Còn xã nghèo, huyện nghèo không muốn… thoát nghèo

(Baonghean.vn) - Đây là thực trạng được HĐND tỉnh chỉ ra qua giám sát về công tác xóa đói, giảm nghèo.

Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Báo cáo của UBND tỉnh cho thấy, toàn tỉnh có 3 huyện nghèo được hưởng chính sách đầu tư theo Nghị quyết 30a của Chính phủ gồm: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong và huyện Quỳ Châu là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được hưởng cơ chế đầu tư theo Quyết định số 293 của Thủ tướng Chính phủ.

Sáng 15/5, đoàn giám sát của HĐND tỉnh do đồng chí Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh nhằm giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ năm 2012 -2016.

Dự cuộc giám sát có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Lê Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Hồng Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh.

Theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2016 -2020, đến cuối năm 2016, toàn tỉnh còn 9,55% hộ nghèo, tương đương 80.168 hộ; tỷ lệ hộ cận nghèo 10,04% ,tương đương 84.214 hộ.

Tổng kinh phí đầu tư cho công tác giảm nghèo trong 5 năm (2012 -2016) đã thực hiện là hơn 15.015 tỷ đồng, chưa tính nguồn lực của nhân dân tự bỏ vốn. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn cao hơn mức bình quân chung cả nước.

Một trong những tồn tại, hạn chế trong công tác giảm nghèo được đại diện Sở LĐ - TB&XH chỉ ra là một bộ phận người nghèo còn tư tưởng không muốn thoát nghèo để hưởng chính sách.

Đồng tình với tồn tại này, nhưng một số thành viên đoàn giám sát cho rằng đánh giá như vậy vẫn chưa thỏa đáng. Bà Thái Thị An Chung - Phó ban Pháp chế, HĐND tỉnh dẫn thực tế số liệu, trong giai đoạn vừa qua, cả tỉnh chỉ có 3 xã và 25 thôn mới thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

“Trách nhiệm quản lý Nhà nước thế nào? Các cơ quan quản lý Nhà nước từ cấp xã, kể cả cấp huyện và hay như ở thôn có thực sự muốn thoát nghèo hay không”? - bà An Chung đặt câu hỏi và cho rằng, cán bộ cũng đang muốn xã nghèo, huyện nghèo để hưởng chế độ. Do đó, “UBND tỉnh cần đánh giá thêm công tác chỉ đạo thực sự quyết liệt chưa?”

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Tâm lý không chỉ người dân mà ngay cả thôn, bản, xã, thậm chí huyện cũng chưa muốn thoát nghèo nhận được nhiều ý kiến đồng tình. Qua thực tế giám sát, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Lê Hồng Vinh bày tỏ: “Thực ra các xã, các huyện không muốn mất chế độ tại sao đổ cho người dân?”.

Trong phần giải trình, Giám đốc Sở LĐ - TB&XH Nguyễn Bằng Toàn thẳng thắn thừa nhận trong thực tiễn, không chỉ cá nhân không muốn thoát nghèo mà có xóm, xã, huyện cũng không muốn thoát nghèo.

Tuy nhiên, theo ông Toàn để giải quyết vấn đề này “không phải chỉ có Sở LĐ – TB&XH mà cả hệ thống chính trị phải đồng hành, kiên quyết đánh giá đúng và trách nhiệm”.

Để minh chứng thêm, người đứng đầu ngành LĐ –TB&XH tỉnh còn cho biết, ở Kỳ Sơn còn có chuyện nhà khá giả nhưng con cái chuyển cha mẹ vô xóm, bản để được hưởng hộ nghèo.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh trao đổi với cán bộ xóm Yên Thịnh, xã Diễn Kim về triển khai các chính sách cho hộ nghèo. Ảnh: tư liệu
Đoàn giám sát HĐND tỉnh trao đổi với cán bộ xóm Yên Thịnh, xã Diễn Kim về triển khai các chính sách cho hộ nghèo. Ảnh: tư liệu

Cũng tại cuộc giám sát, các vấn đề về xây dựng và nhân rộng mô hình kinh tế còn hạn chế; vay vốn ngân hàng chính sách của hộ nghèo, hiệu quả đào tạo nghề… được đoàn giám sát đặt ra và nhận được giải trình cụ thể từ phía cơ quan chức năng của UBND tỉnh.  

Khẳng định công tác xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ rất hệ trọng và có ý nghĩa to lớn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông tiếp thu các ý kiến của đoàn giám sát và giao các ngành khắc phục để công tác xóa đói, giảm nghèo của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 thực hiện tốt hơn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các ngành làm rõ thêm các đề nghị của đoàn giám sát trong báo cáo như: công tác thu hút đầu tư, hỗ trợ của doanh nghiệp với công tác giảm nghèo; hoạt động xuất khẩu lao động; thanh tra, kiểm tra trong thực hiện xóa đói giảm nghèo…

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường phát biểu kết luận cuộc giám sát. Ảnh:Thành Duy
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường phát biểu kết luận cuộc giám sát. Ảnh: Thành Duy

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường ghi nhận những kết quả mà công tác xóa đói, giảm nghèo của tỉnh và được Trung ương, các bộ, ngành đánh giá cao.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: Tỷ lệ hộ nghèo còn lớn; tư tưởng trông chờ, ỷ lại còn cao. Một số nơi, việc điều tra, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa khách quan, bỏ sót hộ nghèo.

Một số nơi, hộ tái nghèo, hộ nghèo phát sinh mới cao hơn nhiều so với hộ thoát nghèo. Nhiều nơi, số hộ nghèo được cấp thẻ BHYT còn thấp; số hộ nghèo được vay vốn ưu đãi ở một số nơi còn thấp nhưng chưa có chỉ đạo, kiểm tra xử lý tình hình cụ thể; còn tình trạng tư tưởng không muốn thoát nghèo để thụ hưởng chế độ.

“Một số nơi cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững. Nhiều địa phương chưa đưa tiêu chí xóa nghèo vào công tác thi đua và nhiệm vụ thường xuyên”, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chỉ rõ.

Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo khắc phục các tồn tại, hạn chế qua giám sát HĐND tỉnh đã chỉ ra và tiếp thu các ý kiến để bổ sung, hoàn thiện báo cáo gửi HĐND tỉnh để đơn vị này có báo cáo giám sát trình kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới.

Thành Duy

TIN LIÊN QUAN

Tin mới