Con giống khó tiêu thụ, nhiều trang trại Nghệ An giảm quy mô lợn nái

(Baonghean.vn) - Giá lợn hơi thấp, dịch tả lợn châu Phi đang có dấu hiệu bùng phát trở lại ở nhiều địa phương trong tỉnh nên người chăn nuôi không mấy mặn mà khi tái đàn, lợn giống rất khó tiêu thụ…
Giá lợn hơi xuống thấp, người chăn nuôi phải bù lỗ 300-500.000 đồng/con, thậm chí cả triệu đồng/con lợn thịt xuất chuồng. Ảnh: Thanh Phúc
Giá lợn hơi xuống thấp, người chăn nuôi phải bù lỗ 300.000 - 500.000 đồng/con, thậm chí cả triệu đồng/con lợn thịt xuất chuồng. Ảnh: Thanh Phúc

Hiện tại, giá lợn hơi trên địa bàn Nghệ An dao động từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, với mức giá này người chăn nuôi thua lỗ. Trung bình mỗi con lợn thịt có trọng lượng 100kg, người chăn nuôi phải bù lỗ ít nhất 300.000-400.000 đồng/con, nếu không “khéo nuôi” thì phải bù lỗ đến cả triệu đồng. Thêm vào đó, dịch tả châu Phi đang có dấu hiệu bùng phát trở lại ở nhiều địa phương khiến người chăn nuôi e ngại, khá thận trọng trong tái đàn. 

Chị Nguyễn Thị Hoa Mai - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Bình (Tân Kỳ) cho biết: “Chăn nuôi lợn là thế mạnh của địa phương. Lúc cao điểm, tổng đàn lợn của xã lên đến 10.000 con. Song từ khoảng tháng 6/2021 đến nay, tổng đàn lợn giảm mạnh, một mặt do ở các địa phương khác, dịch tả lợn vẫn tái diễn, mặt khác, giá thức ăn chăn nuôi tăng chóng mặt trong khi giá lợn giảm mạnh. Theo đó, người dân giảm đàn, giãn lứa và một số hộ chuyển sang chăn nuôi gia cầm hoặc vỗ béo trâu bò. Hiện các hộ chăn nuôi quy mô lớn ở địa phương đang để trống 50% số chuồng”.

Để giảm thiểu thua lỗ, nhiều gia trại, trang trại và nông hộ đành chấp nhận để trống chuồng chờ thị trường lợn hơi khởi sắc mới dám tái đàn. Ảnh: Thanh Phúc
Để giảm thiểu thua lỗ, nhiều gia trại, trang trại và nông hộ đành chấp nhận để trống chuồng chờ thị trường lợn hơi khởi sắc mới dám tái đàn. Ảnh: Thanh Phúc

Người dân thận trọng khi tái đàn, giảm quy mô thậm chí nhiều hộ để trống chuồng nên giá lợn giống vì thế cũng giảm mạnh. Chị Thu Hùng, một thương lái ở Nghĩa Đàn chuyên cung cấp lợn giống khu vực Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh cho biết: “Thời điểm này, giá lợn giống giảm mạnh nhưng rất ít đơn đặt hàng, lượng tiêu thụ giảm hơn 50% so với trước”.

Với quy mô 100 con lợn nái, anh Nguyễn Văn Nhật, chủ một trang trại chuyên cung cấp lợn giống ở Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn) cho biết: “Mỗi năm, trại của tôi cung ứng ra thị trường khoảng 2.000 con lợn giống. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, giá lợn hơi giảm sâu trong khi giá thức ăn tăng cao nên nhu cầu mua lợn giống phục vụ sản xuất của người dân giảm mạnh. Cũng may, cơ sở có hệ thống chuồng trại quy mô nên với những lứa chưa xuất bán được thì chuyển sang nuôi rồi bán lợn thịt”. 

Anh Nhật cho biết thêm, trung bình mỗi con lợn giống siêu nạc từ khi phối giống đến khi xuất chuồng (khoảng 10kg) thì anh phải đầu tư hết khoảng 1.000.000 đồng (phối giống, thức ăn, vắc-xin), với giá bán hiện nay là 1,1 triệu đồng/con thì không có lãi khi phải chi cho chi phí nhân công, điện, nước… 

Tuy nhiên, như trang trại lợn giống của anh Nhật là vẫn còn may khi còn có đơn đặt hàng ổn định từ các trang trại, gia trại. Có nhiều hộ nuôi lợn nái, dù giá xuống thấp (chỉ còn 750.000 - 800.000 đồng/con), chấp nhận thua lỗ nhưng vẫn không bán được, không có chuồng trại để nuôi đành phải bán cho các hiệu thịt quay ngang với giá lợn thịt. 

Anh Nguyễn Văn Nhật, Chủ trại chuyên lợn giống ở Nghĩa Khánh, Nghĩa Đàn cho biết, chi phí cho một con lợn giống từ khi phối giống đến khi xuất chuồng hết khoảng 1 triệu đồng, với giá bán 1,1 triệu đồng/con lợn siêu nạc (biểu 10kg) như hiện nay là chỉ hòa vốn, không có lãi. Ảnh: Thanh Phúc
Anh Nguyễn Văn Nhật, chủ trại chuyên lợn giống ở Nghĩa Khánh, Nghĩa Đàn cho biết, chi phí cho một con lợn giống từ khi phối giống đến khi xuất chuồng hết khoảng 1 triệu đồng, với giá bán 1,1 triệu đồng/con lợn siêu nạc như hiện nay là chỉ hòa vốn, không có lãi. Ảnh: Thanh Phúc

Trước tình hình giá cả thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, hóa chất phòng dịch “leo thang”, trong khi con giống khó tiêu thụ, nhiều trang trại lợn giống phải giảm quy mô, loại thải những con nái kém chất lượng, đồng thời giảm phối giống cho đàn nái nhằm giảm số lượng lợn giống sản xuất hằng tháng.

Ông Đặng Văn Dũng, xã Nghĩa Bình (Tân Kỳ) cho biết: “Bình thường trại tôi luôn duy trì 60-70 con lợn nái, hàng năm cung cấp ra thị trường 1.200-1.500 con lợn giống nhưng do nhu cầu thị trường giảm, giá lợn giống xuống thấp nên giảm đàn còn 30 con nái. Khi lợn giống đắt thì phối giống 3 lứa/năm, 1 lứa trung bình 12-13 con/nái giờ lợn giống rẻ, chi phí quá cao nên giảm phối giống, giảm số lượng con/lứa”.

Trước tình hình đó, nhiều trang trại lợn giống phải sàng lọc lại đàn, thải loại nái kém chất lượng, giảm quy mô nái để tránh thua lỗ. Ảnh: Thanh Phúc
Nhiều trang trại lợn giống phải sàng lọc lại đàn, thải loại nái kém chất lượng, giảm quy mô nái để tránh thua lỗ. Ảnh: Thanh Phúc
Theo thống kê sơ bộ, hiện toàn tỉnh có 5.000 con lợn nái, tập trung hầu hết các trang trại, gia trại, hàng năm cung ứng khoảng 6 triệu con lợn giống ra thị trường trong tỉnh và các tỉnh phụ cận. Hiện nay, chi phí phục vụ sản xuất tăng cao trong khi giá lợn hơi giảm sâu, con giống khó tiêu thụ nên nhiều cơ sở chăn nuôi lợn nái đang có xu hướng giảm đàn. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành chăn nuôi thì các cơ sở cũng cần cân nhắc, tính toán phù hợp để bảo vệ đàn nái, năng lực sản xuất lợn giống để khi thị trường “ấm lên” sẽ đủ cung cấp, tránh tình trạng khan lợn giống, sốt lợn giống như các đợt trước...

Tin mới