiếc áo bờ-lu. Khi nhìn thấy ánh mắt long lanh, háo hức của con mỗi lần được bố chở đến bệnh viện đón mẹ tan ca, mẹ đã biết ngày này sẽ tới. Còn gì hạnh phúc hơn khi thấy con theo đuổi và hiện thực hoá giấc mơ dài và nhiều khó khăn thử thách của mình. Làm sao mẹ lại không hiểu rõ điều đó khi mà cách đây rất lâu rồi, chính mẹ cũng ấp ủ cùng một giấc mơ như con?

Con gái học Y và làm nghề Y khổ lắm. Ông ngoại đã bảo thế ngày mẹ nhận giấy báo đậu vào trường Y. Bà ngoại khóc hết nước mắt vì thương cô con gái út, ở nhà thì đến con gà cũng không dám cắt tiết, nay lại lăn lộn với dao mổ, kim tiêm, những xác chết trắng bệch và mùi phooc-môn nồng nặc. Bấy nhiêu năm mẹ đi học ở trường Y là bao nhiêu lần mẹ phải vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình. Mãi cho đến giờ, những công việc với mẹ đã thành thói quen, đôi lúc vẫn khiến mẹ rợn người và khuấy động lên một nỗi hoang mang cùng cực, khoảnh khắc thấy sự sống lập lờ trôi qua trước mắt, như mảng bè mong manh mà mẹ phải vươn tay ra níu giữ lấy không cho nó cuốn theo dòng nước đi về chốn vĩnh hằng. Trong thoáng chốc, cái ý niệm rằng không phải số phận, cũng không phải thánh thần phương nào đang lèo lái con thuyền sinh tử mà chính mẹ là người dẫn đường giữa sự sống và cái chết khiến mẹ nhận ra rằng chiếc áo bờ-lu mẹ đang mang trên người nặng biết nhường nào. Đêm nay trở dậy nhìn con ngủ ngon lành trước khi ra lại Hà Nội, mẹ trăn trở mãi với nỗi băn khoăn liệu đôi vai bé nhỏ của con gái mẹ đã sẵn sàng để gánh vác trách nhiệm nặng nề đó hay chưa?

Dù mai này bao nhiêu năm có trôi đi, dù xã hội và những tiến bộ y học có đổi thay, dù vai trò của người bác sĩ rồi đây sẽ bị thay thế ít nhiều bởi máy móc tân tiến, con đừng bao giờ quên những gì mẹ nói với con ngày hôm nay. Khi nhận được cuộc gọi từ bệnh viện lúc 12 giờ đêm vì một bệnh nhân đang đau đớn trong cơn nguy kịch, đừng ích kỷ giữ lấy cho mình giấc ngủ ngon lành và cái vươn vai khoan khoái chào ngày mới vì bình minh sẽ vĩnh viễn vụt tắt với những con người khốn khổ chỉ biết trông chờ vào con. Khi thấy một người già vật lộn níu kéo lấy những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời bằng tất cả chút lực tàn, đừng tiếc chi với họ một nụ cười hay một lời động viên. Con biết đấy, người già không ngừng nói về cuộc ra đi của mình nhưng thật ra trái tim họ lại đang run rẩy sợ hãi tột cùng. Là bác sĩ, khi không thể làm trái lại sự sắp đặt của tạo hoá thì con hãy làm sao cho người bệnh của mình chấp nhận nó bằng sự kiên cường và không cảm thấy cuộc hành trình của mình lạnh lẽo, cô đơn. Khi thấy một sản phụ đau đớn vì đứa bé sinh ra không còn có thể cất tiếng khóc, hoặc khi một đứa trẻ không bao giờ được biết đến người đã sinh ra nó trên đời, hãy nghĩ đến các con của con mà cảm thông với những con người bất hạnh ấy, cũng như mẹ, trở về nhà sau một ca sinh mà người mẹ hoặc đứa bé tử vong, nhìn các con của mẹ ngủ yên bình và khóc vì biết ơn và vì thấy có lỗi với những con người kia vì sự bất lực của bản thân. Là bác sĩ không có nghĩa là nhìn người bệnh như những vật thể để soi, quét, chụp, chiếu, tiêm chích, mổ xẻ mà còn phải đặt mình vào vị trí của họ, đau với nỗi đau của họ, sợ với nỗi sợ của họ, là cùng họ giành giật, chiến đấu lấy từng hơi thở, từng nhịp tim với bệnh tật và cái chết như thể đó là cuộc chiến của bản thân con. Con phải sống như thể đang sống cho trăm nghìn sinh mạng, và khi một trái tim trong muôn vàn trái tim đó ngừng đập rồi, trái tim con phải nhói đau như thể vừa lỡ nhịp trong một phút giây. So với những ca trực thâu đêm, những ca mổ dài hàng tiếng đồng hồ và không gian ngột ngạt mùi thuốc khử trùng và mùi máu, đây mới thực sự là thử thách của người làm nghề Y, con hiểu không?

Người làm nghề Y như chúng ta rồi cứ phải khổ trăm đường. Khổ để cho người bệnh khoẻ lại. Khổ khi người bệnh nhắm mắt xuôi tay. Đâu phải lúc nào xã hội cũng nhớ rằng người làm nghề Y cũng mang trong tên mình một chữ "người" chứ nào phải thần thánh định đoạt chuyện sinh tử nhẹ tựa lông hồng? Con đừng vì thế mà oán hờn người ta, vì sống chết ai mà chẳng ham, chẳng sợ? Hãy cứ yêu, cứ say, cứ tự hào rằng làm nghề Y là gieo hy vọng, ươm mầm sự sống và vun tưới tương lai, nghe con!

Hải Triều (Email từ Paris)

Tin mới