Công điện khẩn về tập trung kiểm soát, phòng, chống bệnh cúm gia cầm lây lan diện rộng

(Baonghean.vn) - Ngày 18/1, UBND tỉnh có công điện khẩn số 02/CĐ-UBND về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh cúm gia cầm lây lan trên diện rộng.

Nội dung công điện nêu rõ, theo thông báo của Cục Thú y, tại Việt Nam từ cuối năm 2020 đến nay đã xuất hiện 10 ổ dịch cúm gia cầm (CGC) A/H5N6 và A/H5N1 trên 7 tỉnh, thành phố, với tổng số gia cầm buộc phải tiêu hủy trên 11.000 con.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong năm 2020 đã xảy ra 13 ổ dịch CGC A/H5N6 tại 5 huyện, thị xã: Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Nghĩa Đàn, Hoàng Mai. Tổng số gia cầm mắc bệnh buộc tiêu hủy là 19.506 con. Hiện nay còn 01 ổ dịch tại xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu chưa qua 21 ngày.

Đàn ngan của gia bà Hồ Thị Tình ở xóm Hồng Phú, xã Quỳnh Hồng bị nhiễm dịch cúm A/H5N6 hồi tháng 2/2020. Ảnh tư liệu PV
Đàn ngan của gia đình bà Hồ Thị Tình ở xóm Hồng Phú, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu bị nhiễm dịch cúm A/H5N6 hồi tháng 2/2020. Ảnh tư liệu PV

Nhận định thời gian tới, nguy cơ dịch CGC lây lan và xảy ra trên diện rộng là rất cao, do trên địa bàn tỉnh Nghệ An có tổng đàn gia cầm lớn, hầu hết đàn gia cầm chăn nuôi nông hộ chưa tiêm phòng vắc xin CGC, thời tiết diễn biến phức tạp, giai đoạn trước và sau Tết Nguyên đán xảy ra các đợt rét đậm, rét hại, mưa phùn, độ ẩm thấp..., kết hợp việc giao thương buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm tăng cao, đặc biệt ở các địa phương có lưu hành vi rút CGC và có ổ dịch cũ.

Thực hiện Công điện khẩn số 170/CĐ-BNN-TY ngày 11/01/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh cúm gia cầm lây lan diện rộng. Để chủ động phòng, chống bệnh CGC kịp thời, có hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh có liên quan tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như sau:

1. UBND các huyện, thành phố, thị xã:

- Triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh CGC theo các văn bản: Công điện khẩn số 33/CĐ-UBND ngày 24/9/2020 của UBND tỉnh Nghệ An về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm giai đoạn hiện nay, Công văn 4092/SNN-CNTY ngày 02/12/2020 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường phòng, chống đói rét và dịch bệnh trên đàn vật nuôi vụ đông xuân 2020-2021;

- Đối với địa phương có ổ dịch CGC chưa qua 21 ngày, cần tập trung nguồn lực để triển khai đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, không để làm lan dịch và phát sinh ổ dịch mới;

Cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy toàn bộ số đàn ngan, gà của 2 gia đình tại xóm Hồng Phú, xã Quỳnh Hồng hồi tháng 2/2020. Ảnh tư liệu PV
Cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy toàn bộ số đàn ngan, gà của 2 gia đình tại xóm Hồng Phú, xã Quỳnh Hồng hồi tháng 2/2020. Ảnh tư liệu PV

- Thành lập các đoàn liên ngành cấp huyện, kiểm tra, kiểm soát các điểm thu gom, kinh doanh, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm; tăng cường quản lý hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật từ vùng dịch, không rõ nguồn gốc lưu thông trên địa bàn;

- Tổ chức các đoàn kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng, chống đói rét, dịch bệnh tại các xã, quan tâm dự trữ thức ăn, chất đốt, che chắn chuồng trại; lưu ý chăm sóc gia súc, gia cầm non dễ bị chết rét.

- Chuẩn bị hóa chất, vôi bột, vắc xin, vật tư... để chủ động chống dịch khi dịch mới phát sinh, không để dịch lây lan;

- Chỉ đạo UBND cấp xã; các phòng ban, đơn vị liên quan:

+ Thường xuyên rà soát, thống kê đàn gia cầm, yêu cầu các chủ trang trại, người chăn nuôi phải tổ chức tiêm phòng cho đàn gia cầm đủ 14 ngày tuổi trở lên, đảm bảo tiêm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn; lập biên bản xử phạt hành chính các chủ trang trại không tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định. Tuyệt đối không hỗ trợ cho các chủ trang trại, người chăn nuôi không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của chính quyền địa phương.

+ Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cần áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất để tiêu diệt các loại mầm bệnh;

+ Chủ động giám sát dịch bệnh tại cơ sở, lấy mẫu và gửi mẫu kịp thời để phát hiện bệnh sớm. Tập trung các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để chống dịch khi dịch xảy ra;

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chỉ đạo Đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các địa phương; phối hợp với các đoàn liên ngành địa phương phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm trong công tác kiểm soát giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái với quy định của pháp luật.

- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra, vào địa bàn tỉnh. Phối hợp với các địa phương, các cơ quan liên quan theo dõi, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; báo cáo tình hình dịch kịp thời; chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, vắc xin, ... để chủ động xử lý dịch trong diện hẹp.

3. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An: Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch, các yếu tố nguy cơ, các biện pháp phòng, chống bệnh CGC để người dân biết, thực hiện và phối hợp với chính quyền, địa phương trong phòng, chống dịch.

4. Công an tỉnh, Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường: Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các lực lượng chức năng: Cảnh sát giao thông, Cảnh sát Môi trường, An ninh kinh tế, Quản lý thị trường phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị: Giám đốc các Sở: Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh có liên quan, các đơn vị có chức năng thực hiện nghiêm túc Công điện này./.

Tin mới