Công chức tham gia hội thì khác gì 'vừa đá bóng vừa thổi còi'?

“Công chức ở Cục An toàn thực phẩm tham gia hiệp hội sữa hay công chức Bộ Công thương lại vào hiệp hội phân bón... thì “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội bày tỏ quan điểm khi góp ý vào dự thảo Luật về hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách chiều 8/9.

Công chức tham gia hội sẽ ảnh hưởng nhiệm vụ quản lý

Bày tỏ đáng tiếc khi dự thảo Luật về hội nhưng không đưa ra khái niệm rõ ràng thế nào là hội, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, quy định trong dự thảo còn lằng nhằng, mù mờ, không biết tổ chức phi chính phủ, hội, quỹ thì cái nào trong cái nào. Rồi luật điều chỉnh tổ chức phi Chính phủ nước ngoài nhưng của trong nước lại không, nhiều quy định không thống nhất cách hiểu trong toàn bộ luật dẫn đến luật có ra đời cũng khó điều chỉnh.

Cũng theo ông Nguyễn Sỹ Cương, xuất phát từ khái niệm mập mờ nên luật này làm cho quản lý cán bộ công chức thêm lộn xộn. Ông không đồng tình với việc cán bộ công chức là người của Chính phủ nhưng tham gia tổ chức phi Chính phủ, là hội viên thoải mái vì việc này ảnh hưởng đến nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương

 “Ví dụ công chức của Cục An toàn thực phẩm tham gia hiệp hội sữa, cán bộ ở Bộ Công thương cấp phép về phân bón nhưng lại tham gia hiệp hội phân bón... thì “vừa đá bóng vừa thổi còi”, không nên chút nào. Hay làm ở ngân hàng lại tham gia hiệp hội kinh doanh vàng thì hoà cả làng” – ông Nguyễn Sỹ Cương nói và cho rằng cứ theo tình huống tham gia hội thoải mái thì luật ra không tạo ra nề nếp.

Đề cập trường hợp bị hạn chế quyền lập hội được quy định tại khoản 2 Điều 7 dự thảo luật là công chức, bộ đội, công an không được sáng lập hội, đăng ký thành lập hội, lãnh đạo, điều hành hoạt động hội, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền phân công, Đại biểu Nghiêm Vũ Khải cho rằng cần căn cứ vào thực tế nước ta để xác định cho phù hợp.

 “Thực tế do sự phân công của cơ quan có thẩm quyền nên một số người đứng đầu các hội lại là công chức, như làm Phó Chủ tịch Liên hiệp hội, tham gia Đoàn chủ tịch của hội. Vậy khái niệm lãnh đạo điều hành thế nào, đó có phải là lãnh đạo không?”, ông Khải nêu ví dụ.

Cho rằng do đặc điểm của nước ta nên công chức có tham gia hội ở mức độ nhất định, đại biểu Nghiêm Vũ Khải đề nghị nên sửa quy định trên theo hướng cán bộ công chức, công an, bộ dội tham gia khi có cơ quan có thẩm quyền đồng ý chứ không quy định “không được tham gia trừ trường hợp được phân công” để phù hợp hơn khi hội nhập quốc tế.

Hội phải bớt “bám” nguồn sữa ngân sách

Phát biểu tại hội nghị, TS Hoàng Ngọc Giao – Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) đặt vấn đề: “Chúng ta làm luật về hội để làm gì? Là để đảm bảo quyền lập hội cho người dân hay để quản lý hội hay là cả hai? Có lẽ cả hai là hướng đúng để đảm bảo quyền lập hội của người dân nhưng không xem nhẹ vai trò quản lý nhà nước. Quản lý là tạo điều kiện chứ không phải triệt tiêu, kiểm soát quyền lập hội.”

Ông Hoàng Ngọc Giao cũng thẳn thắn cho rằng vấn đề lớn phát sinh trong hoạt động của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, chính trị - xã hội – nghề nghiệp hiện nay là hoạt động theo xu hướng hành chính hoá, kém hiệu quả, rất hình thức và sử dụng một nguồn lớn ngân sách. Đó là chưa nói về nguồn nhân lực và cán bộ.

“Đảng rất đúng khi có nghị quyết, văn bản nói rõ là giữ ổn định biên chế đến hết 2016, từ 2017 thực hiện khoán hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện nhiệm vụ được giao. Luật ngân sách cũng nói rõ các tổ chức này thực hiện theo nguyên tắc tự đảm bảo, chỉ hỗ trợ cho nhiệm vụ được giao. Vậy luật này có giải quyết vấn đề này hay không? Tôi cho rằng nên và có phần quy định nguyên tắc tiêu ngân sách, trách nhiệm giải trình. Vì nếu gạt hẳn ra thì chả ở đâu giải quyết, phải tầm luật thì mới giải quyết minh bạch hoá và giải trình của các tổ chức này” – ông Hoàng Ngọc Giao nêu quan điểm.

Với chủ trương giảm dần bao cấp với các tổ chức hội đặc thù mà theo tinh thần tự chủ, tự trang trải, ông Giao cho rằng nên tạo cơ chế như trao quyền hoạt động gây quỹ, nhận viện trợ phi chính phủ và sự hỗ trợ của doanh nghiệp Việt Nam trên nguyên tắc minh bạch “để họ sống được, đỡ bám nguồn sữa mẹ ngân sách”.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, có ý kiến đại biểu cho rằng, liên quan chi phí cho các hội cũng nên phân tích lợi ích họ mang lại, cả về kinh tế và chính trị - xã hội. Do đó cần nghiên cứu quy định để vừa tạo điều kiện phát triển, tạo bình đẳng giữa các hội, bớt bao cấp và góp phần ổn định xã hội./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Tin mới